Người con của Quảng Bình kiên cường

0
5733

Quảng Bình – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đó là con đường Hồ Chí Minh, trải dài trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nối miền Bắc với miền Nam. Đây là con đường vận tải chiến lược, đưa bộ đội, thanh niên xung phong cùng vũ khí, lương thực vào chiến trường đánh Mỹ. Gắn liền với con đường huyền thoại đó là vị tư lệnh nổi tiếng – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, Báo Năng lượng Mới xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc về vị tướng tài ba đó.

Năng lượng Mới số 322


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Quê hương ông xã Quảng Trung bên dòng sông Gianh thơ mộng, một thời là nơi phân tranh của các thế lực phong kiến, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. 16 tuổi, ông Đồng Sĩ Nguyên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Phó ủy viên Phủ ủy Quảng Trạch. Đang học thành trung, cũng là những năm Pháp khủng bố, lùng bắt gắt gao những người cộng sản, đến năm thứ ba, ông được xứ ủy Trung Kỳ tổ chức thoát ly sang Thái Lan hoạt động bí mật.

Cuối năm 1944, ông trở về hoạt động ở Phủ Quảng Trạch, làm Chủ nhiệm Báo Hồng Lạc, tham gia lãnh đạo chiến khu cách mạng đầu tiên của huyện Trung Thuần, huấn luyện Tự vệ cứu quốc chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 7/1945, Đồng Sĩ Nguyên là thường vụ tỉnh ủy phụ trách Chủ nhiệm Việt Minh Quảng Bình, vừa chỉ huy bộ đội địa phương. Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông là một trong những đại biểu Quốc hội trẻ nhất lúc bấy giờ. Những năm đầu kháng chiến gian khổ ông gắn bó với những chiến công của quân và dân Quảng Bình trên cương vị Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Hồi đó người ta kể cho nhau nghe nhiều chuyện về ông với tình cảm yêu thương, cảm phục người chỉ huy trẻ tuổi nhanh nhẹn, thông minh và quyết đoán…

Người bạn đời chung thủy của ông là cán bộ phụ nữ xã, vừa là nữ du kích dũng cảm, người cùng quê Quảng Trạch. Có một lần, ông một mình băng qua đồn địch tìm đến với người yêu đang chỉ huy chuẩn bị đánh đồn Minh Lệ. 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông có mặt hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội ta. Những năm chống Mỹ ác liệt, ông gắn bó với con đường huyền thoại Trường Sơn mang tên Bác mà căn cứ chủ yếu trên đất Quảng Bình. Ông đã gắn bó với từng binh trạm, từng trọng điểm ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Ông trở thành biểu tượng của niềm tin và sức mạnh của những người chiến sĩ Trường Sơn. Có lẽ ý thức về quê hương cũng là nguồn động viên to lớn cho ông vượt qua mọi gian khổ hy sinh để làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu chiến trường Trường Sơn chi viện sức người sức của cho miềm Nam: “Ở đất lửa” Quảng Bình, nơi mà mỗi tấc đất, ngọn cỏ nhỏ nhoi đều phải “cõng” tới cả quả bom hàng trăm bảng Anh, khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh thì mọi giải pháp có thể bảo toàn được từng con người, từng gia đình như một “tế bào” của cộng đồng, để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, đều phải tính”.


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư lệnh những năm tháng ác liệt nhất

Dải Trường Sơn từ bao đời là chỗ dựa chung của ba nước trên bán đảo Đông Dương. Nói như cách của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Đông, tây Trường Sơn vừa là bên sườn vừa là bên ruột của chiến trường ba nước Đông Dương, là một chiến lược căn cứ vĩ đại, có địa lợi, nhân hòa, thế địch yếu, tấn công phòng ngự vô cùng lợi hại”. Thế kỷ trước, con đường mòn từ Nam ra Bắc trên dải Trường Sơn hùng vĩ dần dần được hình thành. Ngày 19/5/1959, nhân dịp sinh nhật Bác, thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, đường Trường Sơn chính thức được thành lập mang tên mật danh là Đoàn 559. Đồng chí Võ Bẩm – người đầu tiên được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ đặc biệt này, nhớ lại: “Tôi còn nhớ mãi, ngày 19/5/1959.

