Tin tức Quảng Bình – Miền quê nghèo xã Quảng Hải (H. Quảng Trạch, Quảng Bình) sắp trải qua ba cái giỗ tập thể.Cùng những đau thương khó xoa dịu, vụ chìm đò chấn động 30 tết năm 2009 trên sông Gianh làm 42 người chết cũng mở ra nhiều đổi thay.
Nỗi đau khôn tả của người dân Quảng Hải lúc đò chìm – Ảnh: Hữu Khá
Bến đò Quảng Hải ngày cuối năm buồn hiu hắt, không một bóng người. Chỉ ít lâu sau vụ chìm đò, cầu Quảng Hải đã bắc qua cồn bãi nối đôi bờ sau bao đời cách trở đò giang. Ngày khánh thành cầu, dân Quảng Hải trong nỗi mừng khôn xiết đã bặm môi bật khóc, khóc vì thương mấy mươi con em mình đã chết chìm dưới đáy sông mang theo ước mơ một lần đi… qua cầu.
Mồ côi tội lắm ai ơi…
Đến đầu làng Vân Nam (xã Quảng Hải), chúng tôi dừng lại hỏi chuyện chìm đò. Một bà cụ tuổi độ 70 áo quần rách rưới, người lấm đầy bùn đất dưới ao bước lên. Bà cầm nắm rau muống giữa trưa nắng đã héo cọng. Nghe đến chữ “chìm đò”, bà lặng thinh nhìn ra bến sông rồi cúi mặt lững thững đi, nước mắt chảy òa sau vành nón.
Bữa cơm đạm bạc của hai đứa trẻ mồ côi bên ông bà ngoại – Ảnh: Hữu Khá
Bà đi đến giữa làng, quẹo vào một con ngõ và bước vào căn nhà hoang lạnh. Lúc này, bà chẳng biết có người lạ đang theo mình. Tay run run, bà thắp ba cây nhang và khóc nức nở trước di ảnh của người phụ nữ trẻ. Bất giác nhìn ra bậu cửa thấy chúng tôi, bà nói: “Tui tên Lẻn, người trên di ảnh là Cao Thị Lan, con gái tui…”. Khi chúng tôi đang nói chuyện với bà Lẻn, ông Chung (chồng bà) ngoài vườn bước vào. Ông lấy bó rau trên tay bà, không nói, ngồi ở góc nhà cặm cụi nhặt bỏ lá vàng, cọng sâu. Còn bà bước xuống bếp vo dúm gạo đặt lên bếp.
Bà nhìn ảnh con gái trên bàn thờ mắt rớm nước, nói như người mất hồn: “Số con Lan nó khổ từ ngày tui sinh nó ra chú à. Sinh nó ra đã đói, lớn lên cũng đói, sáng hôm chết sông nó cũng chưa kịp ăn gì”. Ngày Lan chết mới 30 tuổi, để lại hai con trai. Đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ lúc đó chưa dứt bầu sữa mẹ. “Nhà tui nghèo, đất đai không có. 18 tuổi nó xin vào Kon Tum để bán hàng nước cho người chị họ. Rồi nó quen với một thằng, trót dại có bầu, về quê nó ngại, còn vợ chồng tui không đủ tiền vào đó lo cưới xin. Thế là bọn nó ở với nhau có hai mặt con. Nhưng chỉ ít lâu chồng nó chết vì bị sốt rét rừng. Chồng mất, nó không chỗ vá víu nên dắt hai đứa con về đây”. Đang nói chuyện, bà Lẻn giật mình nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, bảo “chú ngồi chơi, tui đi dắt hai đứa nhỏ trên trường về”.
Giữa trưa nắng, hai đứa trẻ mồ côi liêu xiêu theo sau bà ngoại già yếu trên đường làng. Về đến nhà, hai đứa nhỏ đòi cơm. Bà Lẻn vào bếp bưng ra nồi cơm, bát canh rau muống và ba con cá chỉ vàng. Hai đứa trẻ ngồi bệt dưới nền nhà trước bàn thờ mẹ, bà Lẻn đứng dậy thắp cây hương lên bát nhang con gái rồi đơm cơm cho hai đứa nhỏ. Hai đứa đang ăn ngon lành, bỗng nhiên đứa nhỏ tên Quân nói với ngoại: “Răng bà không kêu mẹ con xuống ăn với”. Bà nói: “Mẹ con đi nước ngoài rồi, mai mốt mới về”. Hai đứa trẻ ngơ ngác, lại và cơm vào miệng ngon lành.
