Doanh nghiệp Quảng Bình – Theo chị Nguyễn Thị Luyến ở thôn Bến, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), Công ty Long Giang Thịnh đến ký hợp đồng và cho giống sản xuất, sau đó cả làng đều trồng dong riềng, năm đầu tiên họ thu mua một ít, còn bà con lại cất giống để trồng diện tích nhiều hơn. Nhưng giờ chẳng thấy công ty đến mua nên người dân phải đào vứt hết. Đất chật, người đông lẽ ra trồng các loại khác để thu hoạch, nhưng nghe lời công ty nên bà con thêm khốn khó.
Năm 2007, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh thành lập, sau đó công ty này xây dựng thêm công ty con là Nhà máy Tinh bột Long Giang để chế biến tinh bột dong riềng (Công ty Dong riềng) ở Quảng Bình. Vì dong riềng là sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, nên UBND tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện cho Công ty Dong riềng hoạt động như cho vay vốn ưu đãi phát triển; quy hoạch vùng nguyên liệu; cấp đất xây dựng nhà máy… Hàng ngàn hộ dân ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ hồ hởi bắt tay trồng dong riềng với ước mơ giản dị: xoá nghèo nhờ dong riềng. Nhưng, hiện người dân đang điêu đứng vì dong riềng.
Nẫu ruột vì dong riềng
Để tạo điều kiện cho Công ty Dong riềng hoạt động, tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch hơn 500 ha vùng nguyên liệu. Người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh chắt chiu từng khoảnh đất để trồng dong riềng. Chị Nguyễn Thị Luyến ở thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh rầu rĩ bên đống dong riềng vừa đào bỏ than thở: “Công ty đến ký hợp đồng và cho giống sản xuất, sau đó cả làng đều trồng dong riềng, năm đầu tiên họ thu mua một ít, còn bà con lại cất giống để trồng diện tích nhiều hơn. Nhưng giờ chẳng thấy công ty đến mua nên người dân phải đào vứt hết. Đất chật, người đông lẽ ra trồng các loại khác để thu hoạch, nhưng nghe lời công ty nên bà con thêm khốn khó”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Vạn Ninh, ông Lý Nguyên Trọng cho rằng, khi nghe công ty hứa thu mua hết, xã đã vận động bà con trồng dong riềng, giờ người dân hỏi xã cũng chẳng biết trả lời ra sao cho hợp lý. Chỉ riêng xã Vạn Ninh đã trồng 5-6 ha dong riềng, khi bà con trồng dong riềng lãnh đạo công ty luôn nói chỉ lo thiếu nguyên liệu, giờ bà con thu hoạch lại chẳng thu mua.
Ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch của tỉnh
Trước những câu hỏi chính đáng của bà con nông dân, chúng tôi tìm đến gặp lãnh đạo Công ty Dong riềng. Ông Lê Văn Khoa – Giám đốc nhà máy một mực cho rằng: Công ty vẫn thiếu nguyên liệu nên chuyển qua chế biến tinh bột sắn. Cả sân công ty chất đầy sắn. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, xuất phát của nhà máy là để sản xuất tinh bột dong riềng, nhưng giờ đây thấy chế biến tinh bột sắn dễ thu lợi nhuận hơn nên Công ty Dong riềng đã làm ăn theo kiểu chụp giật chuyển qua chế biến tinh bột sắn. Người dân địa phương đã nhiều lần chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc nhà máy gây ô nhiễm. Được biết, mặc dù đã đi vào sản xuất, nhưng nhà máy này không hề đánh giá tác động những ô nhiễm gây ra với môi trường. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện Quảng Ninh và Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Bình đã kiểm tra, lập biên bản và đề nghị báo cáo giám sát môi trường, nhưng đến nay nhà máy vẫn phớt lờ.
Ông Phan Xuân Hào – Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho rằng: Ngoài việc đánh giá tác động môi trường, khi đi vào sản xuất, Công ty Dong riềng phải làm hậu DTM (báo cáo giám sát môi trường), Chi cục đã yêu cầu nhưng công ty vẫn chưa làm. Chi cục sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Khi lập quy hoạch xây dựng Nhà máy Chế biến tinh bột dong riềng, lãnh đạo nhà máy này cam kết: tập trung sản xuất dong riềng, tỉnh mới tạo điều kiện để xây dựng và hoạt động. Nay nhà máy lại chuyển qua sản xuất tinh bột sắn không thu mua dong riềng cho người dân là hoàn toàn sai trái vừa gây thiệt hại cho nông dân vừa phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Bởi trên địa bàn tỉnh đã có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn và trong quy hoạch tỉnh chỉ xây dựng một nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần sớm kiểm tra, làm rõ sự việc ở Công ty Dong riềng để bảo đảm quyền lợi cho hàng nghìn hộ dân
Nhóm PVMT