Minh Hóa: Tập trung chuyển đổi rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn

0
7511

Xác định được giá trị kinh tế của rừng lấy gỗ lớn, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn. Bởi, rừng gỗ lớn dễ cải tạo, lại mang giá trị kinh tế cao hơn so với rừng trồng trước đây.

Huyện Minh Hoá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế rừng. Hiện, toàn huyện có trên 126.788 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng trồng có trên 3.838ha đã thành rừng và 3.756 ha đất có rừng trồng nhưng chưa thành rừng, trên 7.427 ha đất trống đồi trọc, gần 20.000ha đất rừng nghèo kiệt, 1.500ha rừng trồng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp.

Từ năm 2006 đến nay, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho trồng rừng kinh tế đạt trên 17,4 tỷ đồng. Tổng sản lượng gỗ khai thác qua các năm đạt 108.752 m3, ước tính thu nhập đạt 98 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, phong trào trồng rừng kinh tế đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Lợi thế để phát triển kinh tế rừng là rất lớn, tuy nhiên, huyện vẫn khai thác chưa triệt để, nhất là diện tích rừng trồng tập trung còn ít, chất lượng gỗ thấp, do phần lớn người dân trồng sai kỹ thuật, thu hoạch sớm nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa chia sẻ: “Thời gian qua, tôi cùng lực lượng Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp huyện và các cấp chính quyền đã có hàng chục chuyến đi thực địa ở những nơi có diện tích đất trồng rừng để kiểm tra, đánh giá, phân tích. Đến thời điểm này, huyện đã lập dự án xin UBND tỉnh chuyển đổi khoảng 20.000ha đất rừng nghèo kiệt chuyển sang đất trồng rừng sản xuất. Trong đó, sẽ chú trọng tập trung trồng các loại cây bản địa, trồng rừng, cải tạo rừng trồng nguyên liệu thành rừng lấy gỗ lớn”.

Nhờ sản lượng gỗ khai thác đã giúp nhiều người dân Minh Hóa thoát nghèo.
Nhờ sản lượng gỗ khai thác đã giúp nhiều người dân Minh Hóa thoát nghèo.

Để chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, đích thân các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đã đi tham quan, học tập các mô hình chuyển đổi rừng có hiệu quả trong cả nước. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định chỉ đạo bà con trên địa bàn cùng nhau chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu sang rừng lấy gỗ lớn.

Để biến chủ trương thành hành động, Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã chỉ đạo theo phương châm “cán bộ, lãnh đạo, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo phương châm đó, đến nay toàn xã Hóa Phúc và Hóa Thanh đã có trên 10 rừng nguyên liệu được cải tạo thành rừng lấy gỗ lớn.

Bí thư Huyện ủy Đoàn Ngọc Lâm là một Kỹ sư nông nghiệp nhận định: “1ha rừng trồng bình thường sau 5 năm sẽ thu hoạch được khoảng 80 đến 90 khối gỗ và chỉ bán được khoảng 50 triệu đồng. Nhưng, nếu cải tạo thành rừng gỗ lớn, sau 5 đến 7 năm nữa sẽ cho thu về từ 350 đến 500 khối gỗ. Điều quan trọng hơn là gỗ keo, tràm có thể làm các vật dụng trong nhà rất tốt như một số loại gỗ trong rừng tự nhiên”.

Theo quan sát của chúng tôi, khu rừng gỗ lớn của cán bộ, nhân dân xã Hóa Phúc và Hóa Thanh đang “nuôi” nhìn thưa hơn so với những khu rừng xung quanh, cây cách cây từ 4 đến 7 mét. Trong rừng là những cây có đường kính từ 15 đến 20 cm. Sau khi cải tạo, một số hộ còn bón phân vào từng gốc để cây phát triển nhanh hơn.

Ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc cho biết: “Theo chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi cũng đã cải tạo hơn 1ha rừng trồng tập trung của mình sang rừng gỗ lớn để sau này lấy gỗ làm nhà cửa, vật dụng trong gia đình. Sắp tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng làm. Bởi chủ trương của Thường vụ Huyện ủy đề ra là đúng đắn, phù hợp với lòng dân và điều kiện thực tế của địa phương”.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Minh Hóa sẽ quyết tâm chuyển đổi ít nhất 150 ha rừng trồng tập trung sang rừng lấy gỗ lớn. Để thực hiện quyết tâm đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho thành lập các tổ chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm của huyện là trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi, trong đó, có nội dung quan trọng là cải tạo rừng trồng nguyên liệu sang rừng lấy gỗ lớn.

Toàn huyện đã thành lập 8 tổ chỉ đạo, trong đó, mỗi tổ có 7 người và phụ trách 2 xã, thị trấn. Người đứng đầu các tổ đều là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, hai tổ phó là các đồng chí Huyện ủy viên. Các tổ viên là những người làm việc ở các đơn vị trong huyện liên quan đến nông nghiệp, như: cán bộ Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân…

Theo quy chế làm việc, các tổ liên ngành này có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết công việc trong quá trình triển khai 2 chương trình trọng điểm của huyện. Nhiệm vụ của các tổ là thay mặt cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo trực tiếp cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phụ trách để xây dựng kế hoạch và cùng bắt tay thực hiện với nhân dân từ nay cho đến năm 2020.

Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện thâm canh rừng trồng trên cơ sở áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, cải tạo rừng trồng nguyên liệu làm rừng gỗ lớn để đến năm 2020, toàn huyện sẽ đạt được 6.000ha rừng gỗ lớn, riêng năm 2017, mỗi địa phương phải thực hiện được ít nhất 10ha. Bên cạnh đó, UBND huyện Minh Hóa cũng có quyết định hỗ trợ cho mỗi ha rừng trồng nguyên liệu sang rừng lấy gỗ lớn là 2 triệu đồng.

Ngoài việc chỉ đạo cải tạo rừng trồng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa còn chỉ đạo bà con nhân dân đẩy mạnh trồng các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trồng keo tràm theo kiểu rừng lấy gỗ ở những khu vực xa đường giao thông, đồi núi cao để tận dụng hết quỹ đất; đẩy mạnh khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên để làm giàu cho các thế thế hệ sau.

Đến năm 2020, Minh Hóa sẽ phấn đấu đưa tổng diện tích rừng trồng đạt gần 30.000 ha và 6.000ha rừng trồng gỗ lớn, gồm những giống cây có giá trị kinh tế cao và cây bản địa; có chính sách hỗ trợ để xây dựng được 3 đến 5 vườn ươm giống cây keo, vườn ươm cây bản địa, giải quyết việc làm cho 13.500 lao động…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777