“Bốn cùng” với giáo viên cắm bản

0
7580

Giáo dục Quảng Bình – Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, hàng chục giáo viên Trường TH và THCS số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa) đã “bốn cùng” cắm bản để dạy con chữ Bác Hồ cho học sinh vùng cao. Nơi đây, ngoài công việc chuyên môn, những người giáo viên cắm bản còn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với học trò và bà con.

Khiêng xe đến lớp

Sau nhiều cuộc hẹn, cuối cùng tôi đã có cuộc hành trình với những giáo viên cắm bản lên đại ngàn Trường Sơn. Một ngày đầu thu, khoảng 4 giờ 30 phút, tôi gặp thầy Đinh Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa tại ngã ba Tân Lý, xã Minh Hóa.

Trời vùng cao mưa như trút nước, những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu tràn về. Sợ tôi không đi theo kịp đoàn nên thầy Tuyến khuyên tôi ở nhà chờ đến dịp nắng ráo hãy đi. “Các thầy cô đi được, em cũng đi được”, tôi quả quyết. Trên đường đi, tôi bắt gặp hàng chục thầy cô giáo khác cũng đang chờ dọc đường để đi theo đoàn. Thầy Tuyến nói. “Do đường đi lại khó khăn hiểm trở, sáng nay lại mưa to nên anh chị em phải đi với nhau để lỡ có bất trắc thì còn giúp đỡ nhau được”.

Sau hai giờ đồng hồ, chúng tôi chạm đất Trọng Hóa. Từ đây, muốn vào đến Trường tiểu học và THCS Ra Mai phải rẽ vào một con đường bê tông nhỏ, dốc cao thẳng đứng. Phía bên trái là đỉnh núi Giăng Màn cao chót vót, bên phải là con nước khe Dọi chảy đục ngầu. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những thác nước từ trên cao đổ xuống ào ào. Vượt qua ba con suối nhỏ nhưng nước chảy rất xiết, xe của hai cô giáo bị chết máy giữa dòng phải lội xuống dắt bộ. Một cô giáo bị té ngã giữa dòng suýt bị nước cuốn trôi, may mà có một thầy giáo lao ra giữ lại.


Thầy Đinh Thanh Hải đã 20 năm cắm bản dạy chữ cho học sinh xã Trọng Hóa.

Qua khe Ka Định rồi khe Cáp Pi. Đây là một trong những “cửa ải” khó khăn, là nỗi sợ hãi của giáo viên, nhất là những giáo viên nữ. Bởi muốn vượt qua con suối này trong mùa mưa lũ là phải khiêng xe. Hàng chục chiếc xe máy đang xếp hàng chờ được khiêng. Trước hết, những giáo viên nữ được các thầy dắt qua trước. Một số thầy thì hì hục chặt cây làm đòn khiêng. Trận mưa rừng đêm trước vẫn xối xả như trút nước. Nước khe vẫn đổ ào ào và càng chảy xiết hơn. Lột hết quần áo dài, cứ bốn thầy một xe vật lộn với dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Chiếc xe đầu tiên, rồi xe thứ 2, thứ 3… được các thầy nhọc nhằn đưa qua. Đang khiêng chiếc xe cuối cùng thì có hai thầy bị trượt chân té ngã suýt bị nước cuốn.

Tôi và những người đứng trên bờ sợ đến thót tim. Mấy thầy giáo trẻ dũng cảm lao ra giữa dòng, người trên bờ giữ chắc hai con sào bằng gỗ, một tay bám chặt lấy gốc cây mới kéo người dưới nước lên được. Sau gần 30 phút vật lộn với thủy thần, cuối cùng hàng chục chiếc xe cũng được đưa qua. Thầy Trần Đức Thành tâm sự: “Con đường đến lớp của anh em giáo viên cắm bản là thế đó. Nhưng đây chỉ là “cửa ải” đầu tiên thôi. Để vào tới điểm trường cuối cùng phải qua 5 con suối và vài lần khiêng xe nữa”.

Qua con nước này, 5 giáo viên của điểm trường bản Ka Oóc rẽ phải đi xuống một con dốc trơn trợt, đá tai mèo lởm chởm. Đứng trên cao nhìn xuống, con nước khe Dọi chảy dữ dội hơn mọi ngày. Để đến lớp dạy chữ cho học trò, 5 giáo viên tiểu học và hai giáo viên dạy mầm non phải đối mặt với thủy thần để vượt qua con nước sâu gần mét rưỡi, rộng hơn 30m mới đến được bờ bên kia. Cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục. Qua điểm trường Ra Mai, rồi lần lượt đến các điểm trường bản Cha Cáp, Dộ, Sy. Trên cuộc hành trình, chúng tôi phải vật lộn toát mồ hôi trên con đường sạt lở và cùng các thầy cô giáo khiêng xe thêm ba lần nữa mới đến được đích…

Những câu chuyện “bốn cùng”

Để dạy học tại các bản làng thuộc Trường TH và THCS số 2 Trọng Hóa, ngoài công việc chuyên môn, các thầy cô giáo nơi đây còn phải “bốn cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con và học sinh.

