Công trình cầu Nhật Lệ 2: Chặng đường nước rút

0
3862

Một ngày đầu tháng 3 này, theo chân kỹ sư Nguyễn Ngọc Quý, Phó Giám đốc Ban Quả̉n lý dự án chuyên ngành Giao thông vận tải Quảng Bình (BQLDA),  chúng tôi đến thăm công trường thi công cầu Nhật Lệ 2. Được biết, từ sau Tết Đinh Dậu, tranh thủ thời tiết thuận lợi các đơn vị đã dồn sức đẩy nhanh tiến độ, trên công trường luôn rộn ràng không  khí lao động hối hả, khẩn trương.

Qua lời giới thiệu của kỹ sư Nguyễn Ngọc Quý được biết, dự án cầu Nhật Lệ 2 gồm ba gói thầu xây lắp chính: đường dẫn hai đầu cầu do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công; phần cầu dẫn do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng tổng hợp Miền Trung thi công; xây lắp phần cầu chính do Liên danh Công ty Cổ phần Cầu 12 – CIENCO1 và Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình Đường sắt đảm nhiệm.

Gấp rút hoàn thành thi công hệ dây văng cầu.
Gấp rút hoàn thành thi công hệ dây văng cầu.

Dự án được khởi công tháng 8-2012 với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, hiện các nhà thầu đã thi công đồng loạt tất cả các hạng mục công trình và đang tập trung lực lượng gấp rút thi công phần cầu chính, hệ dây văng cầu, để kịp hợp long vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay.

Trong số các hạng mục của dự án, quan trọng nhất là phần cầu chính. Hạng mục này do Liên danh Công ty Cổ phần Cầu 12 và Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình Đường sắt đảm nhận. Cầu được thiết kế hệ dây văng theo công nghệ cầu dây văng hai nhịp đối xứng, chiều dài mỗi nhịp 150 m, bố trí theo hình rẻ quạt. Tháp cầu dạng chữ A bằng bê tông cốt thép 45MPa, chiều cao tháp cầu 97,5 m tính từ đỉnh bệ trụ.

Theo lời kỹ sư Quý, điều đặc biệt ở dự án cầu Nhật Lệ 2 chính là cầu dây văng nhịp đối xứng có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến và là cầu dây văng thứ hai của Việt Nam (sau cầu Rạch miễu), các thành phần tham gia từ thiết kế, thi công, quản lý dự án, tư vấn giám sát hoàn toàn sử dụng nội lực trong nước. Hạng mục này đã thi công hoàn thành trụ T3, T5 và trụ tháp T4 cao 97,45m.  Phần kết cấu nhịp chính dây văng đã thi công đúc các khối dầm chủ từ K0  đến K10 trên tổng số 15 đốt dầm.

Tại hạng mục thi công hệ dây văng, kỹ sư Nguyễn Văn Khuê, Đội trưởng Đội thi công Công ty Cổ phần Cầu 12, chia sẻ, thi công dầm cầu chính dây văng là công nghệ phức tạp trên thế giới. Khi được giao nhiệm vụ thi công hệ dây văng cầu Nhật Lệ 2, ông cùng các cộng sự đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu tìm phương án thi công tối ưu nhất. Ông Khuê cho biết thêm, hiện tại, đơn vị đã hoàn thành 2/3 khối lượng hạng mục dây văng, được đơn vị tư vấn đánh giá cao về chất lượng và bảo đảm tiến độ đề ra.

Theo sơ đồ tiến độ được duyệt, việc đúc dầm chủ và căng kéo dây văng khoảng 15-17 ngày/khối đúc. Nếu không có sự biến động gì lớn về thời tiết, đơn vị thi công sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, sẽ hợp long cầu đúng vào dịp Ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay. Sau đó, đơn vị tiếp tục thực hiện các phần việc còn lại để thông xe kỹ thuật vào dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm 2017 và hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2017…

Cùng với tập trung lực lượng cho việc thi công hạng mục cầu chính, gói thầu xây lắp phần đường hai đầu cầu do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đang được triển khai đúng tiến độ. Ông Lê Văn Tài, đội trưởng phụ tách thi công phần đường phía bờ Tây (phường Phú Hải) cho biết, đơn vị đã thi công xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, đắp xong đất nền đường K95 để gia tải, hiện đang theo dõi lún đoạn từ Km0+00 – Km0+318,13. Phần đường phía bờ Đông (xã Bảo Ninh), từ Km0+830,77 đến Km2+108,97 đơn vị đã thi công đắp đất nền đường K95, hiện còn 150m đang vướng mặt bằng chưa thi công được.

