Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 8)

0
3040
ho khoan le thuy, quang binh, van hoa quang binh

Hò khoan Lệ Thủy – Quảng Bình đã đi sâu vào tiềm thức của những người con Lệ Thủy. Hò khoan Lệ Thủy có các điệu hò khác nhau

Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 7)

C)  Hò bài chòi
Bài chòi còn gọi là “bài tới”. Gọi là “Bài chòi” vì khi chơi người ta ngồi trên chòi cao, còn gọi là “tới” bởi vì, khi kết thúc ván người chơi hô “tới, tới”, nôm na là vậy. Bài chòi không chỉ có ở Lệ Thủy mà nó có mặt ở cả Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên cách gọi tên, nội dung câu hò để chỉ tên quân bài, cách diễn trò ở mỗi vùng có khác nhau, gắn với đặc điểm sinh hoạt, phong tục từng nơi. Chẳng hạn, bài chòi ở Quảng Nam chỉ dùng  9 chòi và có 2 cách chơi. Một cách là “hô bài chòi” với việc xướng tên các quân bài, và một cách là hát bài chòi, hát bội mang tính sân khấu được phát triển từ các “chiếu chòi”. Bài chòi ở Huế gần với cách chơi ở Lệ Thủy nhưng nó mang tính cung đình hơn. Ngay trong cách gọi tên quân bài cũng có những khác biệt. Bộ bài của bài chòi Quảng Nam có con “Cột nọc, Cửu chùa, con Mắt, con Thất”, nhưng trong bộ bài của Lệ Thủy không có. Tuy cùng được lấy ra từ bộ bài Tam cúc 30 quân và chia làm 3 pho: Văn, Vạn, Sách nhưng cách gọi của bài chòi Huế thường ghép nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục… với tên pho con bài. Còn cách gọi con bài ở Lệ Thủy mang tính dân giã, chủ yếu là gọi thẳng tên con bài ra như: con xe, con gối, con gà, con gióng, nọc đượn…
Bài chòi thường diễn ra vào những dịp lễ hội hoặc tết âm lịch nên từ cái cách trang trí chòi cũng rất tươi vui, cờ hoa, lồng đèn, kết lá làm cửa, treo rèm vẽ tranh xuân hạ thu đông hoặc mô tả các điển tích. Có cả phường nhạc kèn, trống, sáo, nhị réo rắt. Do vào dịp lễ hội, du xuân nên nhiều khi cả nhà cùng mua một chòi ngồi chơi. Người lớn, trẻ con người cầm bài, người gõ mõ, đốt pháo, phất cờ rất nhộn nhịp. Nếu may mắn được nhiều ván thưởng cờ xéo, cờ vuông thì vô cùng hoan hỉ vì khởi đầu nhiều tài lộc.
Hội bài chòi có sân chơi với những quy ước cụ thể. Về cách bài trí, trong sân chơi (thường là đình làng hoặc bãi đất trống) người ta dựng 11 cái chòi chia làm hai dãy đối diện nhau, mỗi bên 5 chòi, chính giữa hai dãy chòi phía khán đài là một chòi cái cho người chủ trò. Các chòi được dựng bằng gỗ hoặc bằng tre, cao chừng mét rưỡi, có thang để người chơi lên xuống. Chòi được lợp bằng mái lá, hoặc cỏ gianh, có rèm che tứ bề, được trang trí cờ, hoa, câu đối sặc sỡ. Trước mỗi chòi có treo tên chòi theo quy ước thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kĩ, canh, tân, nhâm, quý). Sở dĩ người ta không chọn hàng chi để ghi tên chòi bởi chỉ có 10 chòi. Hơn nữa, đầu năm chơi xuân mà ngồi phải cái chòi không phải tuổi của mình (trong hàng chi) thì cũng không hào hứng.
Về cách chơi, trước tiên người chủ trò sai người giúp việc (còn gọi là người chạy cờ, có nơi không có người chủ trò mà chỉ có “anh hiệu”) chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con (quân bài được dán vào một cái thẻ tre). Sau đó, người chủ trò xướng một câu hò vào cuộc rồi rút một quân bài của bộ thứ hai được đặt trong một cái ống tre cao quá đầu người trước chòi cái. Xem quân bài và hò lên bài hò có nội dung mô tả tên con bài. Nếu chòi nào có con bài đã được chia trùng tên với con bài của chủ trò thì gõ lên ba tiếng mõ. Người chạy cờ sẽ mang đến cho chòi ấy một lá cờ xéo cầm tay. Chòi nào được 3 cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài, rồi hô “tới”, vậy là xong một ván. Nhạc tấu lên, người ta hò chúc mừng. Người chạy cờ đội mâm, trên có phần thưởng, đến dâng lên cho chòi được giải. Một hội chơi có 8 ván. Ai tới một ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy một cờ vuông. Nếu trúng ba cờ vuông liên tục thì được một phần thưởng đặc biệt. Lúc ấy người ta reo hò, đốt pháo, khua chiêng, gióng trống, nổi kèn in ỏi.