Không quay lưng
Bản án người lái đò
Sau khi xảy ra vụ chìm đò, TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt 15 năm tù giam đối với Nguyễn Xuân Mậu và 14 năm tù giam đối với Nguyễn Xuân Quý. Tòa còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân hơn 415 triệu đồng. Chị Lý, vợ anh Quý, nói: “Thường thì anh Quý (có bằng) lái đò nhưng sáng ấy anh bị đau lưng nên nhờ em trai nổ máy giùm rồi lái đò, còn anh Quý đứng trước mũi đò chống, không ngờ đò gần cập bến thì chìm”.
Chúng tôi tìm đến nhà hai anh em người lái đò Nguyễn Xuân Quý – Nguyễn Xuân Mậu. Chị Nguyễn Thị Ty (chị ruột anh Quý), cũng là người có đứa con gái và hai cháu ngoại chết vì chìm đò, tâm sự: “Ngày chiếc đò chìm cũng là lúc mẹ tôi ngã quỵ. Mẹ tôi đang khỏe, khi hay tin ba đứa cháu chết trên chuyến đò do hai đứa con trai chèo thì ngất đi. Nằm viện ít lâu, tôi đưa mẹ về nhà nhưng lúc này bà cứ thẫn thờ, chiều chiều lại ra bến đò. Bà cứ nhớ nhớ quên quên rồi nằm liệt một chỗ đến bây giờ. Ngày công an đến bắt hai đứa em tôi đi tù, mẹ tôi nằm trên giường nhìn theo khóc nhiều lắm. Hai em tôi tới quỳ nơi chỗ mẹ nằm, uất nghẹn: Mẹ đợi con về…”.
Còn chị Cao Thị Lý, vợ anh Nguyễn Xuân Quý, nói chị bòn mót từng đồng mỗi tháng làm lộ phí vào thăm chồng để báo tin mỗi lần. Báo tin gì? – chúng tôi hỏi. Chị Lý nói: “Anh Quý sợ mẹ mất nên dặn tháng nào cũng lên thăm anh để cho anh biết tin về sức khỏe của mẹ. Cứ mỗi lần như vậy anh đều dặn về sống cho phải với bà con để mong họ tha thứ, sau này anh có cơ hội trở về cũng dễ nhìn mặt tạ tội với bà con”.
Ngày cha đi tù, hai đứa nhỏ con chị Lý cứ cu rú bên mẹ. Chị Lý nhìn sang hai đứa nhỏ, khóc: “Hôm xảy ra vụ chìm đò, nhiều người đòi giết gia đình tôi lắm. Bà con họ tức, họ giận cũng đúng thôi. Mất con, mất mẹ ai mà không tức. Nhưng rồi bà con đã không quay lưng với gia đình tôi. Nói thật, chứ hồi mới chìm đò, tôi đi chợ gặp bà Giếng (có con chết – PV) hỏi bà không thèm “ừ”. Nhưng sau khi chồng tôi đi tù, thấy con tôi côi cút không cha, bà thương. Rồi một đêm, bất ngờ bà sang thăm mẹ con tôi lại xách theo thùng mì tôm. Bà bảo: Nghe bà con nói mai mi đi thăm thằng Quý, thằng Mậu, cho tau gửi thùng mì cho hai đứa…”.
Cây cầu của niềm mơ ước
Ông Đoàn Xuân Thiện, chủ tịch UBND xã Quảng Hải, cho biết trước đây, phần lớn 35 hộ có nạn nhân trong vụ chìm đò ở thôn Vân Nam thuộc diện hộ nghèo, nay chỉ còn bốn hộ. Một số người thoát chết từ vụ chìm đò cũng trở nên khấm khá. Trong đó gia đình anh Đoàn Quang Tuyết xây được nhà lầu hai tầng, có cả ôtô riêng. Những bức xúc đối với hai anh em người lái đò ngay sau vụ chìm đò cũng dần xóa nhòa. Họ dần hiểu rằng tai nạn xảy ra ngoài ý muốn nên thông cảm và chia sẻ cho nhau.
