Bảo tồn, phát huy di sản Hán-Nôm: Còn đó những khó khăn

0
17376

Di sản Hán – Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam. Những thông điệp qua hệ thống các di sản này vừa tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, vừa gìn giữ cho muôn đời sau những giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên theo thời gian, nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý này đang đứng trước nguy cơ thất thoát, mai một… Và đó cũng điều mà những người “nặng nợ” với di sản ngày đêm trăn trở.

Quảng Bình với vị trí địa lý tự nhiên khá độc đáo và quá trình phát triển đầy biến động đã hội tụ và tiềm ẩn trong đó một bề dày lịch sử phong phú, đa dạng. Chịu nhiều thiên tai, bão lũ và sự tàn phá của chiến tranh, song từ đời này qua đời khác đều có những anh hùng hào kiệt và danh nhân văn hóa. Chính họ đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa độc đáo, trong đó, có rất nhiều tư liệu Hán- Nôm.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, di sản văn hóa Hán-Nôm ở tỉnh ta khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình khác nhau: gia phả, bia ký, địa bạ, hương ước, văn tế cúng, hoành phi, câu đối, các thư tịch cổ… Những tư liệu này nằm rải rác trong các chùa chiền, nhà thờ tộc, đình làng, cộng đồng cư dân… và được xem là nguồn sử liệu hết sức quan trọng, quý giá, chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn to lớn, góp phần minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển lịch sử lâu dài của quê hương. Thế nhưng, số người đọc và dịch được văn bản chữ Hán-Nôm nguyên tác ở các địa phương lại không nhiều. Điều đó khiến một phần quan trọng của lịch sử, văn hóa của quê hương không được nhiều người dân biết đến.

Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có những công trình văn hóa, lịch sử như đình, chùa, miếu, tự, nhà thờ các dòng họ có sử dụng chữ Hán-Nôm nhưng vì ít người đọc, hiểu được nên tình trạng nhiều người đến đền, chùa, hay các công trình văn hóa khác mà không hiểu ý nghĩa lịch sử cũng như nghĩa của những chữ Hán là khá phổ biến. Con cháu các dòng họ không hiểu được ý nghĩa của các câu đối, sách quý hay các nội dung trong gia phả mà ông cha để lại.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh được thành lập (năm 2005) với các thành viên là những người có kiến thức và yêu thích bộ môn này để làm công tác nghiên cứu, dịch thuật, phổ biến, truyền dạy các giá trị của di sản Hán-Nôm cho các thế hệ sau. Cụ Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh là một trong những người “nặng nợ” với di sản. Tuổi cao, song ngày nào cụ cũng tìm tòi nghiên cứu, đọc, dịch các tư liệu cũ và tích cực truyền dạy cho bất cứ ai quan tâm đến bộ môn này. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ đã tập trung cho công việc mà mỗi người đều tâm đắc là dịch nghĩa các mật lệnh, văn bia và các  sắc phong của vua triều Lê-Nguyễn cùng nhiều lục chỉ, bằng cấp… Ngoài ra, các cụ còn nhận dịch hàng chục gia phả ở khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế… Câu lạc bộ còn phiên dịch và soạn mới hàng trăm hoành phi, câu đối, tờ trình, khế ước… cho các địa phương trong tỉnh. Cũng nhờ việc sưu tầm, dịch nghĩa sắc phong, gia phả đã giúp nhiều dòng họ tìm ra nguồn gốc, xuất thân của mình.

Công tác sưu tầm được tiến hành bài bản, công phu từ việc chụp ảnh, phân loại,  đến khâu dịch nghĩa, in sao… Tư liệu tìm được ở địa phương nào, các cụ chú thích cẩn thận và sắp xếp khoa học để nghiên cứu, dịch nghĩa. Việc giải nghĩa các tư liệu văn hóa cổ đã giúp cho nhiều nhà viết địa chí, soạn thảo bảo tồn văn bản cổ có tư liệu để biên soạn thành các tác phẩm có giá trị. Các văn bản Hán – Nôm còn là những minh chứng khoa học giúp cho những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng nói riêng xác định lại niên đại lịch sử một cách chính xác hơn.

