Cuộc trò chuyện này với GS Hồ Ngọc Đại đã được thực hiện từ năm 2002 và được công bố trên tờ An ninh Thế giới cuối tháng

0
1356

Cuộc trò chuyện này với GS Hồ Ngọc Đại đã được thực hiện từ năm 2002 và được công bố trên tờ An ninh Thế giới cuối tháng. Ảnh của ông do nhà báo Trịnh Việt Đông thực hiện.

GS – TS Hồ Ngọc Đại:
CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở TA NHƯ THAY CẦY GỖ BẰNG CÀY INOX MẠ VÀNG

Ông vốn nổi tiếng là một người bạo miệng, thậm chí đôi khi “ác khẩu” khi xét đoán những gì mà ông cho là kém cỏi hay bất hợp lý trong nghề sư phạm. Những ý kiến mà ông nêu ra không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí lắm lúc còn khiến ta muốn “phản pháo” nhưng nhìn nhận một cách công bằng, chúng luôn luôn sắc sảo và thú vị. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học sư phạm Hồ Ngọc Đại thuộc lớp người có khả năng tạo nên những cú hích trí tuệ cho cuộc sống bớt phần tẻ nhạt và thêm phần đúng đắn, mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng nên làm y như lời khuyên của ông. Bởi lẽ, ông là ngoại lệ, luôn trong lễ hội, còn chúng ta là những người thường, trong những ngày thường.

Trò chuyện với ông cuối buổi chiều ngày 20-11-2002, mặc dù mới gặp nhau trực tiếp lần đầu nhưng chúng tôi ngay lập tức đã như những người quen cũ. Và người nói lên những ý tưởng đầu tiên không phải là chúng tôi mà là ông.

KHÔNG ĐƯỢC ĂN GIAN

GS-TS Hồ Ngọc Đại (HNĐ): Hãy nhìn vào việc làm, chứ đừng chỉ tin vào những gì hình thức. Mình vẫn nói thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, nhưng xét đoán lại không căn cứ vào việc làm. Bởi thế nên không có người nào trong chúng ta dám đi đến cùng trong công việc của mình.
Phóng viên (PV): Lý do là bởi nền kinh tế, hay phông văn hoá, hay những vấn đề khác?
HNĐ: Có 2 cái, một là do trào lưu chung đua đòi về hình thức. Thứ hai là bản lĩnh trước những thử thách. Anh có thể thay đổi chứ không dám đi đến cùng. Dám đi đến cùng tức là anh phải đảm bảo rằng anh không ăn gian (cười).
PV: Ai cũng tốt khi làm đúng việc hợp với mình. Và để vô hiệu hoá một người nào đó thì đưa anh ta ra khỏi khu vực của anh ta và bảo rằng anh ta bất tài?
HNĐ: Đúng thế. Cách nói của tôi là thế này, đến cái chơi anh cũng phải chuyên nghiệp hoá. Khi sang Nga, tôi hơi bỡ ngỡ khi người ta hỏi A. Karpov, lúc bấy giờ là vô địch cờ vua thế giới, là mỗi một ngày anh chơi cờ bao nhiêu giờ. Ông bảo, bình thường là 8 giờ, còn thi đấu là 12 giờ. Hồi ấy, tôi đã thấy rằng, xã hội tốt phải là nơi mà mỗi một người đều phải trở thành chuyên nghiệp. Lại nhớ, hồi trên dưới 20 tuổi, tôi có đọc cái tin ông bố của John Kennedy mở một lớp dạy làm tổng thống. Đây có thể là giai thoại, cũng có thể là thật. Đại thể là, trong hôm khai mạc, ông ấy có nói: “Dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ, nếu không làm được tổng thống mà làm bất cứ nghề gì, kể cả móc cống, thì cũng sẽ là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ”. Xác định cho con cháu mình một nguyên tắc như thế, nghĩa là anh phải đi đến cùng trong cái nghề…
PV: Xin lỗi GS, về mặt chính thức thì ở nước ta hình như cũng giáo dục cho các thế hệ là phải đi đến cùng. Nhưng tại sao thực tế lại không đạt được cái điều đó?
