Thời gian qua, tình hình kinh tế – xã hội cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng đều chịu sự tác động diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới. Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm trên thị trường tiếp tục tăng cao trong khi sức mua giảm, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, thiên tai, lụt bão cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy mạnh mẽ, lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nên từ năm 2013-2015, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả khả quan, đáng ghi nhận.
Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn dân, tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam, hàng trong tỉnh đạt chất lượng cao, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng yêu thích, mua sắm và sử dụng. Các doanh nghiệp dần ý thức được trách nhiệm của mình ngày càng đầu tư nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp nhận thức được tầm quan trọng của Cuộc vận động nên trong việc mua sắm, trang thiết bị, sửa chữa cơ quan, đơn vị phục vụ công tác đã ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước và của tỉnh.
Bên cạnh những thành quả tích cực về ý thức cộng đồng, việc thực hiện Cuộc vận động cũng đóng góp nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp trong nước, mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp Việt phát huy những thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh, có chiến lược tiếp thị, mở rộng thị trường, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hàng năm, đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được chú trọng, diễn ra sôi động vào những ngày Lễ, Tết trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 2013-2015, Sở Công thương đã tiếp nhận, theo dõi và thực hiện khuyến mại của 10.302 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa là 25.629 tỷ đồng. Sở cũng đã trực tiếp, phối hợp tổ chức 09 hội chợ, triển lãm tại thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và Minh Hóa. Hàng hóa bày bán tại hội chợ đa dạng, phong phú và chủ yếu là hàng sản xuất trong nước; tổ chức 04 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi theo Đề án Xúc tiến thương mại quốc gia 2015; đồng thời tiến hành đưa hàng sang nước bạn Lào, Thái Lan để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng sản xuất trong tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước thực hiện xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Siêu thị Diến Hồng thuộc Công ty TNHH Diến Hồng huyện Minh Hóa với diện tích 200m2. Hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam là hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng siêu thị Co.opmart tỉnh Quảng Bình thuộc Sài Gòn CoopMart để mở rộng hệ thống phân phối văn minh, hiện đại, đáp ứng thị hiếu người dân.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thị trường, Sở cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để giám sát việc thực hiện bán hàng khuyến mại trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Chỉ tính năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.198 trường hợp, phát hiện 949 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 9,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại một số cấp ủy, đoàn thể chưa được quan tâm, chỉ đạo sát sao và tổ chức ở địa phương vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng nên việc triển khai còn bất cập. Cùng với đó, công tác thông tin truyền thông của một số cơ quan tuyên truyền không thường xuyên, liên tục nên chưa đủ sức lan tỏa; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường nội địa, nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; tình hình thực hiện công tác quảng bá, khuyến mại cho hàng Việt của một số doanh nghiệp còn hạn chế nên hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại đạt hiệu quả không cao, sản phẩm hàng hóa không cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào giá nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không ổn định, một số doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò trong việc thực hiện Cuộc vận động. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi nên hàng nhập lậu giá rẻ vào tỉnh chưa kiểm soát triệt để, gây mất thương hiệu uy tín của hàng sản xuất trong nước và của tỉnh ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, một bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn chưa nhận thức rõ mục tiêu Cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, tâm lý ham giá rẻ nhập khẩu, sính hàng ngoại, hàng hiệu mà lãng quên hàng Việt Nam.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nội dung của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vận động toàn thể nhân dân, doanh nghiệp và cơ quan, đoàn thể phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời từng bước xây dựng ý thức, văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong mua sắm công cũng như tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ vận động các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… để giúp người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp, hàng hóa Việt; chú trọng đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt ở khu vực nông thôn; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Minh Huyền(quangbinh.gov.vn)