Thị trường nhà đất và những vấn đề đặt ra – Bài 1: Hệ lụy của sự trầm lắng…

0
3632

Kinh tế Quảng Bình – Lúc sôi động lúc trầm lắng âu cũng là lẽ thường tình của thị trường nói chung. Nhưng sự im ắng hơi… quá lâu của thị trường nhà đất đã gây nên những hệ lụy đáng ngại, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 và cả những năm tiếp theo…

Những tháng ngày sôi động…

Khi mà nhà nhà mua đất, người người mua đất thì thị trường nhà đất sôi động hẳn lên là điều tất yếu. Gặp nhau, sau vài câu xã giao là “Có mảnh đất mô không”? Vâng, đất đai là tài sản, là hàng hoá đặc biệt có giá trị lớn nên nhiều người quan tâm và dành dụm để mua là phải.

Thị trường nhà đất sôi động nên giá cũng bị đẩy lên cao. Có nhiều người cho rằng giá đất ở Quảng Bình cao hơn nhiều địa phương khác trong khu vực, thậm chí với cả thành phố Đà Nẵng. Những cuộc đấu đất “nảy lửa”… Kéo theo đó là những khoản thu liên quan đến đất đai, trong đó trọng tâm là tiền sử dụng đất trong những năm qua đã tăng lên nhanh chóng.

Năm 2010, toàn tỉnh thu được 320 tỷ đồng tiền sử dụng đất và năm 2011 là  593 tỷ đồng. Những đồng tiền thu vào cho ngân sách đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong hoàn cảnh một tỉnh nghèo rất cần vốn như tỉnh ta. Nhưng rồi, thị trường nhà đất bỗng đổi chiều…

Manh nha từ đầu năm nhưng thực sự đến cuối năm 2011, thị trường nhà đất ở tỉnh ta mới trở nên trầm lắng hẳn. Sự trầm lắng đó bắt nguồn từ một nguyên nhân khác ngoài thị trường, đó là những chính sách liên quan đến tiền tệ, đến đầu tư- Nghị quyết 11/ NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,  bảo đảm an sinh xã hội. Vâng, sau khi Chính phủ có chính sách thắt chặt tiền tệ, ngân hàng hạn chế cho vay nhất là cho vay bất động sản thì tình hình thị trường nhà đất đã có ngay màu sắc khác, trầm lắng hẳn. Đến lúc này người ta nghiệm ra một điều, có nhiều “đại gia nhà đất” có nguồn “ô xi” từ ngân hàng.


Dự án khu đô thị nam đường Trần Hưng Đạo cơ bản hoàn thành tạo quỹ đất khá lớn ở Đồng Hới.

Một khi “van ô xi” đã khoá lại thì hậu quả là sự tung hoành của họ trên thị trường cũng xẹp xuống. Mặt khác, khi thị trường đất đai đóng băng, đất có dấu hiệu giảm giá do có rất nhiều người có tiền, có nhu cầu để mua đất, nhưng do “tâm lý đám đông” nên cũng im hơi lặng tiếng, có ý chờ đợi giá còn hạ tiếp… Tất cả đã hội nên một thị trường nhà đất người mua… thưa thớt, dù quỹ đất để bán của các địa phương và ở thành phố Đồng Hới không ít. Theo tính toán của cơ quan chức năng, ở tỉnh ta mức sụt giảm của thị trường nhà đất từ tháng 7-2011 đến nay ở mức khoảng 30-40%…

Hệ lụy của sự trầm lắng…

Và cái sự trầm lắng của thị trường nhà đất đã làm cho số thu ngân sách trên lĩnh vực đất đai bị… chững lại. Những tháng đầu năm 2012, thu tiền sử dụng đất ở các huyện đạt rất thấp. Ở thành phố Đồng Hới số thu đạt khá hơn nhưng theo ông Nguyễn Văn Vu, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố, trong số thu tiền sử dụng đất những tháng đầu năm 2012 có hơn 90 tỷ đồng được chuyển từ năm 2011 sang, còn năm 2012 nhiều lần tổ chức đấu giá không thành mặc dù đã điều chỉnh lại giá cả theo hướng sát thị trường hơn. Vì vậy thu tiền sử dụng đất 8 tháng đầu năm bị hụt so với kế hoạch hơn 54,9 tỷ đồng…