HNĐ: Ở mình, với nền nông nghiệp lạc hậu và cái gốc của nó là một nền sản xuất nhỏ, cho nên ăn nhau ở cái “ảo”. Có đâu như ở mình “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”? Nó nặng nề lắm.
PV: GS vốn có tiếng là một người cực đoan, nhưng bản chất cuộc sống là một chuỗi những sự thoả hiệp. Và ở một mức độ nào đấy chúng ta cũng đã thoả hiệp rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì sự thoả hiệp ấy theo GS có những tác động tiêu cực như thế nào đến tình hình xã hội?
HNĐ: Nguyên tắc của tôi thế này này: lý thuyết cần triệt để, nhưng hành động thì phải mềm dẻo. Anh phải biết chấp nhận người khác. Vợ chồng cũng phải chấp nhận lẫn nhau, anh đòi cải tạo vợ thì đâu có được. Nếu anh vui vẻ chấp nhận thì anh sống hạnh phúc, anh không chấp nhận thì thôi, giải tán.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

GS – TS Hồ Ngọc Đại

GIÁO DỤC KHÁC VỚI DỰ ÁN GIÁO DỤC
PV: Về hình thức, những cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT đã tập trung những GS, TS, có học hàm, học vị cao nhất, và luôn biết tỏ ra tận tâm với thiện chí lớn. Tại sao chương trình cải cách giáo dục lại bị phê phán dữ dội như vậy?
HNĐ: Hiện nay có 2 phương hướng xử lý: một dựa vào kinh nghiệm và một dựa vào khoa học, bằng lý thuyết. Nhiều người bây giờ nuối tiếc cái nền giáo dục cũ, nhất là thời Pháp thuộc, và lấy cái đó làm chuẩn – như vậy không được. Hay nhiều người nói là thời tôi đi học nó thế này thế này, bây giờ nó như thế, thì cái bây giờ là sai. Không thể nói như thế được. Cũng như các bà mẹ ấy, bảo là con gái mười mấy năm nay nó yên lành ngủ trong lòng tôi, bây giờ thích ngủ với giai, nó hư. Thực ra, mấy chục năm nó ngủ với bà đã ngoan, bây giờ ngủ với giai…
PV: Càng ngoan hơn?
HNĐ (cười): Đó, mỗi tuổi mỗi khác. Nó chỉ hư khi nó sống không đúng với cái mà nó cần phải sống. Nền giáo dục ngày nay, anh không thể bằng một kinh nghiệm của người nào đó mà có thể đề xuất một cái gì cả, mà bây giờ phải có nghiệp vụ, cần phải có chuyên môn. Đá bóng thì từ nhỏ đã phải đá bóng thì may ra mới thành cầu thủ siêu hạng được. Nhà thơ thì từ nhỏ đã có máu thơ rồi chứ không phải lớn lên làm vài câu là trở thành nhà thơ. Không phải là đùng một cái anh đi học Trường Nguyễn Du là trở thành nhà văn, nhà thơ (cười). Bây giờ anh đứng trước một cái tình hình trong nước chưa hề có, tình hình thế giới chưa hề có, mà những cái ấy ở trên nền tảng của một nền sản xuất chưa hề có, đứng trước tất cả những cái chưa hề có ấy mà anh lấy cái đã có của anh làm căn cứ thì không được.
PV: Thì cũng giống ông tiến sĩ gì đó như Sở GTCC Hà Nội dựa vào cách cấm xe của Mexico để áp dụng vào nước mình, thành ra nực cười và ngớ ngẩn ngay. Giáo sư có thể phân tích một cách ngắn gọn những gì chưa được trong đợt cải cách giáo dục vừa rồi?
HNĐ: Thứ nhất là không có lý thuyết. Hiện nay họ đang dựa trên cái đã có trên sách vở, trong khi đó là phải dựa vào cái đang có trong cuộc sống. Ngày xưa có 5% dân cư đi học, ai dạy cũng được hết, không cần dạy tôi cũng tự học được. Bây giờ cả 100% dân cư đi học, hàng triệu ông thầy nó cũng phải khác. Khi 5% dân cư đi học ta tạm gọi họ là tầng lớp ưu tú, bây giờ 100% dân cư đi học nó phải là đồng nhất, nó phải là một mặt bằng hoàn toàn khác.
