Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 1)

0
3437
ho khoan le thuy, tin tuc le thuy, quang binh

Văn hóa Quảng Bình – Từ trước đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu về dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên. Qua đó mà nghiên cứu, giới thiệu về hò, một loại thể dân ca rất đặc sắc và phổ biến ở miền Trung. Những công trình quy mô có thể kể đến “Dân ca Bình Trị Thiên” do Trần Việt Ngữ, Thành Duy sưu tầm, biên soạn, được Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 1967. “Hò khoan Lệ Thủy” (tập 1,2) do Trung tâm văn hóa thông tin Lệ Thủy sưu tầm, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình ấn hành vào năm 1997 và 2001. Rải rác trong một số sách nghiên cứu, sưu tầm của một số tác giả như Nguyễn Tú với “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình”, Lê Văn Khuyên với “Lệ Thủy quê hương tôi”… cũng có giới thiệu về hò khoan. Có thể nói rằng đó là những vốn quý rất phong phú cho những ai muốn tìm hiểu về hò khoan. Tuy nhiên, ở những công trình nói trên cũng còn một số hạn chế. Do đối tượng nghiên cứu là dân ca nói chung (bao gồm cả hò, hát ru, ca huế và đồng dao), phạm vi nghiên cứu bao trùm cả ba tỉnh Bình – Trị – Thiên, nên “Dân ca Bình Trị Thiên” chưa đi sâu về hò khoan Lệ Thủy. Còn hai tập “Hò khoan Lệ Thủy” có sự phong phú về nội dung sưu tầm nhưng các câu hò sưu tầm được còn có nhiều sai sót về lời, sắp xếp nội dung chưa khoa học, chưa giới thiệu được diện mạo của hò khoan để bạn đọc xa gần hiểu về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của hò khoan Lệ Thủy. Ở một số tác giả khác thì còn rất sơ lược.

ho khoan le thuy, tin tuc le thuy, quang binh
Hò khoan Lệ Thủy

Chúng ta đều biết, qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt di cư đi mở đất khắp nơi đã mang theo văn hoá quê mình. Đến nơi mới, hội nhập với văn hóa bản địa, nó được sáng tạo thêm, khác đi một ít, để tạo ra cái mới. Vì vậy, điệu hò như những cánh cò của đồng quê vươn đi khắp nơi. Đâu đâu cũng có hò, bởi nó là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống, lao động của nhân dân. Chẳng hạn, chỉ riêng hò sông nước thôi đã có hò Sông Mã ở Thanh Hóa, hò khoan ở Quảng Bình, mái nhì ở Huế, hò đò ở Quảng Ngãi, Phú Yên, hò Tháp Mười…

Hò là một loại hình văn hóa dân gian. Mà đã dân gian thì không gian tồn tại của nó rất rộng. Rất khó để trả lời đất tổ của hò là ở đâu? Cũng như ít ai có thể rạch ròi được Chèo, Quan họ, Xoan, ghẹo, Ví, Dặm, Lý… có từ bao giờ và ở đâu là đất tổ của nó. Nhiều lắm thì chỉ nói đến tính phổ biến ở nơi nào đó. Ngay cả cái tên gọi của nó cũng rất khó giải nghĩa. Vì sao gọi là Chèo, là Quan họ, là hát Dặm, là Hò khoan… Chỉ có thể nói rằng tên gọi của nó được dân gian mặc định thế. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cố giải thích rằng nó là từ nói trại đi của từ gì đó ở địa phương, từ cổ. Nhưng cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi, không khẳng định được. Nếu cứ đi theo cách duy danh, định nghĩa như vậy với văn hóa dân gian thì e không thể đến hồi kết. Vậy nên, chúng ta cứ tạm chấp nhận Hò Khoan là một danh từ riêng chỉ một thể loại hò của Miền Trung mà phổ biến là ở Lệ Thủy.