ho khoan le thuy, quang binh, van hoa quang binh
Hò Khoan Lệ Thủy – Quảng Bình

Bài chòi ở Lệ Thủy là một trò chơi mang tính văn hóa sâu sắc. Bởi khác với bài chòi ở các vùng khác “anh hiệu” hô tên quân bài bằng một câu văn vần, hoặc hát lên một trong bốn làn điệu: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hồ quảng, thì ở Lệ Thủy người ta dùng năm mái hò khoan. Chính yếu tố này đã biến bài chòi thành trò vừa chơi vừa diễn, một lối diễn xướng mang tính quần chúng rất hay và thu hút. Khi xướng tên quân bài, người cầm cái hò lên những câu lục bát, hoặc song thất lục bát với giai điệu của một mái hò khoan. Người chơi ở các chòi xố theo, cả đám đông xem trò cũng xố rất rộn ràng. Có nơi tổ chức hẳn một dàn nhạc với trống, phách, nhị, sáo phụ họa cho các nghệ nhân hò khoan. Người ta đến với trò chơi là để thi thố giọng hò, thưởng thức giọng hò của các “cao thủ” nghệ nhân, để đế xố, phụ họa cho xôm trò. Rồi thì xen vào giữa các ván là các câu hò khoan do các nghệ nhân, các tay hò tung hứng, đối đáp, người xem thì xố, đế, trống điểm tán thưởng. Đôi khi hứng khởi người ta tung tiền ra thưởng. Hội bài chòi trở thành hội diễn, hội xố náo nhiệt.

Chơi bài chòi là trò chơi có thưởng, nhưng cách thưởng cũng rất văn hóa. Phần thưởng có thể là tiền, mà tiền ấy được những người chơi bỏ ra mua chòi thử vận may hoặc do những người cổ vũ thưởng vì hò hay… Ngoài tiền thưởng người ta còn thưởng câu đối, hoành phi hoặc chữ chúc phúc, lộc, thọ của các thầy đồ. Cái cách thưởng cũng rất đặc biệt. Tiền thì cho vào phong bao giấy hồng, cho lên một cái mâm đồng, đậy khăn điều, đội lên đầu. Ban nhạc chơi một khúc chúc mừng kèm theo một vài câu hát, lời hò chúc tụng vui vẻ. Đôi khi người thắng cuộc còn cao hứng đốt một bánh pháo ran ran.
Bài chòi rất thu hút dân quê. Chẳng cần chữ nghĩa, dân quê có nhiều cách để truyền cảm hứng cho người chơi, tìm cách duy trì nó qua truyền khẩu. Vậy nên, cách gọi tên quân bài cũng rất độc đáo, chân quê. 30 quân bài có những tên gọi nôm na: Nhứt trò;  Thái tử; Trạng hai; Trạng ba, Ông Âm; Con Xe; Con Gối; Bát bồng; Con Gà; Sáu dây; Tám dây; Sáu tiền; Tám tiền: Nhứt Nọc; Lá liễu; Bạch tuyết; Cửu sại; Con Đấu; Con quăng; Nhọn mõ; Lục chuôm; Thẳng cẳng; Đỏ mỏ;  Con giống; Con sưa; Con Dày; Con nghèo; Con Rún; Con voi; Ngủ trưa. Những ông ầm, con quăng, đỏ mỏ, con sưa, thẳng cẳng, con rún, ngủ trưa… vừa nôm na vừa địa phương mà đôi khi không phải là người Lệ Thủy thì không hiểu nổi.

