(QBĐT) – Những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển gây ra cho ngành thủy sản nói chung và đối với huyện Quảng Ninh nói riêng khá nặng nề. Và để khôi phục lại nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản là cả một quá trình dài và cần sự chung tay từ nhiều phía. Trước mắt, huyện Quảng Ninh vừa triển khai thực hiện tốt các chính sách đền bù, vừa chỉ đạo các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện để người dân trên toàn huyện bước vào vụ nuôi trồng mới.
Trước những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, từ tháng 4-2016, trên địa bàn huyện Quảng Ninh chỉ có mỗi một chiếc tàu công suất 370CV hoạt động đánh bắt xa bờ, số tàu thuyền còn lại ngừng hoạt động. Sau khi có quyết định công bố vùng biển được khai thác và các loại hải sản an toàn được sử dụng, bà con ngư dân đã bắt đầu khai thác trở lại, sản lượng khai thác biển tháng 9 và tháng 10 có tăng lên dần so với những tháng trước. Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người dân còn e dè, hoang mang…
Bù lại, tín hiệu khả quan về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là mô hình nuôi cá lồng tiếp tục mở rộng và phát triển từ đầu vụ của năm 2016, chủ yếu ở các xã Duy Ninh, Hàm Ninh, thị trấn Quán Hàu, Vĩnh Ninh, Võ Ninh…, với số lồng bè nuôi là 163 lồng, tăng so cùng kỳ năm trước. Cho đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã thu hoạch. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chậm và thu nhập thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ đã ảnh hưởng đến việc tái đầu tư nuôi mới của đại đa số các hộ nuôi.
Ông Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Duy Ninh, địa bàn có nhiều hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang, trao đổi: “Người dân 2 thôn Phú Ninh, Phú Vinh trên địa bàn xã đang trên đà thắng lợi bước vào vụ nuôi thứ 2 với tổng cộng 20 lồng cá. Đầu tư mỗi lồng từ 80-100 triệu đồng, nhưng sắp đến kỳ thu hoạch thì xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường biển. Người nuôi lao đao vì không thể tiêu thụ được cá, bởi người tiêu dùng cho rằng thức ăn chính của cá lồng là cá biển.
Nuôi cá lồng ở các xã trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì. |
Trước nhiều nguy cơ mất trắng nên bước vào vụ mới 2016-2017, bà con cũng không mấy mặn mà, hay nói cách khác là không dám lần nữa “cá cược với trời”. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tiếp tục động viên các hộ đã đầu tư lồng bè cố gắng duy trì, tiến tới khôi phục nghề nuôi cá lồng trên sông cho những vụ sau…”.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản trên toàn huyện Quảng Ninh ước đạt 2.930 tấn. Trong đó, nuôi trồng đạt gần 1.300 tấn, bằng 92,4% so cùng kỳ (cá 753 tấn, tăng 10,7%; tôm các loại 519 tấn, bằng 74,3% và cua 7 tấn); khai thác đạt 1.630 tấn (khai thác biển 1.000 tấn, chỉ bằng 66% cùng kỳ; sông đầm, ao hồ 630 tấn, bằng 96,33%).
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn hoàn thành số liệu thống kê, xác định thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường biển bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện, sớm ổn định tình hình, động viên người dân bước vào vụ nuôi trồng mới.
Để đẩy mạnh chương trình khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, huyện đã có quy hoạch đầu tư dự án phát triển các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; tập trung đầu tư cho các vùng đã được quy hoạch, chuyển đổi; chú trọng sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đã được quy hoạch, xây dựng.
Thêm vào đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động bà con nuôi trồng theo mô hình cá-lúa đã đầu tư ở các xã như: Gia Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh, An Ninh và Võ Ninh; khuyến khích người dân mở rộng địa bàn nuôi cá lồng trên sông ở những địa phương có điều kiện như: Lương Ninh, Quán Hàu, Hiền Ninh, Vĩnh Ninh, Duy Ninh và Trường Xuân…
Hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang tiếp tục đầu tư các ao nuôi và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Bước vào vụ mới, toàn huyện nuôi được 1.120 ha (trong đó, nuôi mặn lợ 130 ha, ao hồ 320 ha, nuôi theo mô hình cá-lúa kết hợp 690 ha). Bên cạnh đó, người dân chú trọng đầu tư phương tiện như mua mới tàu thuyền, ngư lưới cụ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng lực đánh bắt về hải sản xa bờ.
Huyện cũng tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận chính sách vay vốn theo Nghị định 67 nhằm tăng năng suất và hiệu quả khai thác. Quảng Ninh còn thực hiện kế hoạch hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa với việc thành lập các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển vừa hợp tác đánh bắt vừa hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
“Điều quan trọng nữa là phải gắn đánh bắt với chế biến hải sản, nhằm giải quyết việc làm cho lao động phụ nghề cá, tăng thu nhập cho bà con ngư dân. Trong đó, huyện ưu tiên đầu tư, vay vốn để khuyến khích phát triển nghề đánh bắt gắn với chế biến thuỷ hải sản; tăng cường các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các tiến bộ mới về khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đến tận người dân. Từ đó, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, nhất là các loại thủy hải sản có giá trị hàng hoá cao.
Với những giải pháp đang triển khai, huyện Quảng Ninh phấn đấu năm 2017 sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 3.700 tấn, trong đó đánh bắt 2.000 tấn, nuôi trồng đạt 1.700 tấn và phục hồi dần việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản trong những năm tiếp theo”, ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện chia sẻ thêm.