100 triệu cuốn sách giáo khoa thành giấy vụn, lãng phí nghìn tỷ đồng

0
1077

Mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT – cơ quan độc quyền về sách giáo khoa – phát hành hơn 100 triệu bản. Phần lớn sách giáo khoa chỉ dùng một lần, lãng phí nghìn tỷ đồng.

Đ

ầu năm học này, chị L.A., một phụ huynh có con học lớp 4 ở Cầu Giấy, Hà Nội, bất ngờ khi số lượng sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo con chị mua tại trường lên đến 27 cuốn.

Trong đó, chỉ riêng môn Toán có đến 4 cuốn. Tổng số tiền chị L.A. phải đóng là 345.000 đồng, trong khi số lượng SGK của lớp 4 chỉ là 9 với tổng giá 77.000 đồng.

Điều đáng nói với gần 350.000 đồng bỏ ra, bộ sách của chị sẽ chỉ được sử dụng một lần, thậm chí có cuốn không dùng đến.

100 triệu cuốn SGK bị vứt đi mỗi năm

Theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp 1, 2, 3 là 6  cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn SGK, lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Giá bán lẻ bộ SGK chương trình phổ thông từ 45.300 đồng đến 153.000 đồng.

Giả thiết số lượng học sinh mỗi khối tương đương nhau và tỷ lệ học sinh THPT theo học chương trình chuẩn và chương trình nâng cao không chênh lệch, trung bình, mỗi học sinh dùng 10 cuốn SGK.

100 trieu cuon sach giao khoa thanh giay vun, lang phi nghin ty dong hinh anh 1
SGK in mới hàng năm so với SGK cần dùng (giả thiết mỗi em dùng 10 cuốn). Phần lớn số SGK này chỉ dùng một lần vì học sinh viết thẳng vào sách. Ảnh: Nguyễn Sương.

Năm 2015, cả nước có gần 15,4 triệu học sinh, tức cần 154 triệu cuốn sách. Năm 2016, 15,5 triệu học sinh phổ thông cần 155 triệu cuốn. Con số này đối với năm 2017 (15,6 triệu học sinh), 2018 (16,5 triệu học sinh) lần lượt là 156 triệu và 165 triệu cuốn.

Trong khi đó, theo báo cáo công bố thông tin năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam, số lượng SGK in ấn hàng năm lên đến hơn 100 triệu bản. Nếu theo giả thiết trên, điều này đồng nghĩa việc khoảng 36% SGK được sử dụng lại. 64% còn lại bị vứt đi hoặc bán giấy vụn, là sự lãng phí rất lớn.

Đặc biệt, 2018-2019 là năm cuối cùng áp dụng chương trình và SGK hiện tại. Số lượng bản in lên đến 104 triệu bản. Sau năm nay, số sách này cùng với lượng sách được tái sử dụng ở các vùng khó khăn đều không còn giá trị.

Lãng phí cả nghìn tỷ đồng vì sách chỉ dùng một lần

Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam, doanh thu hàng năm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ SGK và thiết bị giáo dục.

Thông thường, NXB chiết khấu cho các đại lý bán sách. Theo Tiền Phong, con số này dao động từ 14% đến 25%. Nếu lấy mức chiết khấu trung bình là 20%, số tiền thực tế mà người dân bỏ ra cho SGK phải tăng thêm 20% so với doanh thu của NXB. Nghĩa là, số tiền mua SGK hàng năm lên tới 1.200 tỷ đồng.

100 trieu cuon sach giao khoa thanh giay vun, lang phi nghin ty dong hinh anh 2
Giá bán SGK phổ thông (chương trình chuẩn) dao động từ 45.300 đồng đến 144.000 đồng/bộ. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ngoài ra, họ còn phải chi thêm số tiền không nhỏ cho hàng loạt sách bài tập, tài liệu tham khảo. Số lượng sách cần mua đầu năm học không dừng lại ở SGK mà gấp đôi, thậm chí gấp 3. Sách bài tập được dùng để thay thế vở, học sinh làm bài trực tiếp lên đó nên không thể dùng lại nữa.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là không chỉ sách bài tập, SGK cũng chỉ dùng một lần. Rất nhiều cuốn, đặc biệt môn Toán và Tiếng Anh ở cấp tiểu học có phần bài tập. Học sinh ghi câu trả lời lên sách dẫn đến khóa sau không thể dùng lại nữa.

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 9/12, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải một lần nữa đề cập tình trạng lãng phí này.

“Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua SGK. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác”, bà Hải nêu.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề lãng phí cả nghìn tỷ đồng vì SGK chỉ dùng một lần được nhắc đến. Đáng tiếc, nỗi băn khoăn chung này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhiều người thậm chí còn cho rằng mỗi bộ sách có vài chục nghìn có gì phải “lăn tăn”. Nhưng “góp gió thành bão”, hàng năm, hơn 100 triệu bản SGK thành giấy vụn, đồng nghĩa hơn 1.000 tỷ đồng của người dân “tan thành mây khói”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thiết kế SGK lại cho phép học sinh làm bài trực tiếp vào sách, trong khi vẫn có vở môn học và sách bài tập?

Những cách rút tiền từ túi phụ huynh

Chị L.A. cho biết trường chỉ thông báo mua sách đầu năm, hoàn toàn không cung cấp danh sách những cuốn trường sẽ mua “giúp”, cũng như cuốn nào bắt buộc học, cuốn nào không nhất thiết dùng đến, có thể bỏ.