Ở huyện Lệ Thuỷ, ông Nguyễn Văn  Thương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Lệ Thuỷ cho biết: Thu tiền sử dụng đất của địa phương rất khó khăn, đến giữa năm 2012 mới chỉ thu được chưa đến 10% kế hoạch năm và 8 tháng qua cũng chỉ thu được 4,5 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu cả năm là 35 tỷ đồng; trong khi như các năm trước đến lúc này thu tiền sử dụng đất đã hòm hòm…

Các huyện miền núi càng khó khăn hơn, huyện Tuyên Hoá chỉ mới thực thu hơn 780 triệu đồng, còn hơn 1,2 tỷ đồng là chuyển từ năm 2011 qua, chỉ tiêu 5 tỷ đồng tiền sử dụng đất là quá khó trong năm nay… Và chỉ tiêu thu 450 tỷ đồng tiền sử dụng đất chắc chắn là không dễ đối với tỉnh ta trong năm này nhìn từ các địa phương.

Ngoài nguyên nhân chung là thị trường nhà đất trên toàn quốc trầm lắng do những chính sách thắt chặt tiền tệ thì còn có những nguyên nhân khác đang  tạo nên khó khăn cho việc mua bán nhà đất. Thực tế là những tháng đầu năm việc tổ chức đấu giá đất đều tập trung vào một đơn vị “vừa bé vừa nhỏ” là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã thực sự quá tải khi lực lượng cán bộ, nhân viên của đơn vị này quá ít, lại “ôm” việc của cả tỉnh. Không những thế cách làm cũng không phù hợp với từng địa phương và bộc lộ cả những khe hở để những cá nhân lợi dụng.

Chẳng hạn như ở Lệ Thuỷ, ông Thương cho biết: Tổ chức đấu giá đất của địa phương những năm trước thông thoáng hơn, người mua được quyền lựa chọn để đấu ở nhiều lô đất cùng một lúc, nên khi không đấu được lô này lại tiếp tục đấu ở lô khác và như vậy số lượng người mua trên cùng một lô đất nhiều hơn, khả năng bán được lô đất cũng cao hơn.

Còn theo “luật đấu” của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã hạn chế lượng người mua trên từng lô đất, không những thế có hiện tượng “làm giá” từng lô đất. Cụ thể là khi biết trên từng lô đất có số lượng người đấu hạn chế, trong đó có một “cò đất”, nhân vật này liền thao túng những người mua đất để định giá lô đất rồi đồng loạt đấu với một giá nhích hơn giá sàn tý chút, phần dôi ra so với giá lô đất mà nhóm người này đã thoả thuận với nhau sẽ chia cho nhóm. Và việc đó theo dư luận đã xẩy ra khi đấu những lô đất ở Mai Thuỷ, Hưng Thuỷ, ngân sách bị thất thu… Còn nếu để người đấu tự do đăng ký trên tất cả các lô đất thì số lượng người đấu trên một lô đất khá lớn, rất khó để có sự thao túng làm giá…

Việc định giá đất cũng qua nhiều khâu trung gian làm mất nhiều thời gian, đó là huyện đề nghị, Sở Tài chính thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Vấn đề này ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho rằng đối với đất ở thành phố, huyện lỵ, thị trấn thì phải được thẩm định của Sở Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt còn đất ở những khu vực vùng sâu vùng xa nên để cho huyện, thành phố thẩm định giá…

Vâng, thị trường nhà đất thật sự trầm lắng và hệ lụy của nó đã rõ. Trong khi năm 2012, không còn là nhận định nữa mà khó khăn đang hiện rõ, nguồn vốn cho phát triển rót từ trung ương về đã thật sự hạn hẹp trong khi nhiều công trình dự án trọng điểm của tỉnh cho phát triển hôm nay và mai sau đang khát vốn… Tình hình trên đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phải kích hoạt thị trường nhà đất, tạo nên bước chuyển biến tích cực trong những tháng còn lại của năm 2012 và những năm tiếp theo để tạo nguồn ngân sách phục vụ phát triển.

Theo Baoquangbinh

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777