“Những thay đổi của xã Quảng Hải đều nhờ vào cây cầu Quảng Hải (thông xe tháng 8-2010). Công trình mà trước đây có nằm mơ cũng không ai nghĩ đến này đã xóa đi tất cả những bến đò ngang đầy bất trắc ngàn đời ám ảnh người dân. Nhờ đó mà đường sá, nhà cửa được xây dựng nhiều. Hàng hóa, nông sản được người dân chở bon bon trên đường, mất hơn 10 phút là đến chợ huyện. Trâu bò cũng được thương lái về hỏi mua tận nơi với giá cao” – ông Thiện nói.
Ông Thiện khẳng định cây cầu đã kéo xã Quảng Hải từ hạng nghèo nhất huyện với 36% số hộ nghèo, nay chỉ còn chưa đến 18%.
Người con nuôi của NSND Kim Cương
Nhắc đến câu chuyện chìm đò Quảng Hải không thể không nhắc đến Mai Thanh Phong, ở thôn Đồng Trạch, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Phong cùng cha buôn gỗ và đi trên chuyến đò ngang định mệnh này. Khi đò chìm, Phong cùng hai người khác cứu được tổng cộng 35 người. Khi đó Phong mới 17 tuổi và bắt đầu được biết đến với cái tên “người hùng sông Gianh”.
Hai tháng sau khi lập kỳ tích, Phong được NSND Kim Cương (hiện là phó chủ tịch thứ nhất Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi TP.HCM) nhận làm con nuôi. Thấy Phong nghỉ học sớm và chưa có nghề nghiệp, NSND Kim Cương đã đưa Phong vào Sài Gòn cho ở trong nhà và coi như con.
Khi nhắc tới Phong, NSND Kim Cương vẫn còn nguyên cảm xúc về những hành động đẹp của “người hùng sông Gianh”: “Ngày ấy Phong tuy trẻ người nhưng có tâm hồn thật đẹp. Thấy người gặp nạn, em đã không chút đắn đo cho sự an nguy của bản thân mình, lập tức lao ra xả thân cứu người. Suy nghĩ và hành động của em đã gây xúc động mạnh cho tôi. Tôi mong ngày càng có thêm nhiều người biết sống vì người khác như em”.
Phong kể ba tháng sau khi ở nhà NSND Kim Cương, Phong được mẹ nuôi gửi đi học nghề kim hoàn. Sáu tháng sau ra nghề, Phong được gửi đi làm thợ kim hoàn ở một xưởng kim hoàn có tiếng trong thành phố. Tuy nhiên, Phong đã không thể gắn bó với nghề này. Phần vì bàn tay chai sần của một người con nông dân như Phong không quen tỉ mẩn, hai là thu nhập không thể giúp Phong trụ vững lại với cuộc sống của Sài Gòn và giúp đỡ gia đình. Phong bỏ nghề, xin phép mẹ nuôi lên Tây nguyên làm thuê. Phong vẫn nhớ như in lời NSND Kim Cương căn dặn khi Phong quyết định chọn một hướng đi khác cho cuộc đời mình, rằng dù ở đâu hay làm gì cũng phải giữ lấy phẩm chất dũng cảm, thẳng thắn, chịu khó vốn có của mình.
Thời điểm chúng tôi trở lại tìm “người hùng sông Gianh” tại Đồng Hóa, rất ít người biết về tình hình hiện tại của Phong. Qua một người bạn, chúng tôi mới tìm được Phong. Phong làm công nhân hái cà phê ở Gia Lai từ một năm nay và hiện đang làm nốt những ngày cuối cùng để về quê ăn tết cùng gia đình. Nhắc đến mơ ước làm bộ đội hải quân của Phong từ sau ngày cứu người trên sông Gianh, Phong chỉ cười: “Lâu rồi tôi cũng không nghĩ đến mơ ước. Chỉ mong sao kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt đã”.
Phong khoe hiện tại mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng, để dành được mấy trăm ngàn gửi về cho bố mẹ nuôi mấy em ăn học.
Theo Bao TTO