Hàng triệu phụ huynh như chị L.A. nhờ trường mua SGK cho con (phần để tiện, phần vì trường khuyến khích). Khi nhận lại, số sách lên đến gần 30 cuốn và số tiền xấp xỉ 350.000 đồng cho SGK, sách bài tập, tài liệu tham khảo.

Nhiều cha mẹ biết đây là chuyện bất hợp lý nhưng không lên tiếng vì không tiếc chi tiêu cho con ăn học, lại “chẳng đáng mấy đồng”, nói ra lại ảnh hưởng quan hệ với thầy cô giáo.

100 trieu cuon sach giao khoa thanh giay vun, lang phi nghin ty dong hinh anh 3
NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT, là đơn vị độc quyền về in SGK, thu lợi cả trăm tỷ đồng mỗi năm (năm 2018 là số liệu dự kiến). Ảnh: Nguyễn Sương.

Trong khi đó, không ít trường liệt kê tiền mua SGK vào khoản bắt buộc hoặc tự nguyện (trên tinh thần bắt buộc) vào danh sách khoản thu trước năm học mới. Gần đây nhất, nếu phụ huynh không phản ứng, trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ thu 800.000 đồng cho hai khoản SGK và đồng phục.

Khi nhà trường đã bắt học sinh mua sách mới, việc viết trực tiếp lên sách hay không cũng không quan trọng, và bộ SGK cũng bị vứt bỏ sau một năm sử dụng.

Ngoài ra, một tình trạng dễ nhận thấy là NXB rất “chịu khó” đính chính và tái bản SGK. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi tại sao không sửa luôn một lần mà mỗi lần tái bản lại xuất hiện một vài lỗi. Liệu đây có phải “chiêu” để học sinh phải mua sách mới hàng năm?

Tháng 11/2017, câu chuyện NXB Giáo dục Việt Nam âm thầm sửa sai sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1 rộ lên khi sách giáo viên sử dụng ghi “Trần Thái Tông”, sách của học sinh lại là “Trần Nhân Tông”(truyện “Ông Trạng thả diều”). NXB đính chính nhưng không thông báo. Để tránh trường hợp bị sai, cả giáo viên lẫn học sinh đều chọn cách mua bản mới nhất.

Vòng luẩn quẩn độc quyền – lãng phí

Hiện tại, SGK, sách bài tập, tài liệu tham khảo được sử dụng tại trường học đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam – cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT. Quy trình biên soạn và phát hành sách do bộ nắm hoàn toàn, từ việc lên chương trình, viết sách đến chỉ đạo in ấn để thực hiện đại trà.

NXB này nắm độc quyền SGK, chiếm 100% thị phần. Thêm vào đó, ngành dọc (bộ – sở – phòng – trường) cũng là lợi thế của việc phân phối SGK và sách tham khảo đến học sinh.

100 trieu cuon sach giao khoa thanh giay vun, lang phi nghin ty dong hinh anh 4
Năm học 2019-2020 học sinh lớp 1 sẽ được học SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong.

Trả lời Zing,vn, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – khẳng định độc quyền SGK dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức “bắt mối” với nhau để hưởng lợi. Với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của SGK sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng giảm rõ rệt.

Độc quyền SGK khiến NXB duy nhất sẽ thao túng thị trường sách. Một khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt.

Một chuyên gia giáo dục khác còn phân tích NXB nắm độc quyền SGK còn dẫn đến tình trạng sách được bao cấp, giá bán ở mức thấp so với các loại sách khác. Điều này tác động lên tâm lý giáo viên, phụ huynh trong quá trình học.

Trước đây, khi đất nước còn khó khăn, học sinh được căn dặn giữ gìn sách cẩn thận, không ghi lên sách, nếu cần thì ghi bằng bút chì để khóa sau còn sử dụng sách.

Ngày nay, với các cuốn có giá chưa đến 10.000 đồng, học sinh thoải mái làm bài tập lên SGK bằng bút mực vì dù có tẩy được, cũng không ai bỏ công ngồi tẩy xóa để dùng lại. Tâm lý giá rẻ, “vài chục nghìn đồng mua sách cho con đáng gì” tồn tại ở nhiều phụ huynh khiến bài toán siêu lãng phí SGK càng thêm khó giải.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Chủ trương này phần nào xóa thế độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng trong 6 bộ SGK dự kiến, NXB này chịu trách nhiệm đến 5 bộ. Nếu đúng như vậy, về lý thuyết, họ vẫn chiếm 83% thị phần SGK.

Ngoài ra, kinh phí dự kiến cho dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK là 80 triệu USD (77 triệu USD từ nguồn ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng của chính phủ). Trong đó, 6,5 triệu USD được chi cho xây dựng chương trình. Việc biên soạn và thực hiện SGK theo chương trình tiêu tốn khoảng 20,5 triệu USD.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thực hiện biên soạn một bộ SGK với kinh phí 15 triệu USD (bao gồm cả tập huấn, bồi dưỡng, tuyển chọn chuyên gia tư vấn, biên soạn sách…). Số tiền đầu tư cho SGK quá lớn. Lợi nhuận thu về từ thị trường SGK cũng “rất khủng”. Do đó, nếu không phá thế độc quyền, bỏ tình trạng bao cấp, SGK tiếp tục song hành cùng câu chuyện “siêu lãng phí”, gây thiệt hại cho học sinh, gia đình và xã hội.

Theo: Nguyễn Sương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777