Một buổi sáng mát lành, vừa đến Cơ quan Cục Nông trường thì đồng chí trực ban cho biết, Văn phòng Quân ủy Trung ương vừa gọi điện triệu tập tôi sang ngay để gặp đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu phó và là Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương. Tôi vội vã đến ngay Bộ Quốc phòng, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh thay mặt Quân ủy Trung ương đón tiếp tôi rất thân mật, đồng chí nói: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí mở đường giao thông quân sự đặc biệt để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15, từng bước đưa cách mạng miền Nam phát triển”.

Đó không chỉ là giờ phút trọng đại với Thượng tá Võ Bẩm (sau này ông được phong quân hàm Thiếu tướng) mà còn đánh dấu sự bắt đầu của một con đường huyền thoại, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miềm Nam, từ đường mòn 559 thành Đại lộ Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay! Bắt đầu là đường gùi thồ. Từ năm 1964 chuyển sang mở đường cơ giới tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, đồng thời thí điểm vận chuyển cơ giới. Mùa khô 1964-1965, Tư lệnh Đoàn 559 cùng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện tiếp tục thử nghiệm vận tải cơ giới tiểu đoàn. Đó cũng là những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tập trung đánh phá vận tải tiếp tế vào miền Nam trên đường 559. Mỹ đánh phá đường Trường Sơn bằng nhiều binh chủng kết hợp và bằng nhiều loại vũ khí hiện đại như hàng rào điện tử, mưa nhân tạo và cả các loại chất độc hóa học…

Liền trong hai năm không hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển. Tháng 3, tháng 4/1966 ta mất trên đường vận chuyển 355 ôtô, chỉ thực hiện 10% khối lượng vận tải. Cuối năm 1966 Quân ủy Trung ương triệu tập cuộc họp rút kinh nghiệm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Tại hội nghị có hai loại ý kiến trái ngược nhau được đưa ra thảo luận. Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn vận chuyển nên quay lại gùi thồ, nhưng loại ý kiến thứ hai, xuất phát từ yêu cầu phát triển của chiến trường cần phải phát triển vận tải cơ giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe, tổng kết hội nghị, ông nhấn mạnh: “Địch dùng chiến tranh tổng hợp để ngăn chặn, ta cũng phải tổ chức bộ đội hợp thành để chống lại, cương quyết thực hiện thành công đường vận tải cơ giới, có kết hợp gùi thồ nơi và lúc cần”.

Đồng Sĩ Nguyên được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, vừa là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Mặt trận Trung, Hạ Lào trong hoàn cảnh như thế: “Tôi nhớ khi giao nhiệm vụ cho tôi làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương sau khi cuộc họp trên vừa kết thúc, anh Đinh Đức Thiện bức xúc nói rằng, do thử nghiệm vận tải cơ giới chưa thành công nên mới có ý kiến bàn lùi. Anh rất tức! Và anh hy vọng chắc chắn ở tôi: Lần này, cậu vào chính quê cậu, tâm điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, hãy cố thực hiện cho được vận tải cơ giới quy mô lớn để chứng minh kết luận của Quân ủy Trung ương là hoàn toàn đúng đắn”.

Tham gia cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Trung, Hạ Lào, Phó tổng Tham mưu trưởng, Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu 4, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần… nhưng có lẽ đến những năm khó khăn ác liệt nhất ở mặt trận vận tải chiến lược Trường Sơn, khi làm Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương thì tài trí của ông – nhà chiến lược quân sự đồng thời là nhà tổ chức tài năng mới được phát huy hết khả năng, góp phần quan trọng vào chiến thắng toàn dân tộc kết thúc 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm!

Tôi nhớ bút tích của cố Tổng bí thư Trung ương Đảng – Lê Duẩn đánh giá cao tuyến vận chuyển chiến lược và những chiến sĩ anh hùng Trường Sơn trong “Sổ vàng nhà truyền thống bộ đội Trường Sơn”: “Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam – Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương. Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại”. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông đã để lại một ấn tượng sâu sắc của vị Tư lệnh.