Ở Lệ Thủy có một số tụ điểm hò bài chòi đã trở thành địa danh như Lộc An, Cổ Liễu, Đại Phong, Quảng Cư…Mỗi tụ điểm ấy xuất hiện một số nghệ nhân nức tiếng hò hay, đối đáp giỏi. Ngày xuân, lễ hội có thêm một sân chơi bài chòi thì đời sống văn hóa nông thôn càng thêm tươi vui.
2.2  Nhạc cụ cho hò khoan
Chỉ có trong các buổi diễn, thi thì mới dùng đến Nhị, Hồ, Sáo, Trống, Sanh… (bộ dây và bộ gõ của dân ca) còn thông thường, nhạc cụ cho hò khoan chỉ là những thứ đơn giản, gắn với công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, không có gì cả thì vỗ tay bắt nhịp… những thứ gì có thể tạo ra âm thanh cho “rập ràng” là được. Có một số thứ “nhạc cụ” rất độc đáo thường được người hò dùng đến một cách ngẫu hứng. Ví như, cặp chén uống trà, thứ vật dụng có sẵn trong các buổi giao lưu. Âm thanh lanh canh, lách cách của nó thật riêng biệt. Khi rung lên nó vang vang xao động khán trường, kích thích sự hứng khởi. Ví như, cái chày giã gạo, bạn hò dùng nó khắc nhịp, mỗi khi nhấc chày lên là gõ nhẹ xuống tang cối. Giã chày đôi thì nhịp gõ khoan thai người hò dùng làn điệu mái ruổi, mái ba.

Khi chày tư, nhịp chày dồn dập, tiết tấu nhanh, người ta dùng mái xấp, mái chè. Những đêm trăng sáng mở hội hò khoan, đứng bên này sông Kiến Giang vần nghe tiếng chày rập ràng vọng lại từ bên kia sông. Nó cuốn hút đến nỗi, không có đò ngang thì cởi áo bơi qua sông để dự cuộc hò. Người Lệ Thủy trước đây mỗi khi làm nền nhà, làm sân phơi bằng đất thường trộn thứ đất dẻo rải lên rồi dùng một đoạn gỗ được đẽo thành hình như con vịt, gọi là cái “bê” để vỗ mặt đất cho chặt, cho phẳng. Mỗi lần như vậy họ cũng lấy nhịp “bê” đất rập ràng cầm nhịp cho hò khoan. Có ai ngờ rằng khi chèo thuyền mà gặp cuộc hò khoan, người chèo thuyền lấy bàn chân dẫm mạnh xuống thuyền tạo thứ âm thanh như tiếng trống đùng đục, dùng mái chèo vỗ xuống nước mỗi khi bập chèo xuống bùm, bùm để làm nhịp đệm.

Đến cả khi chôn cất người chết, đám âm công trong bộ đồng phục xanh, tay cầm dùi đầm đất, cất bước đi vòng quanh mộ, nhấc lên, nện xuống nhịp chày rập ràng tạo nhịp cho hò khoan. Tất cả, tất cả những gì là công cụ lao động đều trở thành “nhạc cụ” cho hò khoan. Cái độc đáo của hò khoan là chỗ đó. Nó là thứ sinh hoạt văn hóa của người lao động, gắn với lao động.

Bác Đặng Ngọc Tuân – Quảng Bình Today

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777