PV: Theo GS, tính chất cái chương trình Bộ GD&ĐT đưa ra là gì?
HNĐ: Nó là tạp pí lù! Tệ nhất là như thế này, trước đây toàn học Nga thì còn đỡ, còn là một phái. Bây giờ nghe Mỹ nói thế này, Anh nói thế kia, rồi lại cả các chuyên gia Malaysia, Thái Lan, Singapore, họ cho tiền đi mấy lượt về là cứ rối cả lên. Thêm vào đó, những người làm cải cách giáo dục lại toàn những anh “tay ngang” cả.
PV: Giáo sư có thể khẳng định?
HNĐ: 1.000%, 100% là những người làm dự án giáo dục chứ không phải người làm giáo dục (cười). Về việc làm sách giáo khoa ấy, hiện tôi đưa bộ sách của tôi ra, các anh ấy không đánh được chỗ nào hết. Tôi bảo “miễn góp ý”, vì giống như khi anh đưa ra một cái tivi ấy, anh chỉ có thể mua hay không mua thôi, anh ở ngoài anh biết cái gì mà góp ý? Sở dĩ anh còn góp ý được là bởi vì nó quá thấp.
PV: Và trình độ làm sách giáo khoa vừa rồi của Bộ GD & ĐT là quá thấp? Vậy nên rất nhiều “tay mơ” cũng có thể góp ý được?
HNĐ: Và những góp ý ấy tỏ ra còn xác đáng hơn.
PV: Thế thì tại sao cái sự hoàn mỹ như lời Giáo sư nói lại không được số đông chấp nhận?
HNĐ: Vì những người tham gia dự án phải làm cái khác mới có tiền!
PV: Chả lẽ ở nước ta lại đến mức độ như thế ư?
HNĐ: Tệ đến như thế đấy!
PV: Có thể có rất nhiều người không biết được việc bên trong, nhưng tất cả chúng ta nhìn vào tất cả nội dung và diện mạo của nền giáo dục thì chúng ta thấy nó rất kém khả quan. Chúng tôi có thể chuyển những ý kiến này của GS Hồ Ngọc Đại thông qua tờ báo để đến với Bộ GD&ĐT, và Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể nói lại?
HNĐ: Tất nhiên, nếu họ có thể chứng minh được…
Một mình một ngựa “thực nghiệm”
PV: Giáo sư đã theo đuổi công trình Thực nghiệm của mình bao lâu rồi?
HNĐ: Phương pháp này mới ra đời được 30 năm thôi.
PV: Tại sao với một quãng thời gian dài như vậy mà Giáo sư chưa thuyết phục được mọi người đi theo con đường của mình?
HNĐ: Nhiều người tưởng tôi kiêu ngạo nhưng không phải, tôi nói: “Nền giáo dục này không thể không đi qua phương pháp giáo dục của Hồ Ngọc Đại được”. Người ta hiểu lầm giữa khoa học và nghệ thuật. Khoa học không có người này thì lại có người khác, nhưng trong nghệ thuật, không có Nguyễn Du thì không bao giờ có Truyện Kiều hết. Còn nếu không có Newton này sẽ có Newton khác, quả táo không rơi xuống đầu ông này thì sẽ rơi xuống đầu ông khác. Cho nên khoa học nhiều lắm chỉ có tài năng thôi chứ không thể có thiên tài được. Chỉ có nghệ thuật mới có thiên tài!
PV: Nói tóm lại, cái công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại khác với cái công nghệ của Bộ GD&ĐT ở những điểm căn bản nào?