Đồng chí Nguyễn Việt Phương nguyên Chính ủy Binh trạm 12 bộ đội Trường Sơn đã có mặt trong buổi giao ban đầu tiên do Trung tướng chủ trì từ năm 1967 ở Trường Sơn, lần đó làm ông vô cùng cảm phục và nhớ mãi: “Nghe ông lý giải, tôi chợt nhận thấy “dấu ấn tính cách” của ông chỉ huy địch hậu năm xưa. Sau cuộc kiểm tra này, tôi được điều vào Cục Vận tải 559, dự buổi giao ban đầu tiên trong một địa đạo xẻ vào lòng núi. Tư lệnh ngồi ở góc bàn, sát tấm bản đồ cao 5m, rộng 3m treo trên vách, hai bên treo những đồ thị diễn biến chiến đấu, vận tải… Buổi giao ban hôm đó phản ảnh nhiều sự kiện, gay cấn nhất là khu vực binh trạm phía nam tuyến. Ông chăm chú lắng nghe, điềm tĩnh kết luận những việc đạt chỉ tiêu, những việc chưa đạt và chỉ ra các vấn đề cần nghiên cứu cách giải quyết… Tôi vô cùng khâm phục tài tổ chức chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559. Gần 10 vạn người hoạt động suốt 24/24 giờ trên trận tuyến Trường Sơn dài hơn ngàn km, diễn biến rất phức tạp, khẩn trương mà cơ quan điều hành nắm bắt rất rõ ràng, có biện pháp kịp thời… Tất cả gọn trong hai giờ!… Những hình ảnh đẹp về Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên ngày ấy vẫn còn trong tôi đến bây giờ”.

Tầm nhìn xa, ý chí sắt đá

Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 – quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là phải mở đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Người chỉ huy mặt trận Trường Sơn vừa phải có tầm nhìn chiến lược, vừa là người tổ chức thành công nhiệm vụ chiến lược cực kỳ khó khăn, gian khổ trong khi địch đánh phá vô cùng ác liệt. Quân ủy Trung ương giao cho Đồng Sĩ Nguyên là đã nhìn thấy một tài năng lớn và tin ở khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ông. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Quân ủy Trung ương đặc trách công tác hậu cần “với cách nói chậm, ngắt mạch, đầy cân nhắc và quyết đoán” khi giao nhiệm vụ cho ông: “Biết vậy, nhưng không có cách nào khác. Chúng ta hãy thử nghiệm. Anh là Tổng tham mưu phó, tôi tin anh sẽ có cách”.


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm đường Trường Sơn

Đồng Sĩ Nguyên đã không phụ lòng tin của Quân ủy Trung ương. Nhận nhiệm vụ cuối tháng 12/1966, thế mà đến tháng 5/1967 khi kết thúc vận tải mùa khô, Đoàn 559 đã hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chủ yếu quân vào các chiến trường đạt 156% và chuẩn bị đủ gạo cho 30.000 quân đi trong mùa mưa. Những người lính Trường Sơn không bao giờ quên cuộc diễn tập độc đáo lấy chiến trường làm thao trường, khẳng định sự tất yếu vận tải cơ giới, phủ định hoàn toàn ý tưởng khôi phục cách vận tải truyền thống bằng gùi thồ. Cuộc diễn tập chiến dịch vận tải tập đoàn binh trạm hai cấp mà Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tổ chức, vừa là người chỉ huy theo phương thức binh chủng hợp thành. Mục đích là tạo chân hàng lớn chuẩn bị cho đợt vận chuyển mùa khô 1968 phục vụ cho Tổng tiến công Mậu Thân.

Cuộc diễn tập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình chiều dài trên 200km trong khi máy bay địch ngày đêm đánh phá. Tham gia diễn tập có 4 binh trạm, 2 trung đoàn công binh, đoàn 67 giao thông thanh nhiên xung phong, 2 trung đoàn pháo phòng không và 5 tiểu đoàn xe vận tải gồm 700 xe. Diễn tập đạt kết quả bất ngờ, tạo được khối lượng chân hàng ở vị trí tập kết vượt khẩu tương đương chỉ tiêu vận chuyển cho B3, B4 trong cả năm. Qua diễn tập đã củng cố lòng tin, chuyển biến hẳn phong cách chỉ huy sâu sát vận tải chiến đấu hợp đồng. Ông nhân tầm nhìn xa đến các cán bộ cấp dưới với một quan niệm rất cụ thể: “Nhưng đối với những người chỉ huy giỏi, vấn đề không phải là say sưa với “tấn, tạ”, mà phải có tầm nhìn xa hơn, phải thấy được nguyên nhân thắng lợi để phát huy tốt, giành thắng lợi lớn hơn. Từ kinh nghiệm của mình góp phần nhân rộng ra toàn tuyến, trước hết là yếu tố con người”. Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào chấm dứt vĩnh viễn âm mưu Mỹ – ngụy cắt đứt tuyến vận chuyển của ta từ Bắc vào Nam.

