Kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Văn Dinh

0
2883

Văn hóa Quảng Bình – Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh thuộc lớp người cựu trào của làng thơ, làng báo Quảng Bình. Ông được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1980.

Sau tết nguyên tiêu Quý Tỵ 2013 gần 1 ngày, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã quy tiên. Ông sinh ngày 5-3-1932, tạ thế vào lúc 20h ngày 25-2-2013. Ông đi vào cõi vĩnh hằng khi 82 tuổi. Dẫu biết rằng không ai tránh được quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng sự ra đi của ông thật đường đột, để lại bao nỗi tiếc thương, bao sự trống vắng cho người thân, bạn hữu xa gần. Làng thơ Quảng Bình mất đi một nhà thơ cựu trào, làng báo Quảng Bình mất đi một nhà báo lão thành. Nỗi đau và sự trống vắng này không gì bù đắp nỗi và khó diễn tả bằng lời.

Đối với thế hệ hậu sinh chúng tôi, ông là bậc tiến bối. Khi chúng tôi chưa sinh ra trên cõi đời thì ông đã là anh bộ đội Cụ Hồ với trên vai những bài thơ, hò vè những bài ca dao động viên kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi kính trọng ông ngưỡng mộ ông bởi đức tính cần kiệm, niềm say mê nghề nghiệp đến khó tin. Trong sự nghiệp làm báo ông có vinh dự mà không thể một người làm báo ở Báo Quảng Bình có được, đó là trở thành một trong những cán bộ phóng viên đầu tiên của báo Quảng Bình vào ngày thành lập (1963). Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 50 năm báo Quảng Bình ra đời.

Năm 1997, Ông rời báo Quảng Bình nghỉ hưu với cương vị Phó Tổng biên tập, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh. Sinh thời ông tiết lộ cho chúng tôi biết: “Trong cuộc đời làm báo ông đã có kỷ lục ít ai có là được sống và làm việc với 9 đời tổng biên tập”. Còn với sự nghiệp thơ thì ông để lại gia tài khá lớn: hàng chục tập thơ; có thể kể như: Trường ca Quảng Bình (1956); Cánh buồm (1976); Gặp nụ cười (1980); Lá mướp lá bàng (1987); Chút mặn mòi (1989); Hoa quê Bác (1991); Tự tình (1991); Giàn thiên lý (1992); Hai con sóng (1995); Nhớ Bác Hồ (2000); Nhớ Bác Hồ (115 bài thơ tứ tuyệt- 2005) và nhiều tập thơ khác nữa. Ông có rất nhiều thơ đăng trên báo chí trung ương và địa phương cả nước. Trong đó có nhiều bài thơ sáng tác về đề tài Bác Hồ. Ông đã từng được bạn đọc yêu mến vinh danh là “Người có nhiều bài thơ nhất về Bác Hồ”.

Chỉ riêng kỷ lục được viết nhiều thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là niềm hạnh phúc lớn lao của cả một đời người. Niềm say mê viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh dường như đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Điều mà đọc giả cả nước luôn kính quý ông. Hơn nửa thế kỷ viết về Bác Hồ và để lại trên 120 bài thơ viết về Bác Hồ. Quả là điều kỳ diệu. Cụ Nguyễn Du từng viết: “Chữ tâm ấy mới bằng ba chữ tài”. Chữa tâm của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh thật nhiều cảm động.Nhờ chữ tâm mà nhà thơ đã chuyển tải đến độc giả nhiều bài thơ có ý nghĩa.


Tập thơ “Nhớ Bác Hồ” của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh.

Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh từng nói: “Có khi đến chết mình mới hết mần thơ về Bác Hồ”. Niềm say mê làm thơ về đề tài Bác Hồ cho ông một nguồn cảm hứng sáng tạo đặc biệt. Có đêm mới 3; 4 giờ sáng ông chợt thức giấc trằn trọc ngồi rồi nảy ra những ý thơ mới. Ông lại vùng dậy lụi cụi ngồi vào bàn ghi lại những vần thơ bớt chợt ấy lên giấy. Khi biết rằng, ông còn làm việc bằng cách viết lên giấy chứ không phải bằng máy vi tính thế mới phục sự kiên trì của ông. Sinh thời nhà thơ Nguyễn Văn Dinh hay có thói quen trải nôống ra phơi thơ mỗi khi trời nắng để bảo quản thơ in giấy khỏi hư hỏng bởi thời gian. Vào phòng tư liệu của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh thì khỏi phải nói: tất cả mọi không gian đều giành cho sách báo và thơ. Thơ và báo để nhiều chồng cao ngất ngưỡng. Sách để trên giường, sách để đầu giường. Chưa đủ. Nhiều bài thơ còn được cắt dán lên tường. Thật đúng là nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã “Cùng ăn, cùng ngủ, cùng nằm với thơ”.