HNĐ: Cái thứ nhất là “học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình”. Tức là tôi đưa cái khẩu hiệu cực đoan: “Thầy không giảng bài-Học trò không cần cố gắng”. Cuộc sống nó có cố gắng đâu? Cuộc sống nó bình thường. Tại sao trẻ con nó chơi một cách hồn nhiên, bình thường như thế, nó bay nhảy như thế mà vào đến lớp nó lại cứ cứng đờ ra? Tôi quan niệm là học sinh đi học là cuộc đời thật của nó, nó sống thật, cuộc đời thật.
PV: Khi trẻ em đến trường là bắt đầu chúng sống một cuộc đời thật của chính chúng.
HNĐ: Anh thấy trẻ con đấy, cái khẩu súng nó tự tạo ra nó quý gấp vạn lần cái khẩu súng anh mua cho nó. Và tôi cho cái thứ hai là như thế này: Mỗi một em phải trở thành chính nó.
PV: Và một mục đích cao cả là vì dân tộc ấy!
HNĐ: Đúng rồi. Tôi muốn một người phải trở thành chính mình, và mỗi một ngày đi học là hạnh phúc. Khẩu hiệu của tôi treo khắp nơi: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, căn cớ gì mà phải đau khổ đi học, học mà đau khổ thì học làm gì? Tại sao lại cứ phải hành hạ bọn trẻ con? Cho nên ở trường của tôi là trẻ con có quyền trao đổi, có quyền cãi nhau trong lớp, đó là cuộc sống của nó cơ mà? Thế còn sách giáo khoa nó khác, SGK chỉ là chỗ dựa để học sinh đi đến một cái gì hơn thế.
PV: Người cha cho đứa con một mảnh đất, một cái cuốc và nói: “Ngươi hãy làm đi!”?
HNĐ: Đấy, bây giờ giảng cứ thuộc lòng như con vẹt ấy. Tất cả bọn tham nhũng nó nói về chống tham nhũng hay hơn tất cả chúng ta (cười). Thế nên tôi nói là trẻ em nó thật, khi cho điểm, phương châm trường của tôi là: không xếp hạng, không cho điểm. Sai lầm ở các trường chuyên lớp chọn như thế này: anh cứ lấy chiến lược giỏi là vì mình khát khao mấy cái chữ, có những thằng rất giỏi về chữ nhưng mà đối với bạn bè không ra gì, làm những việc không ra gì. Đá bóng giỏi đáng khen chứ, quét nhà đáng khen chứ… Cứ đi ham mấy cái chữ rồi những đứa giỏi ấy nó lại tự phân hoá. Trong thực tế đời sống ngày xưa, mọi sự quá đơn giản, ông Mác ví dụ rất hay là “người ta hao hao giống nhau như củ khoai tây”, nhưng bây giờ đời sống rất đa dạng thì người ta tôn trọng cái đa dạng lắm. Bây giờ anh làm khoa học anh bảo là anh vĩ đại lắm, thế nhà thơ không vĩ đại à? Cái anh chăn bò cũng vĩ đại. Xã hội cần những con người như thế. Cuộc đời ai cũng vĩ đại nếu làm việc của mình một cách hết lòng. Nguyên tắc của chúng tôi là ngay từ đầu học sinh phải sống thật. Nếu học sinh chấp nhận một nền giáo dục thì có thể nền giáo dục ấy chưa chắc hoàn toàn thành công, nhưng nếu học sinh không chấp nhận thì đó dứt khoát là một nền giáo dục thất bại. Học sinh sống hạnh phúc thì chưa chắc nền giáo dục thành công, nhưng học sinh đau khổ với nền giáo dục thì đó là một nền giáo dục tồi tệ… Cái thứ hai nữa là hiện nay người ta không hiểu anh đi học để làm gì, tại sao anh phải đi học mà anh không ở nhà được, người ta không hiểu, đi học là cứ đi học thôi.
PV: Đi học là để chuẩn bị hành trang vào đời!
HNĐ: Hành trang. Anh sở dĩ đến trường là vì ở nhà anh không thể làm được cái việc ấy. Bố mẹ hoàn toàn không đủ sức để làm cái việc ấy, dù ông là bác sĩ, kỹ sư, kể cả nhà giáo… Cần phải có một cái nơi ở đó người ta có chuyên môn, có nghiệp vụ.
