Lối ra cho công nghiệp xi măng?

0
5415

Quảng Bình – Nói về lợi thế nguồn nguyên liệu cho đầu tư phát triển sản xuất xi măng, tỉnh ta rất dồi dào. Bởi vậy, bên cạnh các nhà máy xi măng đã hoàn thành công tác đầu tư và đi vào hoạt động, hiện trên địa bàn tỉnh còn có các dự án khác được Chính phủ quy hoạch và đang triển khai đầu tư với quy mô lớn. Trước thực trạng toàn ngành xi măng đang gặp nhiều bất lợi như hiện nay, việc tìm lối thoát cho sản phẩm công nghiệp được xem là “đột phá” này không chỉ là trách nhiệm của bản thân các doanh nghiệp mà rất cần sự lưu tâm của tỉnh và các cấp, các ngành liên quan.

Bất lợi và nguyên nhân

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên phạm vi điều chỉnh tại một số văn bản chưa sâu rộng, đặc biệt đối với nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng nên các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp.

Theo thống kê của Tổng công ty xi măng Việt Nam tính trên toàn quốc, 6 tháng đầu năm nay sản xuất xi măng giảm trên 16% và tiêu thụ giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2011. Ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành lại tăng 10%. Đến năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 đến 62 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 47-48 triệu tấn, xuất khẩu 7-8 triệu tấn. Như vậy số lượng xi măng dư thừa trong năm nay vẫn còn khoảng 6 triệu tấn.

Về thực trạng công nghiệp xi măng tỉnh ta hiện nay, ngoài các yếu tố giá than tăng 8%, điện tăng 19%, dầu tăng trên 4%… thì khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Hầu hết vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp xi măng đều rất thấp, do đó vốn để sản xuất kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng và thời điểm năm 2011, 2012 và một vài năm tới là đỉnh điểm của giai đoạn trả nợ vốn đầu tư. Một phần do lãi suất ngân hàng tăng lên, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ thay đổi, một phần do việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khó khăn đã làm cho tổng chi phí tài chính chiếm từ 25 đến 30% giá thành sản phẩm.

Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, xây dựng đình trệ, sức mua của nền kinh tế giảm dẫn đến sức tiêu thụ xi măng giảm, giá bán cũng giảm.

“Khắc khoải” duy trì hoạt động

Cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta có 3 nhà máy xi măng đã hoàn thành công tác đầu tư và đi vào hoạt động đó là: Nhà máy xi măng Sông Gianh I (Công ty xi măng Cosevco Sông Gianh) đi vào hoạt động năm 2005, có công suất 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Áng Sơn I (Công ty cổ phần Cosevco 6) có công suất 0,35 triệu tấn/năm, đã đi vào hoạt động đầu năm 2010 nhưng do gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và sự cố về công nghệ thiết bị sản xuất nên hiện nay vẫn đang ngừng sản xuất; Nhà máy xi măng Thắng Lợi (thuộc dự án xi măng Áng Sơn II của Công ty đúc Thắng Lợi) có công suất 0,65 triệu tấn/năm, đi vào hoạt động cuối năm 2011, hiện tại chỉ mới sản xuất klinker và dự kiến sẽ tiến hành đầu tư dây chuyền nghiền xi măng vào đầu năm 2013.


Dây chuyền công nghệ thiết bị sản xuất xi măng Sông Gianh đã được đầu tư khá bài bản.

Riêng đối với Nhà máy xi măng Sông Gianh I, những tháng đầu năm nay, trong điều kiện khó khăn về thị trường, cung vượt cầu, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm xi măng cùng loại, chi phí đầu vào tăng đẩy giá thành sản xuất lên cao, để có thể giữ vững thị trường (chưa nói đến việc mở rộng thị trường) đã là thử thách lớn đối với doanh nghiệp.

Bởi thực tế thị trường xi măng Quảng Bình nói riêng và miền Trung nói chung trong thời gian qua có sự sụt giảm đáng kể. Các thương hiệu xi măng khác (không sản suất ở tỉnh ta) liên tục hạ giá bán bằng các hình thức khuyến mãi lớn để nâng sản lượng tiêu thụ. Mặc dù phải gánh chịu chi phí sửa chữa lớn tăng đột biến, chi phí tài chính quá lớn do mất cân đối về nguồn vốn đầu tư nhưng doanh nghiệp cũng đành phải duy trì tình thế bắt buột đó là thực hiện chính sách hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm này chỉ cho phép nhà máy duy trì nguồn tiền tối thiểu để bảo đảm cho hoạt động sản xuất chứ không đủ để bảo đảm được nguồn tiền tích lũy dùng để trả các khoản nợ vay đầu tư dài hạn.

