Bài ca no ấm của người Rục

0
6135

Giáo dục Quảng Bình – Khi đã lo cho đồng bào được “no cái bụng”, các anh lại nghĩ phải làm sao để bà con được “sáng con mắt”. Ấy là lý do sự ra đời của lớp học xóa mù chữ của đồn Biên phòng (BP) Cà Xèng, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình dành cho người Rục ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Sáng, chiều ra đồng làm ruộng, tối lên lớp học chữ- một vòng tròn khép kín thời gian cùng BĐBP giúp đồng bào Rục dần tiến về cuộc sống tươi đẹp hơn.

No cái bụng rồi!

Đã từ lâu, người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón và Yên Hợp, xã Thượng Hóa không còn thức giấc khi mặt trời đã lên đến đỉnh núi mà cứ 5 giờ 30 phút  đã trở dậy nấu cơm, ăn sáng để trẻ em đến trường, người lớn ra đồng. Bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón vẫn như một hợp tác xã, tất cả đều cùng canh tác trên một cánh đồng. Bản Yên Hợp, sau 3 vụ làm chung với bộ đội, muốn được nhận ruộng để tự mình canh tác, sản xuất. Một “Khoán 10” đang diễn ra trên mảnh đất biên cương với những người từng chỉ biết ăn sắn, ăn bội và nhận gạo trợ cấp của Nhà nước.Ý thức làm chủ cuộc sống, trách nhiệm với tài sản của mình dường như đã hình thành trong những con người suốt một thời gian dài gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

Chuẩn bị sách vở cho lớp học.

Trước đây, mỗi năm, người Rục ở Thượng Hóa nhận 6 tháng gạo cứu trợ; từ khi cánh đồng Rục Làn cho thu hoạch, bà con chỉ phải nhận 3 tháng. Nếu như 2 vụ lúa trước, mọi việc cày, bừa, sạ lúa, bón phân, làm cỏ, phun thuốc, gặt, tuốt lúa… bộ đội đều chủ lực thì nay những người lính BP chỉ như những “đốc công”. Vụ Đông Xuân 2012, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình không còn phải tăng cường cán bộ, chiến sĩ cho đồn BP Cà Xèng. Ấy thế mà năng suất vẫn nâng từ 4 tấn/ha lên 4,5 tấn/ha.

Tháng 11, cả 10ha lúa ở cánh đồng Rục Làn đã cấy xong, khắp nơi rặt một màu xanh của mạ non. Một vài người phụ nữ đi thăm đồng đang ngồi nói chuyện bên bờ ruộng. Thiếu tá Bùi Đức Sự, Đội phó đội vận động quần chúng đi ngang qua, giục mọi người về. Cô gái Hồ Thị Hồng (bản Mò O Ồ Ồ) thắc mắc: “Mới có 4 rưỡi thôi mà bác Sự?”. Thiếu tá Sự nghiêm giọng: “Thế không định về nấu cơm, ăn sớm để tối đi học à? Ai đến muộn tôi không cho vào lớp đấy”.

“Sáng đèn” lớp “xóa mù” biên cương

Thông báo 19 giờ 30 lớp học mới bắt đầu nhưng mới 19 giờ 15 mọi người đã có mặt đông đủ. Lớp học chủ yếu là phụ nữ và đã có gia đình. Tranh thủ thầy giáo chưa vào lớp, vài người trao đổi việc bón phân cho lúa, chuyện con cái. Đám thanh niên trêu ghẹo nhau cười ầm ĩ nhưng khi vừa thấy Thiếu tá Bùi Đức Sự bước vào, cả lớp im bặt, mọi người ngồi vào bàn ngay ngắn. Thiếu tá Sự quê ở Hải Dương nhưng gắn bó với Quảng Bình từ khi tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng 1. Gần 20 năm tuổi quân thì có quá nửa thời gian anh làm thầy giáo quân hàm xanh ở đồn BP Làng Mô, vậy nên giờ lại tiếp tục đứng lớp cũng là điều dễ hiểu. Anh bảo, bà con tuy nhận thức chậm nhưng đều là người ham học. Đó cũng là động lực để anh xung phong đứng lớp dù công việc ban ngày đã gần như vắt kiệt sức.


Thiếu tá Bùi Đức Sự giảng bài cho học viên lớp xóa mù chữ.

Lớp học của Trung úy Nguyễn Ngọc Thanh ở bản Ón có vẻ ổn hơn bởi chỉ có 17 học viên. Đang học, bỗng có tiếng đàn ông gọi nhí nhéo ngoài cửa sổ, Trung úy Thanh hắng giọng: “Ai? Có việc gì?”. Tiếng người đàn ông khó chịu đáp lại: “Em gọi vợ em, việc gì đến thầy”. Chừng như biết chồng uống rượu, Lý đứng dậy xin phép thầy giáo ra về. Không còn cách nào khách, Trung úy Thanh phải đồng ý và cử lớp trưởng đi theo vì “sợ hắn uống rượu say lại đánh vợ”. Sự cẩn trọng không thừa, bởi lớp học của thầy Sự đã có một chị đã bị chồng đánh tím lưng vì “đồn BP cho ăn bùa, ăn ngải gì mà ngày theo bộ đội đi làm ruộng, tối lại đi học”. Cả tiết học, chỉ có 5 chữ “a, b, c, d, đ” nhưng thầy Thanh vẫn kiên nhẫn gọi từng học viên lên đọc vì: “Không sợ sai, đọc sai mới biết mà sửa”. Ngoài cửa sổ lớp học, có khoảng chục đứa trẻ, chắc hẳn đi học rồi nên khi thấy các mạ, các chị không đọc được, chúng lại nhắc khẽ “a, b, c, d, đ” khiến thầy Thanh bật cười. Lớp trưởng tên Thu, sinh năm 1975, có 4 con thì cả 5 mẹ con đều có mặt ở lớp học này. Trong lớp, chị và cậu con cả học, 3 đứa út ở ngoài, đứa bám cửa sổ, đứa nằm bò ra nền nhà chờ mạ, anh học xong. Chị bảo: “Nhiều tuổi đi học thì ngại lắm nhưng chồng bảo đi học để cho biết, học để về dạy con”.

Có thể, người Rục, người Sách ở Minh Hóa chưa chăm chỉ làm ruộng, học chưa giỏi như nhiều người mong đợi, nhưng từ cuộc sống chỉ biết phụ thuộc vào rừng và sự hỗ trợ của nhà nước, nay đã biết trồng lúa, đã có cơm ăn mỗi bữa đã là một bước tiến vượt bậc. Nghe đâu, vị “Tư lệnh lúa nước” – Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình đang có kế hoạch 5ha lúa nước cho bà con người Mày, người Khùa ở bản Ka Ai 2, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Như vậy, không bao lâu nữa, từ Tân Ly, đến Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón, lúa sẽ chín vàng đến tận Ka Ai. Cuộc sống no ấm sẽ về với vùng biên giới Quảng Bình.

Theo Bao QĐND

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777