PV: Chúng ta cho con cái đi học ở trường thực ra là để chuẩn bị một cái vốn liếng để sau này nó bước vào cuộc sống dễ thích ứng với môi trường, tự nó có thể thành đạt. Người ta có thể nói rằng cái hình thức giáo dục hiện nay nó phù hợp để tạo ra những người như thế. Có thể là một con người rất tốt, rất hạnh phúc nhưng đến khi ra đời trong một điều kiện cụ thể như chúng ta hiện nay thì lại không thành đạt, đó là mâu thuẫn đang tồn tại. Phải chăng vì thế cái mô hình của GS không thể tồn tại trong một xã hội kiểu như của chúng ta hiện nay, GS nghĩ thế nào?
HNĐ: Như thế này nhá, cái mô hình của tôi, tôi muốn làm mẫu để chứng tỏ nó có thật. Tức là nó có 2 giai đoạn trong khoa học, một giai đoạn từ không sang có và một giai đoạn từ có ít sang có nhiều.
PV: Giáo sư sống với tương lai, còn những nhà sư phạm cụ thể của chúng ta không có một trí tuệ như GS, một vị thế như GS, họ sống bình thường bằng cái nghề giáo dục của mình, và họ vẫn phải làm tất cả những việc cấp trên hướng dẫn cho họ.
HNĐ: Khổng Tử tự làm hết mọi việc. Hồi 5% dân đi học các thầy giáo làm tất cả mọi việc. Nhưng bây giờ là 100% thì không thể giao cho họ được, không thể đòi họ phát huy sáng kiến được. Cái đó phải có người khác bày cho họ. Cho nên, tôi định nghĩa thầy giáo ngày nay là “một người lao động có nghiệp vụ sư phạm”. Họ phải là người thực thi một công nghệ đã có chứ họ không thể sáng tạo ra công nghệ được. Cái công nghệ ấy phải do tầng lớp tiên tiến thiết kế ra.
PV: Trong tình huống ấy thì các trường sư phạm làm gì?
HNĐ: Cách đây 20-25 năm gì đấy, tôi có ra một cuốn sách. Dòng thứ nhất tôi viết là “hiện nay chưa có trường sư phạm” đích thực.
PV: Tại sao những ý kiến nghe có lý của GS mà mấy chục năm trời không được thực hiện?
HNĐ: Thực ra đây là do sức ỳ của số đông.
PV: Bây giờ nếu được trao chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS có nhận không?
HNĐ: Nếu làm Bộ trưởng thì trong cái hoàn cảnh hiện nay, nếu các ông còn thật sự muốn làm thì vẫn còn có kết quả.
Phải thay cày bằng máy cày mới đúng
PV: Trong ngành giáo dục có rất nhiều người tâm huyết ở các vị trí khác nhau, và họ đều bước vào nghề sư phạm vì tình yêu đối với con người. Đang trong cơ chế này, GS có lời khuyên gì cho họ chăng?
HNĐ: Tôi cũng chả dám khuyên họ cái gì, nói đời sống thầy giáo thấp nên họ làm liều không phải, chúng ta có tăng ngân sách lên 10 lần nữa cho giáo dục cũng vẫn thế. Bởi vì đây là cách làm giáo dục. Tôi đã viết báo nói rồi, xưa nay người ta cày bằng cái cày gỗ, bây giờ ông văn minh lên ông làm inox, lại mạ thêm vàng, nó tốn kém lên. Vô nghĩa, cái cày vẫn chỉ là cái cày thôi. Đáng lẽ ra anh phải thay cái cày bằng máy cày, tức là phải thay cái nguyên lý của nó đi.
PV: Nếu mình có một phương pháp đúng thì bao nhiêu năm sẽ chữa được cái cơ cấu như thế này?
