Người Mày – Bài 2: Những chiến binh núi Ku Lôông

0
1698

Văn hóa Quảng Bình – Trong suy nghĩ của người Mày, họ là những chiến binh dũng mãnh nhận lãnh nhiệm vụ ngăn chặn xâm lấn và bảo vệ nguồn nước.

Chính đạo chia nước và cuộc sống không tư hữu của họ khiến các tộc người anh em phải ngưỡng mộ.

Chuyện kể rằng thời thượng cổ, người Mày và anh em khác ở bóng núi Giăng Màn thường bị các tộc người lạ vây đánh. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh đuổi người Mày, người Khùa… chạy từ núi này sang núi nọ. Một hôm, thần núi Ku Lôông báo mộng, bày cách cho người Mày chống lại những bộ tộc xâm chiếm. Thần phán muốn thắng giặc thì phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, biến nó thành pháo đài để chiến đấu. “Thần còn chỉ cho chúng tôi cái cây có chất độc, cách làm ná, cung tên tẩm độc, cách lấy ong rừng đánh đuổi kẻ thù, đặc biệt là kỹ thuật bẫy lao, bẫy chông ba khía. Từ đó, người Mày đã đứng lên đánh bại kẻ thù, trở thành chiến binh vĩ đại của những bản làng khác nên đặc ân ở trên ngọn đồi hùng vĩ, cao nhất” – già làng Hồ Xếp kể.

Đạo chia nước

Người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Họ ý thức rất rõ thứ tài nguyên vi diệu này đối với cuộc sống, không chỉ của họ mà còn với những tộc người anh em ở phía dưới nguồn.

Đêm, bên bếp lửa nhà sàn, già làng Hồ Xếp ngồi nghiêm trang kể chuyện cho lũ làng nghe cách tổ tiên bảo vệ nguồn nước như thế nào. “Khi đánh đuổi những bộ tộc xâm lấn, các nguồn nước bị làm phép cho cạn kiệt, trời cũng chẳng cho mưa về. Còn lại cái giếng nước vuông và cái giếng nước tròn của Ku Téc (thần đất), nơi đó cũng là nơi lãnh vực biên ải của người Mày. Vì vậy, người Mày cố công bảo vệ. Bao lần kẻ thua cuộc dã tâm bỏ thuốc độc nhưng không thể tiếp cận cái nước của thần Ku Téc bởi sự thiện chiến của chiến binh Mày. Bảo vệ được nguồn nước, người Mày cầu thần Ku Lôông cho được trời mưa, giải khỏi lời nguyền xấu, nước ở trời men theo tường vách dựng đứng của hệ núi Giăng Màn tưới mát cho tất cả anh em Mày, Sách, Khùa, Rục… và cả người Kinh dưới xuôi của dòng sông Gianh…” – giọng già làng Hồ Xếp lầm rầm.

Bởi vậy, địa thế của người Mày ở bản mới có được hai nguồn nước như chảy xuống từ trời, một ngọn Hong Tà Râu, một nguồn Hong Pà Ài, rì rào chảy qua nương rẫy, đổ xuống dòng Rào Nậy để nuôi nấng các bản làng phía dưới. Già làng Hồ Xếp nói: “Nước không dành riêng cho người Mày mà dành cho những anh em khác nữa, chiếm nguồn nước là điều không thể ác hơn”.

Người Mày cuối năm thường có lễ chia nước ngọt hứng từ mái nhà sàn hoặc lấy ở nguồn nước suối. Lễ chia nước cho các gia đình trong bản đều do người có trọng vọng (già làng, trưởng bản) chia, mỗi nhà chừng một lít nước. Đó là cách họ muốn ẩn ý sự chia sẻ tài nguyên tự nhiên để bảo tồn cuộc sống. Có nước, người Mày mới nhớ đến nhau và nhớ đến những người anh em láng giềng khác.

Cùng với lãnh nhiệm bảo vệ nguồn nước, đạo chia nước của người Mày khiến những tộc người anh em kính trọng, nể vì. Nước như một vị thần bản thể đi ra từ ý thức của họ, không có nước thì không có sự sống, không có sự tồn tại.


“Chiến binh” tương lai và “chiến binh” hiện tại người Mày. Ảnh: MINH QUÊ

Chia thịt mùa săn

Cứ vào tháng 7 mùa mưa rừng, người đàn ông Mày chuẩn bị ná, tên độc từ một loại cây họ sung mọc bên suối có nhựa cực độc. Vào lễ săn, già làng cúng mở cửa bản, hòn đá thiêng của bản đặt bên gốc cây khô, quanh bản có một cửa ra được gọi là cửa lên trời. Những cây lồ ô được rút ra, mỗi thợ săn được mời bước qua đó và dùng máu gà sống bôi lên trán, chỉ dấu về hùng mạnh của các chiến binh người Mày năm xưa.

Những chuyến đi săn của người Mày thường kéo dài từ một tuần đến cả tháng. Lương thực họ mang đi chỉ là ít bắp ngô và sắn, còn gạo thì phải nhường cho trẻ em, phụ nữ và người già. Già Hồ Xếp nói: “Không bới gạo đi cũng là chứng tỏ bản lĩnh của con trai Mày dẻo dai như cây rừng”.