Tuy vậy, qua khảo sát, nghiên cứu người ta vẫn có thể khoanh vùng được những loại hình nghệ thuật dân gian nổi lên ở từng nơi. Trong đó có thể nói hò khoan xuất hiện rất đậm đặc, phổ biến ở Lệ Thủy. Hay nói cách khác, Lệ Thủy là cái nôi của hò khoan. Tương tự như Nghệ Tĩnh là cái nôi của hát ví, dặm. Huế là cái nôi của các điệu lý. Quảng Trị là cái nôi của trống quân. Quảng Nam là cái nôi của bài chòi.
Để chỉ ra sự khác nhau, hay tính khu biệt của hò thì cách chủ yếu là nghiên cứu khía cạnh âm nhạc của nó. Mà đã nói đến âm nhạc là nói đến thang âm, giai điệu, quy tắc diễn xướng… Những cái đó được hình thành, quy định chủ yếu bởi môi trường sinh hoạt, lao động của người bản xứ. Nói vậy bởi, khi sưu tầm lời ca ta có thể bắt gặp một lời ca mà có ở khắp ba miền, thậm chí có ở khắp trong các loại hình dân ca. Nhưng lời ca đó được cấu trúc thành những bài hò theo những thang âm, giai điệu khác nhau tạo thành điệu hò cho từng vùng.
Vì vậy, tôi cũng không mong rằng có thể định nghĩa được hò khoan Lệ Thủy là thế nào, nội dung của nó ra sao, mà chỉ đưa ra một số khái niệm có tính hệ thống về một số khía cạnh nghiên cứu sau đây, với mục đích mô tả một cách cụ thể hơn về hò khoan Lệ Thủy, góp phần bảo tồn giá trị quý báu văn hóa của một vùng quê.

1. MẤY NÉT VỀ LỆ THỦY, MÔI TRƯỜNG HÌNH THÀNH HÒ KHOAN.
   Lệ Thủy, dải đất hẹp nhất của đoạn thắt Quảng Bình kéo dài chỉ có 40 km, từ phía bắc tiếp giáp với  các xã của huyện Quảng Ninh đến các xã phía nam tiếp giáp với huyện Bến Hải, Quảng Trị. Trên đoạn ngắn khiêm tốn đó, Lệ Thủy có thế đất chia làm ba vùng rõ rệt, vùng núi ở phía Tây, giáp giới với Lào. Vùng biển ở phía Đông với dãy đồi cát trắng vượt cao lên, ngăn cách biển với đồng bằng. Vùng đồng trũng ở giữa, mênh mông, chằng chịt sông ngòi, đầm phá. Một vùng đất màu mỡ hiếm có ở miền Trung “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Dải đất đó có lịch sử hình thành, phát triển vô cùng khắc nghiệt. Đất và người ở đây đã được hun đúc trong đấu tranh sinh tồn với chiến tranh, bão lụt, gió lào bỏng cháy suốt mấy nghìn năm chưa bao giờ yên. Sân khấu cuộc đời đó đã tạo nên hơi thở của dân ca man mác buồn đau.  
Văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng có xuất xứ từ trong cuộc sống của con người. Giai thoại dân gian, ca dao hò vè đã xuất hiện từ khi chưa có chữ viết. Nó được sáng tác, trau chuốt, làm phong phú thêm thông qua truyền khẩu. Vì vậy, nó mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Nết ăn, nếp ở, khẩu khí, tính cách, sở trường, sở đoản ra sao đều để lại dấu ấn trong văn học dân gian. Hò khoan Lệ Thủy cũng vậy, nó mang dấu ấn văn hóa lịch sử của vùng đất này. Để hiểu rõ hò khoan thì cần hiểu rõ lịch sử văn hoá vùng đất đã sản sinh ra nó. Có thể khái quát ở mấy điểm về môi trường tự nhiên, xã hội của hò khoan Lệ Thủy như sau:

Đặng Ngọc Tuân – Quảng Bình Today

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777