HNĐ: Nếu mà cái cải cách giáo dục này nó gỡ, theo tôi, thì ngay lập tức tôi làm ngay lớp 1. Hiện nay tôi làm 43 tỉnh rồi, và ở các tỉnh đều có triển vọng lắm. Phương pháp của tôi mà đưa vào học sinh dân tộc thiểu số càng nhanh, càng hay, càng tốt. Tức là không biết tiếng Kinh thì học càng ngon. Thí dụ như “ba” với “bà” khác nhau như thế nào? Cậu bé, cô bé người Kinh thì nó biết “ba” là 3 cái que, là ba, là bố, bà là bà nội, bà ngoại. Tôi cần kiểu khác, ở cái âm. Cậu bé người dân tộc nó không biết nghĩa thì nó thấy khác ngay, khác ở bản chất, không phải quy ước… Năm kia, tôi đến một trường trên Định Hoá, căn cứ cách mạng. Tôi vào đấy, trường lớp hoàn toàn không có cái gì. Đọc ngon lành, viết rất ngon lành. Cô giáo cô cứ khóc, bảo em cả một đời đi dạy chưa có kết quả lạ lùng như thế này. Cô ấy nói thế này: “Cháu từ khi dùng phương pháp Hồ Ngọc Đại, cháu sướng quá. Cháu không ngờ cháu may mắn đến như thế. Lớp cháu có 5 đứa bố mẹ nó gửi ở đây, bảo thôi, nó đọc được viết được hay không không quan trọng, cuối cùng nó khá hết, năm đứa vào loại khá, giỏi”. Cô ấy bảo là “em tình nguyện đi bất cứ nơi nào học sinh khó khăn nhất, em đưa phương pháp Hồ Ngọc Đại vào nhất định thành công”.
PV: Giáo sư đã gặp trường hợp nào phương pháp chưa thành công không?
HNĐ: Phương pháp tôi không thể không thành công được, chỉ có thành công ít hay nhiều thôi. Nhất định nó phải thành công chứ.
PV: Cái công nghệ giáo dục mà GS nghĩ ra là phục vụ cho đại chúng, nhưng tôi nghe nói GS là người có tư duy hết sức tỉnh táo và lành mạnh, không chỉ khi làm từ thiện trong công nghệ giáo dục như thế mà còn biết cách biến nó trở thành một nghề có thể đem lại thu nhập cao cho những người giáo viên giỏi, mà cụ thể là như ở Trường Quốc tế mà GS đang lãnh đạo.
HNĐ: Trường Quốc tế là chuyện khác. Nhưng tôi thì tôi muốn đảm bảo trước hết là lợi ích cho trẻ con, tức là ít rủi ro nhất, tức là sản phẩm phải tốt cái đã. Cái thứ hai là, các thầy giáo có một cái nghề, tức là dạy theo cách của tôi chỉ có thầy giáo mới dạy được; kỹ sư, bác sĩ không ai dạy được hết. Tôi chỉ cần tập huấn trong 3 ngày thôi, tất cả đề tài tôi đã viết ra gọi là bản thiết kế và giáo viên chỉ biết đọc bản thiết kế, huấn luyện. Với công nghệ giáo dục, tôi muốn người giáo viên có một cái nghề tích cực như mọi nghề khác.
PV: Như vậy có tước đi những ý nghĩa thiêng liêng của cái nghề gõ đầu trẻ không?
HNĐ: Không. Cái niềm vui lớn nhất của người giáo viên là học sinh, hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên là học sinh.
PV: Đừng gán cho nghề này những gì phù hoa mà thực chất không phải như thế?