Về chiến thắng Đường 9 – Nam Lào, ông nói: “Thất bại trong việc dùng máy bay các loại đánh phá nhưng không ngăn được con đường vận tải chiến lược của ta, lần này Mỹ âm mưu đem lính bộ binh chiếm các vị trí dọc Đường 9 nhằm ngăn chặn con đường vận tải chiến lược Bắc – Nam. Địch sử dụng 600 trực thăng chở quân ngụy lên các cao điểm lập đồn bốt. Mặt trận phía tây do Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm. Bố trí 5 trung đoàn pháo phòng không, 10 đại đội 12,7 ly để đánh trực thăng. Năm ngày đầu, để cho Mỹ đổ quân lên các điểm cao, ta chỉ dùng súng trường đánh địch. Đến ngày thứ sáu trở đi, ta dùng pháo phòng không, trực thăng Mỹ bị rơi nhiều. Có ngày ta hạ 30 chiếc làm cho chúng không dám hạ cánh xuống các điểm cao, ta thừa thắng dùng bộ binh tiêu diệt gọn các điểm cao mà chúng đã đổ quân. Thất bại của Mỹ – ngụy trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào đã chấm dứt vĩnh viễn âm mưu chiến lược ngăn chặn con đường tiếp tế Bắc – Nam của ta. Đây là một trong ba lý do buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Pari”.

Sau Đường 9 – Nam Lào, Mỹ tiếp tục dùng không quân ngăn chặn giao thông của ta, dùng máy bay AC130 đánh phá dọc tuyến giao thông làm cho vận tải cơ giới của ta bị tổn thất. Quyết tâm phải tìm ra cách đối phó có hiệu quả với loại máy bay lợi hại này, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên ngồi vào đội hình 50 xe của Tiểu đoàn 102 đi qua đoạn đường trọng điểm vừa bị đánh phá ác liệt để trực tiếp nghiên cứu. Kết quả là cả 50 xe hoàn thành nhiệm vụ, không một lái xe nào bỏ xe mặc dù các xe đều trúng đạn. Sau chuyến đi ấy Đồng Sĩ Nguyên không những điều chỉnh lại lực lượng phòng không bằng việc tăng cường các đơn vị pháo 57 ly có khí tài, các đơn vị tên lửa dọc tuyến vận tải mà còn tìm ra một hướng mới cực kỳ quan trọng: Xây dựng hệ thống đường kín – mở đường men theo những cánh rừng đại ngàn. Rừng đã trở thành màn ngụy trang khổng lồ suốt gần 1.000km đường kín trên đất bạn từ Xiêng Phạn, Ta Lê thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào) đến cửa khẩu Tài Xeng tỉnh A Tô Pư (Lào) nối với Tây Nguyên với Campuchia.

Mạng đường kín hoàn thành đã tạo ra một bước ngoặt mới trong vận tải chiến lược chi viện chiến trường. Từ chỗ chỉ chạy xe chủ yếu vào ban đêm chuyển sang chạy ban ngày, cả trung đoàn xe, khối lượng hàng vận chuyển tăng lên nhanh chóng. Nhờ tầm nhìn chiến lược của Tư lệnh nên Trường Sơn nhanh chóng được triển khai thành một Bộ Tư lệnh binh chủng hợp thành cho nhiệm vụ vận tải chiến lược có hiệu quả. Ông là Tư lệnh với 9 sư đoàn trong đó có 2 sư đoàn ôtô vận tải, 4 sư đoàn bộ binh và một số trung đoàn phối thuộc đủ sức “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” đáp ứng mọi nhu cầu của chiến trường. Công tác vận chuyển chiến lước của bộ đội Trường Sơn đạt hiệu quả cao cũng là một cơ sở để Trung ương Đảng quyết định việc kết thúc nhanh chóng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 lịch sử.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng trên đường vào Tây Nguyên không giấu nổi vui mừng, đánh giá cao kết quả vận tải chiến lược khi làm việc với Bộ Tư lệnh Binh đoàn: “Hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố quyết định để Bộ Chính trị hoạch định kế hoạch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sự phát triển và hoàn thiện mau lẹ các tuyến đường Hồ Chí Minh là cơ sở vững chắc để Bộ Tổng tư lệnh chủ động mở các chiến dịch”.

Nguyễn Ngọc Phúc (Petrotimes)

(Trích trong “25 tướng lĩnh Việt Nam”)

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777