Bánh ít… tình nhiều

0
3784

Văn hóa Quảng Bình – Không biết từ bao giờ, bánh ít, loại bánh được làm bằng bột nếp, đỗ xanh và lá gai trở thành món bánh truyền thống trong các dịp lễ, tết hay có giỗ trong mỗi gia đình người dân quê tôi. Từ cái tên dân dã đến vị ngọt bùi, dẻo thơm của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy.

Bánh ít

Nhớ lần mẹ đi công tác xa trở về chia cho chúng tôi mỗi đứa 5 chiếc bánh màu xanh hình tam giác. Cầm những chiếc bánh nhỏ xinh, chị em tôi háo hức mở bánh. Ăn xong, thằng út nhà tôi mếu máo đòi mẹ mua thêm chiếc bánh thật to, còn tôi thì cứ băn khoăn hỏi mẹ “sao bánh có tên là bánh ít”.

Mẹ kể: Sở dĩ gọi là bánh ít vì thứ bánh này thường được làm với một số lượng ít bổ sung cho mâm cỗ vốn được bày biện với rất nhiều món ngon chế biến công phu. Và sau này mỗi khi mẹ làm bánh tôi lại nhận ra một ý nghĩa khác của tên gọi vì tất cả nguyên liệu làm bánh đều được dùng với một số lượng ít, một chút ít bột, chút đỗ xanh được vo tròn như những viên kẹo nhỏ.

Chợ làng tôi vốn chỉ có vài gian hàng nhỏ, chủ yếu là rau củ vườn nhà và hải sản do bà con đánh bắt từ sông. Thế nhưng, chợ lại là nơi có rất nhiều hàng ăn và độc đáo nhất là những gian hàng bánh: bánh xèo, bánh cuốn nóng hổi, bánh đa thơm giòn và cả bánh đúc, bánh chì, bánh khoai, bánh ít…

Những gian hàng bánh ở chợ quê luôn rất đông khách. Bữa ăn sáng của người dân quê thường là các món bánh nhân mặn như bánh cuốn, bánh ướt kẹp thịt còn bánh ít thường được các mẹ, các chị mua về làm quà cho bọn trẻ. Phụ nữ làng tôi rất giỏi làm bánh và bánh ít được xem là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà. Chợ quê tôi có một góc nhỏ bày bán các loại lá, từ lá non để làm nón, lá chuối làm bánh và lá gai, thứ không thể thiếu để làm nên món bánh ít.

Mỗi lần chuẩn bị có giỗ, mẹ tôi thường đi chợ sớm chọn mua những bó lá gai non để về làm bánh. Mẹ khéo léo xé những chiếc lá có gai hình răng cưa ra làm đôi, bỏ gân lá rồi đem luộc chín, giã nhuyễn, chắt lọc lấy nước để trộn vào bột nếp hương đã xay sẵn tạo thành một khối bột màu xanh thẫm. Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, cùi dừa, đường trắng được mẹ chuẩn bị từ trước và chia ra thành từng nắm nhỏ. Mỗi bận làm bánh, cả nhà tôi ai cũng được mẹ phân công từng phần việc.

Nhiệm vụ của cha tôi là quết bột trộn lẫn với nước lá gai còn chị em tôi thì chuẩn bị lá để gói bánh. Những tàu lá chuối xanh tươi sau vườn được chúng tôi cắt xuống rồi đem phơi  nắng, hôm nào không có nắng thì đem hơ trên bếp lửa cho lá bớt giòn. Sau đó, đứa nào, đứa ấy dùng kéo vanh tròn xếp thành hai lớp lá để mẹ gói bánh. Mẹ ngắt từ khối bột đen nhánh đã được cha quyết nhuyễn thành từng nắm bột nhỏ, cẩn thận cho nhân vào giữa rồi đặt vào lòng bàn tay và lăn tròn. Từng viên bột nhỏ được cho vào lá đã quết dầu thực vật sẵn để sau khi chín bánh không bị dính chặt vào lá.

Đôi tay mẹ tỉ mỉ vuốt từng nếp lá để tạo nên chiếc bánh có hình dáng đẹp như hình chóp nón thẳng rồi xếp  vào rổ rá thưa cho vào xoong to hấp cách thuỷ. Mẹ lại tất bật với những món ăn khác, nào là cá chuối, canh hầm, thịt kho, tôm nướng… còn chúng tôi thì ngồi bên bếp lửa chờ cho bánh chín.

Giây phút hạnh phúc nhất của chị em tôi là khi mẹ mở vung, vớt bánh vào cái rổ thưa chờ cho bánh nguội. Thằng út cứ hít hà nhìn chăm chăm vào đáy rổ cho đến khi mẹ đặt vào tay nó những chiếc bánh bị lép mới chịu chạy ra sân để chia bánh cho bạn đang chờ sẵn. Lũ trẻ vừa ăn bánh vừa thi nhau giải từng câu đố vui, cười như nắc nẻ.

Từng chiếc bánh hình tháp nhọn được mẹ sắp ra đĩa, đặt bên cạnh mâm cơm toàn những món ngon rồi đặt lên bàn thờ. Mẹ nói với chúng tôi rằng, mẹ học cách làm bánh từ ngoại. Khi còn sống bà thường nhắc mẹ phải biết làm bánh vì đó là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình. Một chiếc bánh ít ngon phải có độ dẻo vừa, có vị tinh khiết của lá gai, vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu hòa quyện nên. Ở quê tôi và nhiều làng quê khác, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm làm món tráng miệng và làm quà cho những đứa trẻ. Đây cũng là nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người dân quê.

Phố-nơi tôi ở, người ta rất ít khi làm bánh mà thay vào đó là mua sẵn ở chợ. Những chiếc bánh ít từ chợ phố cũng được làm nên từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ với hương vị đặc trưng của lá gai, nếp dẻo.

Thế nhưng không thể so sánh được với bánh được làm nên từ đôi bàn tay mẹ khi mỗi chiều hôm ngồi xé lá gai, với giọt mồ hôi từ trán cha khi quết bột và cả nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ. “Bánh ít, tình nhiều” bởi những người làm làm ra nó đã gửi gắm vào đó cả tình quê mộc mạc, thân thương.

Theo Baoquangbinh

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777