Là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái với các loại địa hình đa dạng, từ đồi núi, đồng bằng trải dài cho đến bãi biển xanh mát, Quảng Bình tạo được thương hiệu riêng nhờ những đặc sản “có một không hai”-các sản vật làm mê đắm du khách bạn bè gần xa. Đó là các loại hải sản khô chất lượng cao, như: tôm khô, mực khô, cá khô của biển Nhật Lệ, là khoai deo Hải Ninh dẻo, mềm, thơm ngọt, hay bánh mè xát Tân An nồng ấm vị quê… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù lượng khách du lịch đến với Quảng Bình ngày càng tăng, nhưng đầu ra cho các đặc sản đất Quảng vẫn khó tìm như thuở ban đầu.
Bánh mè xát Tân An, Quảng Thanh, Quảng Trạch từ lâu đã có chỗ đứng trong lòng người dân địa phương và du khách. Sản phẩm vừa là nét đặc trưng cho đời sống văn hóa, cộng đồng của bà con ven bờ sông Gianh, vừa là sự đúc kết của bao vất vả, gian truân, nâng niu từng hạt gạo của người nông dân. Chính vì vậy, ngoài giá trị ẩm thực, bánh mè xát Tân An còn ẩn chứa các lớp trầm tích văn hóa, là nét ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây.
Thời gian tới, bánh mè xát Tân An cần được mở rộng thị trường ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và các khu du lịch của tỉnh.
Hợp tác xã bánh mè xát Tân An được thành lập với 20 xã viên, chủ yếu là chị em phụ nữ, chính là minh chứng cho sự nỗ lực vực dậy làng nghề truyền thống, đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn của người Tân An.
Chị Phan Thị Cẩm Tú, Chủ nhiệm Hợp tác xã bánh mè xát Tân An cho biết, vượt qua những khó khăn bước đầu, nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, chị em đã ổn định được sản xuất, dự trữ nguồn nguyên vật liệu và mua sắm được hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ cho việc làm bánh chất lượng, năng suất cao. Thu nhập mỗi tháng trung bình đạt từ 2-3 triệu đồng/xã viên.
Đặc biệt, theo chị Cẩm Tú, mới đây, bánh mè xát Tân An đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm, tạo đà cho những hướng phát triển mới trong tương lai. Tuy nhiên, vật cản lớn nhất hiện nay chính là việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bánh mè xát Tân An.
Tuy đã có nhãn hiệu, thương hiệu, nhưng thị trường mới chỉ bó hẹp quanh vùng sông Gianh hoặc lan xa hơn đến một số huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng quy mô, số lượng còn manh mún, nhỏ lẻ. Chị em gặp nhiều lúng túng khi mở rộng thị trường do còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng.
Hiện tại, Hợp tác xã chủ yếu quảng bá bằng cách gửi sản phẩm theo các đoàn thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh bạn nhờ giới thiệu giúp, hoặc thông qua một vài mối tư thương quen biết. Các chị em xã viên cũng rất muốn mở rộng thị trường tiêu thụ ở khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng vẫn chưa biết cách thức và hướng đi như thế nào cho phù hợp.
Khác với bánh mè xát Tân An, khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh) đã có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, nhưng về lâu về dài, tính bền vững của thị trường vẫn còn nhiều điều phải lo lắng. Chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến khoai deo Hải Ninh cho biết, đầu ra của sản phẩm khá ổn định, không chỉ các địa phương trong tỉnh mà còn đến nhiều tỉnh bạn và thậm chí cả nước ngoài. Đó là chưa kể đến nguồn tiêu thụ từ các cơ quan, đơn vị ban, ngành khi có nhu cầu làm quà biếu, quà tặng cho đối tác.
Mỗi năm, hợp tác xã xuất kho hơn 20 tấn khoai deo thành phẩm, tương đương với 80 tấn khoai tươi, mặc dù nhu cầu thị trường vẫn còn cần nhiều hơn. Tuy nhiên, theo như lời chia sẻ của chị Hoàng Thị Liễu, mẫu mã sản phẩm vẫn đang là điều khiến khách hàng chưa thực sự hài lòng. Nhiều năm qua, dù đã có cố gắng thay đổi, nhưng do khó khăn về kinh phí, bao bì sản phẩm khoai deo Hải Ninh vẫn thô sơ, đơn điệu, dễ làm nhái, làm giả và chưa đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng cấp cao hơn.
Chỉ mới xuất hiện ở các siêu thị nội tỉnh thôi là chưa đủ để đặc sản Quảng Bình mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, chính vì điểm hạn chế ở mẫu mã sản phẩm, việc mở rộng thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các đô thị lớn, đòi hỏi khắt khe về cả chất lượng và hình thức. Hơn nữa, tính phụ thuộc trong tiêu thụ sản phẩm cũng là điều cần bàn. Hầu hết các đơn hàng, đại lý đều tự tìm đến hợp tác xã, chị em thụ động chờ đợi, do đó, chưa chủ động được mỗi khi nhiều đơn hàng về cùng lúc.
Nếu bánh mè xát Tân An và khoai deo Hải Ninh đều là những sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu, vẫn còn gặp khó trong chặng đường mở rộng thị trường tiêu thụ, thì các đặc sản khác, như: tôm khô, mực khô… vốn dĩ chưa có nhãn hiệu, sản xuất quy mô nhỏ, thiếu đầu tư, thì cơ hội này lại càng thêm khó. Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết, tính đến hiện tại, Trung tâm vẫn chưa thực hiện chương trình, dự án nào liên quan đến tìm đầu ra cho các sản phẩm đặc sản Quảng Bình.
Tuy nhiên, với thực tế hầu hết đặc sản tỉnh nhà sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tính trên thị trường, việc tìm được đầu ra bền vững là rất khó khăn. Tỉnh ta cũng chưa có nhiều doanh nghiệp chủ động đứng ra hỗ trợ, giúp sức cho các đơn vị sản xuất đặc sản trong marketing sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Trước mắt, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục liên hệ với các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn để mở các gian trưng bày đặc sản Quảng Bình, vừa tìm kiếm thị trường, vừa tăng cường quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu về dài vẫn rất cần một giải pháp chiến lược cho các sản phẩm đặc sản thế mạnh của tỉnh ta trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển và phát huy thế mạnh như hiện nay.
Mai Nhân – Báo Quảng Bình