Họ đi vào rừng và phân công tốp săn một cách thông minh. nếu dùng bẫy họ đi theo dấu vết của thú rừng, phát hiện đường đi, họ sẽ làm một cái bẫy cạnh nơi có nước, thú đến đó sẽ mắc bẫy. Nếu là săn bằng ná và tên độc, họ thường có người tiền trạm đi trước, phát hiện có thú, một tiếng huýt như tiếng chim ưng được phát ra, cả nhóm bủa thành hình vòng cung và xả tên vào con thú. Chưa bao giờ người Mày đi săn trở về tay không.

Một con heo rừng, con nai, con mang hay bất cứ loài thú nào bắt được, người Mày đều chia cho tất cả thành viên trong bản. Ngoài phần thịt như mọi người, người đầu tiên phát hiện con thú được chia thêm cái đầu – biểu tượng của một chiến binh, một thợ săn thiện nghệ.

Tôi được trưởng bản Hồ Khiên dẫn đi săn thú. Một ngày quần rừng trời mưa, những động loạn khiến mọi con vật lẩn trốn. Tưởng phải tay không ra về nhưng cuối buổi, trưởng bản Hồ Khiên cũng bắt được một con rắn to và một chú thỏ rừng. Ông không vội đưa chiến lợi phẩm về nhà mà kính cẩn mang đến nhà già làng Hồ Xếp để vị già làng phân chia. Số thịt làm ra không nhiều, già Xếp nói chỉ phân cho một số nhà khó khăn và gia đình Hồ Khiên. Riêng tôi được già phân cho một miếng thịt thỏ và một khúc thịt rắn, bởi tôi có công đi với Hồ Khiên, đồng thời là vị khách đặc biệt của bản.

Con thú có bầy, con chim có đàn

Bạn có hình dung nổi không, ngay trong thế kỷ 21 này, vẫn còn có nơi sau mùa rẫy, người ta thu hoạch lúa, ngô, khoai sắn xong bỏ vào cái lán trên nương. Ở đó, dòng họ, anh em đều được phép mang về nhà ăn, ai đói cũng có quyền nói với trưởng tộc hoặc già làng rồi xin chủ nhân được ra lán lấy ít lương thực về ăn. Anh em Mày chia nhau miếng ăn như chia nhau những câu chuyện kể về nguồn gốc của tộc người mình.

Già làng Hồ Xếp nói: “Cái người Mày nhà này có mà người Mày nhà khác không có thì phải cho nhau, vì có khi mình không có thì người khác cho. Người Mày mỗi bản vài nóc nhà, không cưu mang nhau để sống bền với rừng thì thua con thú, con chim – chúng sống còn có bầy, có đàn, huống chi người Mày mình, chẳng lẽ không hơn con chim, con thú!”.

Với người Mày, nhà cửa là cái chỉ để ở, để che mưa che nắng cho các thành viên trong gia đình, không cần thiết phải nhà to, thang rộng, nhà này phải hoành tráng hơn nhà kia. Cho nên nhà cũ của họ (khi chưa được bộ đội biên phòng Quảng Bình chuyển đến quả đồi Mơ Leng hùng vĩ như tổ chim đại bàng) nó đơn sơ, giản dị đến cùng cực. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng giúp dựng nhà mới, họ mới nghe kể về sự trọng đại của việc làm nhà trong đời, như lễ trưởng thành của người Mày trở thành chiến binh của bản.

Người Mày cũng biết chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng mới chỉ dừng lại ở vài con gà, con heo, con chó. Và có lẽ đó cũng là một trong những thứ họ tư hữu đầu tiên trong ý thức của mình bên cạnh những vật dụng đơn sơ nhất trong mỗi gia đình.

Lễ trưởng thành

Tuổi trưởng thành của con trai người Mày được đánh dấu bằng một nghi lễ đơn sơ nhưng cũng đầy thách thức đối với những “chiến binh” tương lai của bản. Đến ngày lành tháng tốt, con trai phải vào rừng lấy mật, phải đi bằng chân trần, tay không mang gì, lưng chỉ đeo một A Chăng (cái gùi lót lá cọ khô – NV) để đựng tổ ong. Tìm được tổ ong, con trai Mày dùng khói, hun gốc cây, lấy lá cọ kết lại, làm mặt nạ quanh mặt và quanh thân để tránh ong đốt. Lấy được mật, họ phải đưa về trình già làng để già làng chia đều cho cả bản. Khi ấy, bản làng mới công nhận đứa con trai ấy đã trưởng thành.

Trong nếp nhà của người Mày đều thờ cúng vị thần tổ Giang Bra, thần của các vị thần. Bản người Mày không lập miếu thờ chung mà chọn một nơi cao ráo, sạch sẽ để hành lễ. Khi có lễ, già làng đưa đến ba cây gỗ, cắm kiểu chân kiềng, trên đó sắp mâm cúng gồm gà luộc, cá suối và thuốc rừng, mời thần Giang Bra, thần Ku Lôông về dùng cùng dân bản rồi phù hộ cho bản bình yên, nương rẫy tốt tươi, săn bắn được nhiều chim thú.

Theo MINH QUÊ – Baophapluat

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777