Hạng mục phần cầu dẫn, gồm 5 nhịp dầm Super T, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng tổng hợp Miền Trung đảm nhận, đã hoàn thành trên 70% khối lượng công việc. Cụ thể, phần cầu dẫn phía bờ Tây (phường Phú Hải), đơn vị đã thi công hoàn thành mố M0, trụ T1, T2; đúc 30/30 phiến dầm Super T; lao lắp xong 20 phiến dầm và hoàn thành thi công bản mặt cầu nhịp N1, N2.   Phần cầu dẫn phía bờ Đông (xã Bảo Ninh), đơn vị đã thi công hoàn thành 5/8 cọc khoan nhồi tại mố M7 và 3/8 cọc khoan nhồi tại trụ T6; đúc 6/20 phiến dầm Super T…

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, kỹ sư Trần Văn Luận cho biết, tại dự án cầu Nhật Lệ 2, Sở Giao thông vận tải và các nhà thầu đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ thi công mới, hiện đại, đồng thời có những sáng tạo riêng mang tính đột phá, góp phần tiết kiệm nguồn vốn, giảm thời gian thi công. Tiêu biểu như hai sáng kiến: thay đổi cách thử tải cọc khoan nhồi và di chuyển hệ ván khuôn leo qua vị trí chuyển hướng của trụ tháp T4.

Về sáng kiến cách thử tải cọc khoan nhồi, theo thiết kế để thử tải cọc khoan nhồi trụ T4 – cọc đường kính 2 m, sâu 75 m sử dụng phương pháp chất tải tĩnh trên sông, khối lượng chất tải đạt 2.250 tấn. Nếu sử dụng phương pháp xếp bê tông chất tải thông thường thì nhà thầu phải huy động một khối lượng bê tông vô cùng đồ sộ. Việc này vừa tốn kém vừa gây nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn giao thông đường thủy.

Vì vậy, Sở cùng với nhà thầu có sáng kiến áp dụng phương án thử tải bằng cách dùng các cọc khoan nhồi trong bệ trụ làm cọc neo đối trọng. Sau đó, gắn tổ hợp dầm thép lên trên rồi dùng kích đẩy, tạo phản lực xuống cọc cần thử tải, cách làm này đã mang lại thành công ngoài mong đợi.

Áp dụng phương pháp đúc đẩy thân cầu chính
Áp dụng phương pháp đúc đẩy thân cầu chính.

Về sáng kiến di chuyển hệ ván khuôn, thì đơn vị thi công đã áp dụng thành công việc di chuyển hệ ván khuôn leo qua góc tù 169 độ bằng phương pháp trượt neo trên ray cong chuyển tiếp, kết hợp kích đẩy 4 góc, từ từ đưa hệ xe leo qua góc chuyển hướng tới vị trí mới để tiếp tục thi công các đoạn thân tháp còn lại.

Việc di chuyển xe leo thi công tháp cầu với góc chuyển hướng (góc tù 169 độ) là công nghệ được áp dụng đầu tiên trên thế giới. Sáng kiến này đã được chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đánh giá cao. Với tính toán trong quá trình lập biện pháp thi công, thời gian rút ngắn tiến độ do việc tháo và lắp lại hệ ván khuôn leo, thi công đoạn tháp chuyển hướng là 62 ngày, tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng.

Kỹ sư Trần Quốc Huy, Giám đốc BQLDA cho biết, để đạt được tiến độ đề ra, vấn đề cần tập trung xử lý là nhanh chóng giải phóng mặt bằng của 8 hộ khu vực mố cầu và đường phía Đông, thuộc xã Bảo Ninh và bố trí đủ nguồn vốn cho đơn vị thi công.

Mặt bằng khu vực bờ phía Đông (xã Bảo Ninh) có 62 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc diện bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện còn 8 hộ dân chưa thống nhất với phương án đền bù đã phê duyệt nên không đồng ý nhận tiền bồi thường. UBND thành phố Đồng Hới, Sở GTVT và chính quyền xã Bảo Ninh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại trực tiếp với các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Đối với nguồn vốn, đến nay, mới bố trí được 520 tỷ đồng, trên tổng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2017, dự án được ngân sách Trung ương hỗ trợ 105 tỷ đồng. Như vậy, để dự án đạt tiến độ đề ra, ít nhất trong năm nay cần thêm 300 tỷ đồng nữa, ngoài số vốn Trung ương hỗ trợ.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Nhật Lệ 2 được xác định là công trình trọng điểm, nhằm khai thác thế mạnh phát triển du lịch và quỹ đất của tỉnh về phía Đông TP. Đồng Hới. Đây sẽ là một công trình tạo điểm nhấn của thời kỳ đổi mới, góp phần tô điểm nét đẹp kiến trúc cho thành phố biển Đồng Hới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777