Người con trai của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh kể lại với chúng tôi: “Đối với ba tôi, việc trong nhà ba tôi không quan tâm bằng việc làm thơ về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi qua đời, ba tôi còn lấy hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở bên cạnh. Khi tôi hỏi về tiền tiết kiệm để cất giữ giùm cho ba tôi thì ba tôi nói ý nguyện cuối đời muốn giành tiền tiết kiệm để in nốt 150 bài thơ về Bác Hồ”. Nhưng rồi khi chưa thực hiện được ý nguyện, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã qua đời. Hẳn rồi ước mơ còn dang dở ấy sẽ được con cháu của nhà thơ tiếp tục thực hiện…

Ở nơi chín suối nhà thơ Nguyễn Văn Dinh sẽ rất mãn nguyện vì lúc sinh thời đã tìm được hình tượng thơ là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ông vinh dự có một độc giả nổi tiếng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đọc thơ ông và có nhận xét: “Đọc tập thơ: Nhớ Bác Hồ của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh càng thấy lòng Bác thương dân vô hạn, lòng dân nhớ Bác đời đời. Tôi hoan nghênh tập thơ được xuất bản vào dịp kỷ niệm 115 ngày sinh của Bác”. Phải nhớ rằng, không phải ai cũng làm được nhiều thơ về Bác Hồ. Để làm thơ về Bác phải có tâm hồn nhạy cảm về chính trị, tình cảm trong sáng, cảm xúc sâu sắc mới vươn lên tầm sáng tạo đối với lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Sự thành công của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh khi viết về đề tài này trước hết là tấm lòng chân thực, rất mực kính yêu Bác Hồ. Thơ ông mộc mạc, gần gũi mang đến cho đọc giả niềm yêu kính Bác. Hình tượng Hồ Chí Minh được nhà thơ khắc họa qua nhiều góc độ. Nhà thơ thường thông qua từng sự kiện hoặc kỷ niệm nhỏ trong cuộc sống đời thường liên quan đến cuộc đời Bác để ca ngợi Bác, nêu vấn đề suy nghĩ cho người đọc. Có thể nói, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã đi trước thời gian khi có tầm nhìn xa về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bởi trong mỗi bài thơ có ẩn chứa những lời khuyên rất bổ ích. Chẳng hạn như bài: “Bác dặn trồng cây”:

“Mỗi xuân sang Bác dặn trồng cây

Tết đến Bác nhắc đừng hái lộc

Thương cây cũng như thương người vậy

Ơi lòng Bác tựa trời mây”.

Riêng sự kiện ngày 16-6-1957, ngày Bác vào thăm Quảng Bình được nhà thơ Nguyễn Văn Dinh khai thác đề tài khá nhiều.  Vài chục năm gần đây hầu như năm kỷ niệm chẵn nào Báo Quảng Bình cũng giành hẳn một vị trí đăng thơ trang trọng để đăng thơ của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh viết về Bác Hồ. Những vần thơ đã được bạn đọc đánh giá cao bởi giúp người đọc hiểu hơn về một sự kiện mang ý nghĩa chính trị lớn của một địa phương giàu truyền thống cách mạng:

“Mảnh đất tột cùng Bác trở về Nam
 Đồng Hới nhận phần vinh dự nhất”

Hoặc:   “ Sóng Cảng Nhà Rồng tiễn Bác ra đi
                Sóng Nhật Lệ đón Người về năm ấy
                Hai con sóng qua nửa vòng thế kỷ
                Để nghìn đời lịch sử còn ghi”.
                                                              (Hai con sóng)

Nhiều sự kiện cách mạng, nhiều sự kiện liên quan tới cuộc sống đời thường của Bác được nhà thơ miêu tả thật cụ thể: Nhà Bác; Làng Sen; Về Đồng Tháp; Cây đa Tân Trào; Nhớ miền Nam; Bàn đá; Hơi ấm…

Kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Văn Dinh là kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên của thế hệ hậu sinh chúng tôi. Nhà thơ sống giản dị và hóm hĩnh. Ngày còn bé tôi vẫn thường theo ba tôi lên cơ quan Báo Quảng Bình chơi. Gặp nhà thơ Văn Dinh, tôi thường xưng hô là chú nhà thơ Văn Dinh. Ông cười và nói vui với tôi: “Văn Dinh, Văn Khuyến, Hồng Cần. Ngoài ba ông ấy không ai mần ca dao”. Lớn lên, tôi được vinh dự được làm việc với ông Dinh.

Sau năm 1994, tôi được chuyển vào công tác tại Báo Quảng Bình. Lúc ấy ông còn đương chức với chức danh là Phó Tổng biên tập. Ông để lại cho chúng tôi tấm gương sáng về niềm say mê công việc. Ông làm việc quên cả ngày đêm. Vui nhất là khi có Báo đăng thơ ông. Ông mừng vui mỗi khi cầm tờ báo có đăng thơ. Tôi nhớ có tết, thơ ông được hàng chục tờ báo trung ương và địa phương trong cả nước đăng. Những lúc ấy thấy ông như trẻ lại. Ông khoe với chúng tôi và sẵn sàng chiêu đãi chúng tôi.

Đầu những năm 90, khi còn mới chia tỉnh cuộc sống anh em báo chí còn vất vả, mỗi khi có cánh phóng viên trẻ chia vui bài thơ được đăng báo là ông sẵn sàng san sẻ bằng cách chiêu đãi một chầu “Phở Thái, Lộc Ninh”. Trong cuộc sống đời thường hầu như ông ít làm mếch lòng ai, ông cũng ít giận ai. Ông luôn quan tâm đến lớp trẻ chúng tôi. Ông khuyên lớp trẻ chúng tôi hãy cần kiệm, quý thời gian và biết say mê công việc. Với riêng tôi, một người làm báo muộn màng trong việc lập gia đình, ông có lời khuyên bằng thơ khá hóm hĩnh: “Mai nở trong nhà sao chẳng ngắm?” . Lời khuyên sâu xa của ông là: sao không lập gia đình với một đồng nghiệp cùng cơ quan? Ông chơi chữ vì Mai là một loài hoa và trong cơ quan Báo cũng có người con gái chưa chồng có tên là Mai…

Mọi cán bộ công nhân viên cơ quan Báo Quảng Bình ai cũng trân trọng quý mến ông. Chị văn thư của Báo Quảng Bình bùi ngùi xúc động nhớ lại: “Hiếm có ai say mê nghề nghiệp như chú Dinh. Ngay cả những khi chú bị trọng bệnh thì chú cũng không quên viết thơ, làm báo. Có những hôm trời rét căm căm, chú Dinh vẫn chịu khó vượt mưa gió đến cơ quan Báo để nộp thơ, nhận báo. Thương chú, tôi đã chuyển báo của chú qua con trai của chú”.

Chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Quảng Bình, thế hệ hậu sinh chúng tôi muốn được nghe ông kể lại câu chuyện về ngày đầu tiên bằng những dòng thơ tứ tuyệt, nhưng chỉ còn ít ngày nữa thì ông đã đột ngột đi xa… Chúng tôi xin được xin phép ông, trích câu thơ của ông về sự kiện cùng ngày nhân dịp 48 năm thành lập Báo Quảng Bình:

                                               “Hai bảy tháng ba, ngày Quảng Bình kháng chiến
                                                Cũng là ngày ra báo Quảng Bình
                                                Bốn tám mùa xuân với bao sự kiện
                                                Là biên niên sử của niềm tin”.

Xung quanh sự kiện này ông còn có bài “Đượm nghĩa tình” với nội dung:

                                               “Đọc trên sáu ngàn năm trăm số báo Quảng Bình
                                                Bao tin, bài phong phú mỗi trang in
                                                Tưởng như ôn lại biên niên sử
                                                Hào khí kiên trung đượm nghĩa tình”.

Chúng tôi xin được chép lại những vần thơ trên với tấm lòng kính trọng bậc  lão thành, như một nén hương thắp lên mộ nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Dinh.

Theo báo Quảng Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777