Vượt khó, vươn đến ngày mai tươi sáng

0
4966

Quảng Bình – Để được tiếp tục đến trường, rất nhiều tân sinh viên Bình Định đã tay sách tay mưu sinh với đủ thứ nghề vất vả từ lóc vỏ dừa, đốn củi cho tới mò ốc…


Sau giờ học Lâm Văn Thông giúp mẹ bấm ốc – Ảnh: Trường Đăng

“Nhận tin mình được cấp học bổng đến trường, em mừng run luôn. Cứ muốn chạy đến trường báo thầy cô giáo biết để mừng, nhưng vẫn cứ lo lo, lỡ chẳng may có trục trặc nào đó thì xoay đâu có tiền vào Sài Gòn học” – Nguyễn Xuân Kiệt (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vừa trúng tuyển vào Đại học Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, kể trong niềm vui nghẹn ngào.

Những mảnh đời nghèo vượt khó

Gần tới ngày nhập trường, Kiệt vừa vui vừa lo lắng. Em vui vì có học bổng “Tiếp sức đến trường”, nhưng lại lo cho ba mẹ và những đứa em nhỏ dại ở quê nhà. Ba Kiệt bị mù một mắt do trúng bom, và hơn 40 năm qua vẫn còn mang mảnh đạn trong đầu từ thời chiến tranh. “Khi trái gió trở trời ba nằm ôm đầu kêu đau mà không dám rên rỉ, sợ con cái buồn” – Kiệt nói.

Cả làng, cả xã, ai cũng biết Kiệt – cậu học trò lóc vỏ dừa giỏi nhất của xứ Tam Quan. Kiệt bảo vì nghèo khó mà em làm giỏi vậy thôi, tiền công lóc vỏ mỗi quả dừa chỉ 80 đồng, mỗi ngày em ráng lóc vỏ 2.000 quả dừa để có 160.000 đồng. Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch dừa là Kiệt vui lắm, đó là những ngày em được ăn no nhất, ăn ngon nhất. Thương cậu học trò nghèo hiếu học, làng trên xóm dưới ai cũng kêu Kiệt đến lóc vỏ dừa. “Nhờ vậy mà em có ngày nay đó” – Kiệt nói vui.

Kiệt thi đậu hai trường, Đại học Tài chính – marketing TP.HCM và Đại học GTVT ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Kiệt chọn Đại học GTVT vì: “Nhà nghèo học tài chính lỡ không xin được việc làm thì gay. Em học xây dựng dân dụng, bí lắm thì mình cũng dễ kiếm cơm để giúp cha mẹ nuôi các em ăn học tiếp”.

Cũng như Kiệt, cậu học trò nghèo ở Hoài Ân, Bình Định, Lâm Văn Thông rất giỏi nghề đốn củi và mò ốc trên sông Lại Giang. Cứ chủ nhật là Thông lên rừng đốn củi gánh về chợ huyện bán, mỗi gánh củi được 40.000-60.000 đồng. “Mùa hè củi bán chạy, em giúp mẹ thêm tiền đong gạo; nhưng tới mùa đông củi ướt, ít người mua, bị đói hoài. Cha bị bệnh nặng nằm một chỗ, mẹ Thông tay bưng vai gánh, quanh năm hết làm ruộng là tất tả ngược xuôi buôn bán vặt khắp các buôn làng dân tộc H’Rê, nên có hôm mẹ chưa về cả nhà tắt bữa. Vậy là em ra sông Lại Giang bên kia làng mò ốc, hến về luộc bán ở vỉa hè thị trấn huyện.

Những ngày mò bắt được nhiều ốc em bán đến 8-9 giờ đêm, đủ tiền mua 5-7 ký gạo, cả nhà chắt chiu đủ nấu cơm 3-4 ngày. Những hôm nắng đẹp, có hôm bị cảm cũng ráng trầm mình dưới sông cả ngày mò ốc. Sợ nhất ngày mưa, về luộc bán không ai mua thì đành nấu cháo ốc cả nhà ăn thay cơm vì không còn đủ gạo” – Thông bộc bạch.

Hôm ghé thăm Thông, nhìn em loay hoay bưng từng tô ốc, xếp bàn phục vụ khách nhậu bình dân phố huyện mà thương. Cuộc trò chuyện với Thông luôn dang dở, chắp nối vì người kêu ốc, người gọi rượu, người tính tiền. “Nhiều người ở phố huyện thương em chịu khó nên đến đây ủng hộ. Nhờ họ mà em được đi học hết cấp III, nhà có cơm ngày hai bữa. Em đi Sài Gòn học, cả nhà coi như mất một cánh tay” – Thông quệt mồ hôi kể.


Có ngày Nguyễn Xuân Kiệt lóc vỏ đến 2.000 trái dừa – Ảnh: Trường Đăng

Khát khao đến trường đại học

Căn nhà của Phạm Tấn Long – tân sinh viên khoa quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế – luật TP.HCM – là một trong những căn nhà dột nát, xiêu vẹo nhất ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ba năm trước, khi vừa lên lớp 10, Long dành dụm mua 30 cây xoài ghép trồng quanh vườn nhà.

“Hồi đó, nghe người ta nói xoài ghép mau ra trái, em nghĩ đến khi đậu đại học sẽ bắt đầu thu trái bói, mình sẽ có thêm tiền để học đại học. Em tính xa vậy đó, chăm sóc kỹ lắm, mà tới giờ chưa cây xoài nào ra hoa” – Long than thở. Buồn nữa là hơn hai năm nay, ba Long nói là đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi con, rồi mất liên lạc, cả nhà không biết ông ở đâu để tìm, mà cũng không thể xoay đâu ra tiền để đi tìm cha. Những khi mưa bão ngặt nghèo, bí quá Long lên chùa ăn nhờ cơm chay. “Sư thầy thương em cho ăn cơm chay hoài, đôi khi thầy cho chút tiền mua sách vở… Bây giờ em nghe nói có học bổng tới 5 triệu đồng, lần đầu tiên trong đời em được số tiền lớn vậy. Em sẽ ráng học giỏi để xứng đáng với những tấm lòng thơm thảo giúp mình” – Long ngập ngừng nói, nghẹn ngào.

Còn lắm những mảnh đời khó khăn ở miền Trung khao khát được đặt chân đến cổng trường đại học. Như Nguyễn Thị Thu Thùy ở Hoài Nhơn, Bình Định (tân sinh viên Trường cao đẳng Phương Đông) đi lột vỏ bạch đàn thuê, kiếm vài chục ngàn mỗi ngày. Như Võ Thị Kim Ngân ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, Bình Định (tân sinh viên Đại học Y – Huế) quanh năm cày cuốc trên đồng, cày cuốc trên từng trang giấy… Tất cả các em, trong hành trình không mệt mỏi của mình, vượt qua nghèo khó, luôn hướng tới ngày mai tươi sáng, để được đi học, được đến trường…

Ngày 16-9, tại TP Nha Trang, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục – đào tạo Khánh Hòa, Bình Định và Hội Khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa tổ chức trao 72 suất học bổng “Tiếp sức đến trường 2012” (5 triệu đồng/suất) cho 72 tân sinh viên hai tỉnh trên vừa đậu vào ĐH-CĐ. Tổng trị giá học bổng là 360 triệu đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn ĐT-XNK tổng hợp Sài Gòn (Incomex Saigon Group), Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH Nhà Yến Nha Trang, Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ Tường Minh (TMA Solutions) tài trợ.

P.T

Theo TTO

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777