HNĐ: Cách của tôi là thế này: Đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả, tức là nó nghe được thì nó viết được, nó viết được thì nó đọc được. Tiếng Việt là tiếng ghi âm. Trước hết là nó phải nghe đúng cái thứ tiếng của nó như thế nào.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà
 GS – TS Hồ Ngọc Đại

6 THÁNG MỘT BẰNG PHÓ TIẾN SĨ
HNĐ: Một lần tôi gặp anh Tố Hữu, hồi ấy là Phó Thủ tướng, anh Tố Hữu hỏi: “Này, ông Đại ơi, các nhà bác học Nga đánh giá ông như thế nào”. Tôi đáp: “Cái điều quan trọng là tôi tự đánh giá”. Thành công của tôi ở Nga là như thế này này, trẻ con đi học là học phép cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa, khai căn, vi phân, tích phân… tất cả các thứ. Đến năm thứ 3 đại học mới học thế nào là phép toán. Thế tôi bảo là nếu chúng ta làm ngược lại thì cái gì sẽ xảy ra, ngay từ lớp 1 tôi đã cho học đại số. Thế thì người ta tưởng đùa, người ta thách thức, tôi nhận. Và thế là chỉ có 6 tháng tôi đã làm xong luận án PTS. Khi thành công đến ngỡ ngàng như thế thì hội đồng bác học của Trường Lomonosov mời tôi đến báo cáo, cái trường ấy là cực kỳ kiêu ngạo mà lại mời một nghiên cứu sinh đến báo cáo khoa học là chuyện không đùa. Sau cuối cùng họ hỏi tôi là anh còn việc gì phải làm, tôi bảo là tôi chưa trả môn thi gì hết thì ông chủ tịch mới bảo là: “Thưa các vị trong Hội đồng, đây là một nhà bác học thực sự, bắt anh ta làm học trò làm gì, đề nghị miễn thi”. Thế là tôi được điểm 5 hết, mà có phải thi đâu (cười). Tuy nhiên, sau khi trở thành PTS, tôi mất 4 năm nữa, tới năm 1976, mới bảo vệ được luận án Tiến sĩ khoa học. Khi tôi bảo vệ TS xong, bà Viện sĩ chủ trì mới gọi tôi: “Trong luận án của con, có 1 câu này theo mẹ nên sửa lại, con viết là phương pháp của tôi có thể trao tận tay cho từng giáo viên, cái điều đó khó lắm con ơi, các vị ngồi đây đã có ai thành công đâu. Nếu như con nói khiêm tốn là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của con thì con có thể hướng dẫn giáo viên, chứ con đừng viết câu ấy”. Tôi mới nói: “Con rất cảm ơn lời khuyên của mẹ nhưng đáng tiếc là con in ra rồi, con không thể sửa được nữa” (cười). Tức là tôi bướng, không nghe ai khuyên cả.
“CON ĐÚNG RỒI, CON HÃY KIÊN TRÍ!”
PV: Ông có bao giờ bàn luận những chuyện này với người cha vợ khả kính (đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn) không?
HNĐ: Có. Cụ bảo tôi là phải kiên trì.
PV: Với sự giúp đỡ to lớn của ông nhạc mà anh…
HNĐ: Không, thời kỳ đó cụ không giúp gì được vì cái này là cuộc sống. Từ cái này đến cái kia vài chục năm là nó đã còn may. Mọi người cứ bảo tôi kiêu ngạo khi tôi nói, nền giáo dục của ta không thể không đi qua cái công nghệ này được, không có cách gì khác cả, bởi vì nó là khoa học, nó không phải là nghệ thuật.
PV: Một niềm tin sắt đá!
HNĐ: Cái này là chắc chắn chứ. Cho nên Kant nói, một tài năng khoa học với một thằng ngốc không có gì khác nhau, chỉ khác nhau về thời gian thôi (cười). Thằng thấy trước, thằng thấy sau thôi.
PV: GS là một người tự tin và đầy lòng kiêu hãnh của một nhà khoa học chân chính và có tài. Thông thường, những nhà khoa học hay viện sĩ rất ngại mang tiếng khi thành công của mình là do có sự giúp đỡ của ai đó, GS có mặc cảm về cái chuyện làm rể của mình không?
HNĐ: Tôi không mặc cảm, nhưng tôi không coi cái đó có điều gì quan trọng hết. Đối với tôi những cái đó nó cũng không có gì phải lấn cấn cả. Nhưng mà thế này, ông Lê Duẩn ấy, đến phút cuối cùng trong cuộc đời có nói với tôi là: “Con đúng rồi, con hãy kiên trì” (cười).

Nguồn: Ảnh Do nhà báo Trịnh Việt Đông thực hiện.
Tác giả: Hồng Thanh Quang cùng Nguyễn Quang Thiều và Trịnh Việt Đông.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777