Những năm qua, việc học tập và làm theo Bác được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng và làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên nông dân; qua đó, xuất hiện những mô hình tốt, cách làm hay và nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình làm theo Bác. Anh Đinh Quang Trung, hội viên Chi hội Nông dân thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những tấm gương điển hình nông dân học tập và làm theo Bác.
Tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của anh Đinh Quang Trung, 1 trong 2 hội viên nông dân của tỉnh vừa được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi rất ngưỡng mộ sự nỗ lực vượt khó, dám nghĩ dám làm trong sản xuất kinh doanh của người nông dân huyện miền núi này.
Từ một hộ nghèo, anh Trung đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hiện tại, ngoài lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng hoá và các ngành nghề phụ sản xuất nông nghiệp, anh Trung còn làm chủ mô hình chăn nuôi, trồng trọt với tổng đàn chim trĩ, lợn, gà trên 1.700 con, 150 cây ăn quả đã cho thu nhập và 784m2 ao hồ nuôi cá.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Quang Trung cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Với điều kiện đất đai cằn cỗi, ngoài trồng lúa, trồng lạc với năng suất thấp, vợ chồng tôi vất vả làm việc quanh năm nhưng kinh tế gia đình vẫn hết sức khó khăn.
Năm 2013, với quyết tâm phải chiến thắng đói nghèo, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ sự động viên, hỗ trợ và đứng ra tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các cấp Hội Nông dân, tôi đã vay được nguồn vốn để đầu tư làm ăn, vượt qua khó khăn ban đầu”.
Để khởi nghiệp, anh Trung mua xe ô tô tải về làm dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hoá và dùng để thu mua nông sản, gỗ, keo, tràm… Công việc kinh doanh thuận lợi, anh tích luỹ được ít vốn và mua giống lợn thịt, gà về nuôi thả vườn.
Chỉ sau mấy tháng, đàn lợn, gà đã cho gia đình anh khoản thu nhập khá. Thấy được hiệu quả từ chăn nuôi, anh tiếp tục đầu tư chuồng trại, đào ao thả cá, trồng thêm cây ăn quả trong vườn nhà và trồng rừng kinh tế theo hướng gia trại tổng hợp. Hơn một năm sau, mô hình kinh tế tổng hợp của anh đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no…”, năm 2014, anh Đinh Quang Trung bắt đầu tham khảo, tìm hiểu các mô hình sản xuất kinh doanh mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thấy mô hình chăn nuôi chim trĩ đỏ mang lại lợi nhận kinh tế cao, nhiều gia đình nông dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ mô hình này, anh Trung quyết định tìm mua giống chim trĩ về nuôi. Lúc đầu, anh đặt mua 6 con chim trĩ giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi nên quá trình chăm sóc chim trĩ của anh khá thuận lợi.
Anh Trung chia sẻ: “Nuôi chim trĩ không khó mà chỉ cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho chim. Tuy nhiên, người nuôi cần phải chăm sóc và theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện và điều trị một số bệnh thông thường cho chim. Khi chim đẻ trứng, hay chim non vừa mới nở thì phải có chế độ chăm sóc đặc biệt”.
Những con chim trĩ nuôi thử nghiệm phát triển nhanh, ít bị dịch bệnh và mang lại giá trị kinh tế cao đã làm động lực để anh Trung tiếp tục nhân giống, phát triển tổng đàn lên 200 con. Ngoài việc xuất bán trứng hàng ngày, anh Trung đã mua máy ấp trứng chim trĩ để tiếp tục nhân rộng tổng đàn và cung cấp giống cho bà con có nhu cầu nuôi.
Càng làm càng rút kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài và thường xuyên học hỏi, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới, gia trại tổng hợp của anh Trung đã có quy mô 3ha rừng nguyên liệu, 1ha trồng ổi và cây ăn quả các loại đã cho thu nhập, đàn chim trĩ 900 con, gà 800 con và đàn lợn trên 40 con. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Trung có tổng thu nhập trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 200 triệu đồng.
Thấy mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh Trung phát huy hiệu quả kinh tế, nhiều hội viên nông dân ở các địa phương lân cận đã đến tham quan, học hỏi và mua giống chim trĩ về nuôi. Anh Trung luôn vui vẻ, nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tận tình cách làm chuồng, phòng trừ dịch bệnh, cũng như cách chăm sóc chim trĩ cho các hội viên nông dân có nhu cầu.
Với tâm niệm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên mọi phương diện, anh Đinh Quang Trung không những nỗ lực, hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn nêu cao tinh thần đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng ở địa phương.
Anh nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, tương thân tương ái, giúp đỡ hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… của địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phát động. Bằng những việc làm thiết thực, có tâm huyết và trách nhiệm, anh Trung đã có những đóng góp tích cực cho phong trào thi đua của các cấp Hội Nông dân ở địa phương.
Nói về gương hội viên nông dân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: “Anh Đinh Quang Trung là một trong những hội viên nông dân dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện miền núi Minh Hoá.
Mặc dù có xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn, anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những cái hay, cái mới trong sản xuất và áp dụng thành công vào điều kiện thực tế của địa phương. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của anh đang ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, được các cấp Hội Nông dân tham quan học tập và nhân rộng”.
Theo Hiền Chi