Thầy giáo Hoàng An Nhàn, quê ở xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa còn nhớ rõ kỷ niệm đi “bắt” học sinh đến lớp. Đó là những ngày đầu năm học 2009- 2010, điểm trường bản Sy vừa được mở. Trước đó, tất cả con em nơi đây đều không biết chữ.

Thời gian đầu mới mở lớp, các em có vẻ hào hứng, nhưng chỉ một thời gian ngắn là học trò bỏ học gần hết. Lớp học được 15 em có 10 em bỏ học theo cha mẹ đi kiếm cái ăn. Có nhiều em tận bản Sòn cách lớp học hơn hai giờ đồng hồ đi bộ. Bằng mọi giá không để học sinh bỏ học, một mình thầy quyết định băng rừng, vượt suối vào bản Sòn “bắt” học sinh về. Sau hai ngày lặn lội “bốn cùng” với học sinh và dân bản, thầy đã đưa toàn bộ học trò vê lại trường. Thầy Nhàn kể lại: “Khi tôi vào vận động thì bị bố mẹ các em phản đối nhiều lắm. Họ nói là “cái ăn chưa no làm sao lo việc học”. Vậy là tôi phải vận dụng hết vốn liếng tiếng dân tộc của mình biết để giải thích họ mới nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến trường”.


Nơi ở của giáo viên điểm trường Ka Oóc.

Thầy Cao Văn Bảo, giáo viên dạy ở bản Ka Oóc thì không phải đi “bắt” học sinh như thầy Nhàn. Nhưng để cắm bản dạy chữ cho con em nơi đây, thầy phải thường xuyên ăn ở với học sinh và dân bản. Chỗ ở của các thầy quá chật chội trong cái chòi nhỏ được làm bằng tranh tre nứa lá. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trò, thầy đã bám trụ lại nơi đây hàng chục năm trời. Lúc rảnh rỗi thì đến nhà các em để trò chuyện với phụ huynh, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ăn uống vệ sinh, quan tâm đến việc học hành của con cái. Khi nào bà con có việc thầy cũng đến giúp đỡ…

Nhờ vậy mà mùa mưa lũ hàng năm, nước khe Dọi làm điểm trường bị cô lập dài ngày, lương thực cạn kiệt nhưng các thầy cô vẫn được dân bản cưu mang giúp đỡ. Thầy Bảo nói, trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn. Các hủ tục lạc hậu như sinh con ngoài rừng, thờ cúng, ma chay khi đau ốm vẫn tồn tại trong đời sống dân bản. Thầy và đồng nghiệp phải mất một thời gian dài mới vận động bà con bỏ các hủ tục đó. Trưởng bản Ka Oóc- Hồ Ka thật thà: “Dân bản miềng quý thầy cô giáo lắm! Họ không chỉ dạy cho con em miềng con chữ Bác Hồ mà con giúp bà con làm nhà cửa, cho thuốc chữa bệnh, bày cho đồng bào cách sống định canh, định cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Với 20 năm cắm bản gieo chữ nơi đại ngàn Trường Sơn, thầy Đinh Thanh Hải được nhiều đồng nghiệp gọi vui là Hồ Hải, vì thầy đã gắn bó nơi đây quá lâu. Trong suốt thời gian ấy, dấu chân thầy đã in đậm trên tất cả các bản làng. Việc nói tiếng dân tộc của thầy đã trở nên quen thuộc như tiếng mẹ đẻ. Mọi phong tục tập quán nơi đây thầy đều biết hết.

Có khi rảnh rỗi, thầy gọi học sinh đi đánh cá về nấu cơm ăn chung. Vì thế mà học sinh và dân bản nơi đây rất yêu quý thầy. Điểm trường Pà Chong thầy dạy cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Sau một trận mưa kéo dài, ba phòng học tạm trong điểm trường bị dột nát. Nước mưa tạt vào làm hư hỏng hết bàn ghế, lớp học nhầy nhụa vì bùn đất. Sau gần 30 phút cùng học trò và đồng nghiệp phơi bàn ghế, thầy trò mới tổ chức lại được lớp học bình thường.

Thầy Đinh Hữu Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cuộc sống của giáo viên cắm bản vất vả thế đó. Nhưng ai cũng yêu nghề, yêu trò nên gắng động viên nhau để vượt qua khó khăn”. Hiện Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa có 37 lớp thuộc 7 điểm trường và 55 giáo viên, cán bộ, quản lý với 578 học sinh. Năm học 2011- 2012, trường có 9 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, 127 học sinh khá, 63 em tiến bộ trong học tập…

Có 25 giáo viên và 18 lớp đạt danh hiệu tiến tiến và nhiều cá nhân khác đạt thành tích cao trong các cuộc thi dạy và học các cấp. Phong trào thể dục thể thao, hoạt động Đoàn, Đội cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để có được những thành công trên là sự nỗ lực hết mình của tập thể, cán bộ, giáo viên nơi đây. Họ đã luôn “bốn cùng” cắm bản với học sinh và đồng bào vùng cao để làm nhiệm vụ cao quý.

Theo Baoquangbinh

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777