Theo lãnh đạo của doanh nghiệp, trong năm 2012 đơn vị sẽ thiếu hụt 190 tỷ đồng. Trong trường hợp không có những biện pháp khẩn cấp thì khi khoản nợ dài hạn đến hạn phải trả trong năm nay (56 tỷ đồng từ khoản vay của BIDV và 40 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), doanh nghiệp sẽ đứng trước khả năng khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động bình thường. Mặt khác, do chất lượng nguồn điện cung cấp không ổn định, điện áp hay đột ngột giảm áp nên nhà máy phải dừng lò kỹ thuật nhiều lần (tổng cộng 17 lần trong 4 tháng), đã gây tổn thất rất nhiều về năng lượng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của vật liệu và chất lượng sản phẩm.

Trong những tháng đầu năm, nhà máy phải thường xuyên đối phó với việc có một số hộ dân vào khai thác trái phép tại mỏ đá Tiến Hóa và tình trạng các hộ dân lấn chiếm khu vực mỏ Lèn Na. Tất cả các yếu tố trên luôn tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất xi măng của đơn vị chỉ đạt trên 30% và sản lượng tiêu thụ đạt 28% kế hoạch năm.

Tìm lối thoát cho xi măng

Bên cạnh các nhà máy xi măng đã được đầu tư và hiện nay vẫn đang duy trì hoạt động (hoặc đã từng đi vào hoạt động sau đó ngừng sản xuất), trên địa bàn tỉnh còn có các dự án được Chính phủ quy hoạch, đang triển khai đó là: dự án xi măng Quảng Phúc của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) và dự án xi măng Thanh Trường của Công ty cổ phần COSEVCO 1.

Cho đến thời điểm hiện nay, dự án xi măng Quảng Phúc (công suất 1,8 triệu tấn/năm) cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra, dự kiến đến cuối tháng 6 năm 2013 sẽ hoàn thành các hạng mục công trình và đưa vào sử dụng. Dự án xi măng Thanh Trường là dự án đầu tư chuyển đổi công nghệ nhà máy xi măng lò đứng sang công nghệ lò quay với công suất 0,35 triệu tấn /năm, được quy hoạch theo Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ hiện đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư và dự kiến được khởi công vào cuối năm nay.

Như vậy, theo kế hoạch đến năm 2015 toàn ngành xi măng tỉnh ta sẽ có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, đến năm 2020 là 7,7 triệu tấn/năm (có thêm 2 dự án đã được quy hoạch: xi măng Sông Gianh II với công suất 1,4 triệu tấn/năm và xi măng Trường Thịnh với công suất 1,8 triệu tấn/năm).

Theo lời ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng thì trong thời gian tới, với công suất thiết kế như đã nói ở trên, tỉnh ta được xem là 1 trong những địa phương có nhiều nhà máy xi măng trên cả nước. Mặc dù hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực, hy vọng đem lại nguồn sinh khí mới cho ngành xi măng khi lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm, lĩnh vực bất động sản ấm lên, tuy nhiên chặng đường gian khó vẫn còn dài, đòi hỏi nỗ lực trước hết từ phía các doanh nghiệp. Cùng với việc tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, các doanh nghiệp xi măng nên nghiên cứu để đưa ra sản phẩm mới (như dòng sản phẩm xi măng chuyên dụng hay đa dụng mà một số doanh nghiệp xi măng các tỉnh khác đã cho ra đời và có mức tiêu thụ khá tốt) để tạo lối thoát cho chính mình.

Các sản phẩm mới không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn trong bối cảnh hiện tại, mà người tiêu dùng còn được hưởng lợi bởi dòng sản phẩm mới này có chất lượng tốt, nhưng giá bán lại thấp hơn sản phẩm xi măng cũ từ 15 đến 20%. Mặc dù về dài hạn, việc xuất khẩu xi măng không có lợi nhưng tại thời điểm khó khăn này, xuất khẩu đang mang lại những hiệu quả tích cực, làm giảm áp lực tiêu thụ nội địa, duy trì sản xuất, kinh doanh, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần có sự trao đổi, bàn bạc, hợp tác trong việc xuất khẩu xi măng để các doanh nghiệp tham gia cùng có lợi, tránh tình trạng tự ý hạ giá thành sản phẩm khiến việc xuất khẩu đã ít hiệu quả lại càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng đã đến lúc cần rà soát lại quy hoạch và đầu tư phát triển xi măng theo hướng giảm, hoãn hoặc ngừng hẳn một số dự án xi măng để tránh tình trạng dư thừa như hiện nay. Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh và các cấp, các ngành liên quan cần nghiên cứu và có những chính sách phù hợp thực tiễn hơn.

Ví dụ như: tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng, giảm và giãn thuế VAT ở mức hợp lý, cho phép được chậm nộp thuế từ 3 đến 6 tháng hoặc cho doanh nghiệp vay lại khoản thuế phải nộp, đồng thời giảm lãi suất vay vốn xuống còn 12 đến 14%/năm, bảo đảm về giá than, điện ổn định, có lộ trình cụ thể và rõ ràng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư phát triển chiều sâu cho các dự án tận dụng nhiệt khí thải, các dự án cải tiến công nghệ… vì đây là một trong những mục tiêu được ưu tiên trong phát triển xi măng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.

Theo Baoquangbinh

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777