Đặc biệt, qua sưu tầm nghiên cứu, Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh đã đính chính bài thơ Thần: Nam Quốc Sơn Hà có nguyên tác khác với các bản hiện hữu. Nội dung như sau: “Nam Quốc sơn hà nam đế cư. Hoàng thiên phân định tại thiên thư. Như hà nghịch tặc lai xâm ngã. Nhất đán phong vân tận tảo trừ”. Công trình nghiên cứu này đã được Viện nghiên cứu Hán – Nôm Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đăng tải trên thông báo Hán – Nôm học Việt Nam năm 2013. Công việc dịch thuật bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại bởi nghiên cứu sâu về chữ Nôm rất khó, nhiều tài liệu qua thời gian không còn nguyên vẹn nhưng các thành viên trong câu lạc bộ đã vừa tìm hiểu, học hỏi từ các bậc thầy thông nho, vừa trao đổi sự hiểu biết của mỗi người để cùng nắm bắt nguyên lý hình thành chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán. Đồng thời, qua nhiều tài liệu nghiên cứu và các cuộc giao lưu, học hỏi với câu lạc bộ Hán – Nôm các tỉnh lân cận, các dịch giả trong câu lạc bộ đã có sự tiến bộ rõ rệt để hoàn thành tốt công việc nghiên cứu, dịch nghĩa các văn bản.

Với mục đích gìn giữ di sản cho muôn đời sau, câu lạc bộ đã nỗ lực truyền dạy cho những người có chung niềm đam mê bộ môn Hán-Nôm. Xác định đây là một việc khó nhưng rất cần thiết nên nhiều năm nay, ngôi nhà của cụ Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán – Nôm trở thành lớp học chữ Hán – Nôm cho những người tâm huyết với vốn văn hóa cổ. Từ lớp học này một số người đã có vốn kiến thức Hán – Nôm khá vững như ông Mai Văn Hải, chị Hoàng Thị Hồng Sen, cô học trò nhỏ Hà Thị Vân Anh (Đồng Hới)… Ngoài ra, cụ Phúc và các thành viên trong câu lạc bộ còn tìm tòi, học hỏi, rèn luyện các thể loại tự dạng Chân, Thảo, Triện, Lệ (các thể loại thư pháp Hán – Nôm), phổ biến nhất là dạng chữ Chân và Thảo để tạo nên những bức thư họa đẹp mắt và tham gia triển lãm thư pháp Hán – Nôm ở Hà Nội. Hoạt động sáng tác, biên soạn cũng được câu lạc bộ hết sức chú trọng. Các hội viên đã có nhiều bài thơ, bài văn, sách được xuất bản hoặc đăng tải trên nhiều báo, tạp chí của Trung ương, địa phương.

Một trong những dấu ấn của câu lạc bộ là tổ chức và duy trì tốt hoạt động cho chữ vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Hòa trong không khí chuẩn bị chào xuân, đón tết, các cụ lại bày mực tàu, giấy đỏ, làm sống lại hình ảnh của “ông đồ già” ngày xưa. Các cụ vừa cho chữ, vừa giải thích ý nghĩa của các chữ cho những ai quan tâm. Và cứ thế, năm này qua năm khác, người dân Đồng Hới đã quen với hình ảnh “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực Tàu, giấy đỏ. Bên phố đông người qua” (Ông đồ-Vũ Đình Liên).

Di sản Hán Nôm với những nguồn tư liệu cổ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa song việc bảo tồn và lưu truyền cho muôn đời sau đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Câu lạc bộ Hán – Nôm tỉnh hiện chỉ có 15 hội viên, đa số đều đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” trong khi lại thiếu thế hệ kế thừa, phát triển. Các lớp học chữ Hán – Nôm rất ít người tham gia và đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều thành viên trong câu lạc bộ. Cụ Phạm Ngọc Hiên, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tâm sự: Nghĩ đến ngày mai, khi thế hệ các cụ về với tổ tiên lại cảm thấy lo lắng vì thế hệ trẻ không mấy mặn mà với bộ môn này. Cứ mỗi thành viên qua đời vì tuổi cao, sức yếu là câu lạc bộ lại mất đi một người tâm huyết trong khi rất khó mới có thể kết nạp được hội viên mới.

Nỗi lo lắng, băn khoăn của cụ Phạm Ngọc Hiên cũng là niềm tâm sự của nhiều thành viên khác trong câu lạc bộ-những người đang nắm giữ và giải mã các “báu vật” của thế hệ đi trước. Và để phát huy di sản Hán – Nôm, thiết nghĩ, ngoài việc xây dựng các giải pháp hữu hiệu đối với công tác sưu tầm, lưu giữ tư liệu cổ cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hoá Hán – Nôm, nhất là thế hệ trẻ để di sản sống mãi với thời gian.

Nhật Văn(baoquangbinh.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777