Quảng Bình – Đóng được những chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi xa, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang là nỗi khao khát của mỗi ngư dân ở Quảng Bình.
Những chiếc thuyền có công suất lớn được ngư dân đóng mới
để vươn khơi bám biển ở Quảng Bình
Ngư dân oằn lưng trả lãi
Chiều bên bờ sông Loan, ngư dân xã Cảnh Dương hối hả mang vác những ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Là địa phương đứng đầu sóng gió, ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10 năm 2013 đã làm hư hại nặng nề nhiều tàu thuyền của ngư dân. Thế nhưng với nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình cùng sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp, đội tàu thuyền đánh bắt khơi xa ở xã Cảnh Dương đã được khôi phục. Bên chiếc thuyền lớn, số hiệu QB33705TS đang neo đậu tại bến sông, còn thơm mùi sơn mới, vợ chồng anh Phạm Thế Hồng và chị Thiệu Thị Thủy, ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cùng nhiều bạn nghề đang hối hả vận chuyển đồ đạc lên thuyền. Anh Hồng chia sẻ: “Ước mơ đóng được chiếc thuyền lớn để ra khơi bám biển dài ngày đã ấp ủ trong tôi từ lâu. Nay, với số tiền tiết kiệm được cùng với vay mượn thêm bạn bè, gia đình, hàng xóm, vợ chồng tôi đã mua được chiếc thuyền về cải hoán lại máy móc, vỏ thuyền để tăng công suất, cùng anh em vươn khơi.
Sau gần 8 tháng sửa chữa, chiếc thuyền đã hoàn thiện, hứa hẹn những chuyến biển được mùa với những khoang cá đầy. Nhưng bên cạnh niềm vui vì sắm được chiếc thuyền to, công suất lớn, thì điều mà anh Hồng băn khoăn, đó là số tiền lãi trả nợ ngân hàng. Anh Hồng cho biết, để có tiền cải hoán con thuyền, anh đã mang 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình lên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh huyện Quảng Trạch để thế chấp vay 300 triệu, với lãi suất 12%/ năm. Ngoài ra, anh còn vay nóng với lãi suất lên tới 3%/ tháng từ các chủ khác. Cụ thể, cứ vay 100 triệu đồng thì hàng tháng, anh phải trả tiền lãi 3 triệu đồng. 8 tháng qua, dù chưa ra khơi đánh bắt, nhưng vợ chồng anh Hồng đã gồng lưng trả lãi hàng chục triệu đồng cho các chủ cho vay.
Dọc theo miền biển Quảng Bình, chúng tôi tới xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), vùng quê có truyền thống đi biển và nghề đóng tàu thuyền. Nhìn những con thuyền đang được hoàn thành mới thấy được nghề biển phát triển mạnh ở vùng quê này. Chị Nguyễn Thị Chỏng, ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch cho biết: “Bựa ni, làm nghề biển thì phải có thuyền to để vừa đánh bắt được nhiều tôm cá, vừa bảo về chủ quyền lãnh hải của quê hương. Tui đang cố gắng đóng cho thằng con trai út chiếc thuyền có công suất 600CV khoảng 3 tỷ đồng, để nó cùng anh em vươn khơi”. Nhưng bên cạnh niềm vui của chiếc thuyền sắp hạ thủy cũng là nỗi lo chi trả tiền lãi đang thường trực trên vai chị Chỏng. “Thuyền chưa hạ thủy mà tui đã trả hơn 50 triệu tiền lãi, chú ạ”, gương mặt chị thoáng vẻ trầm ngâm.
Sát cánh cùng ngư dân
Có lẽ, để có những chiếc thuyền công suất lớn vươn khơi bám biển với trị giá hàng tỷ đồng, ngư dân Quảng Bình đang tự nỗ lực xoay xở nguồn vốn, bởi số tiền vay được từ Ngân hàng còn quá ít, khoảng từ 200 triệu đến 500 triệu. Trong khi đó, để đóng mới một chiếc thuyền công suất lớn cần số tiền lên tới 2 tỷ, 3 tỷ đồng, do đó bắt buộc ngư dân phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao.
Cũng giống như chị Chỏng, chị Nguyễn Thị Vui, ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc cũng khát khao được vay vốn 1 tỷ đồng để cùng với số tiền mà gia đình chị tích cóp được đóng chiếc thuyền công suất lớn cho 4 cha con vươn khơi. Những theo chị Vui, đi vay vốn ở Ngân hàng hiện đang còn khó khăn, bởi tâm lý “cho ngư dân vay nhiều, biết khi mô thu hồi được vốn” nên các Ngân hàng thường e ngại, chị Vui than thở.
Cần tiền để đóng chiếc thuyền lớn nên chị Vui đã cầm cả sổ đỏ lên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy để thế chấp vay vốn nhưng khi làm thủ tục, Ngân hàng chỉ cho chị vay 100 triệu đồng.
Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, với lòng yêu biển, bám biển để phát triển sản xuất, từ cuối năm 2013 đến nay, ngư dân Đức Trạch đã hạ thủy được 19 chiếc thuyền có công suất lớn, từ 300CV trở lên để vươn khơi. Vừa qua, để động viên ngư dân, chính quyền huyện Bố Trạch đã quan tâm, hỗ trợ mỗi thuyền đóng mới 10 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách hỗ trợ đối với tàu đóng mới có công suất từ 500CV trở lên, mỗi tàu 50 triệu đồng.
Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi, thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã sát cánh cùng ngư dân bám biển vươn khơi. Hiện toàn tỉnh có trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ, trong năm 2014 này, ngư dân Quảng Bình đóng mới 4 tàu bằng vỏ thép, trong đó có 1 tàu dịch vụ thủy sản.
Xuân Thi (Bao Đại đoàn kết)