Em đã từng biết về vẻ đẹp Quảng Bình quê hương anh, nơi có động Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Én kì diệu và tráng lệ của thạch nhũ, hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, được ví như ‘Vạn lý trường thành’ của Việt Nam hay những con người nơi đây thật thà, chân chất, tình cảm… Nhưng điều sẽ khiến em thích thú hơn đó chính là không khí quê anh mùa lễ hội, anh sẽ mời em về để cảm nhận và khám phám.
Về với Quảng Bình, em sẽ được thưởng thức không khí lễ hội quanh năm. Hội Cảnh Dương ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3 – 7/1 âm lịch rộn ràng, náo nhiệt lễ cầu ngư và lễ kỳ yên, các trò chơi nấu cơm thi mà vừa nấu vừa trông cóc.
Hội làng Bảo Ninh ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vào 14 – 16/4 âm lịch với lễ rước cốt Ông, diễn hò khoan, chèo cạn, múa bông. Hội xuống biển có lễ thả thuyền giấy, cá giấy xuống biển, cầu khấn và đua thuyền sáu làng. Hội lễ Hò Khoan ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào 29/2 âm lịch, trông lễ hội này gồm 9 mái (làn điệu), mỗi mái ứng với một loại công việc. Vào đêm hội hò khoan, nam nữ đua tài đối đáp…
Đặc biệt và hấp dẫn nhất phải kể đến lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đúng vào dịp Tết Độc lập 2/9 hàng năm.
Lễ hội đua thuyền ở Quảng Bình thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ, ảnh: Báo Xây Dựng.
Theo dantri.com.vn ngày 2/9/2017, lễ hội đua thuyền từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân Lệ Thủy trong ngày Quốc khánh. Xuất phát từ hội bơi, đua của làng, của tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1946, nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức ‘ăn Tết Độc lập’ và ‘Lễ hội bơi, đua thuyền’ với quy mô cấp huyện.
Từ đó đến nay, cứ vào ngày 2/9 hằng năm, Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu từ nhiều năm nay của người dân nơi đây.
Lễ hội diễn ra với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông, ảnh: Báo Dân Trí.
Lễ hội đua thuyền có từ lâu đời và được xem là nét truyền thống văn hóa rất đỗi tự hào của người dân miền sông nước Lệ Thủy. Lễ hội không chỉ là ngày hội vui chơi, đua tài mà còn là lễ cầu yên, cầu thịnh. Đây thực sự là ngày hội lớn của người dân xứ Lệ nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Hiện nay, dù chưa đến 2/9 nhưng những ngày đầu tháng 8 này, không khí đã nô nức, rộn ràng, lòng người Lệ Thủy phấn chấn; đâu đâu cũng cờ hoa rợp trời tưng bừng sắc màu lễ hội. Để mừng quốc khánh, gần như các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: thi đối đáp hò khoan Lệ Thủy, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, kéo co, cầu lông…
Rộn ràng lễ hội Đua thuyền Lệ Thủy, nguồn clip: VTV
Theo thanhnien.vn, đường đua có tổng chiều dài lên đến 24 km đối với nam và 20 km đối với nữ. Thuyền xuất phát từ Mũi Viết ở trung tâm huyện Lệ Thủy, lên đến xã Mỹ Thủy ở phía thượng nguồn sông Kiến Giang rồi quay về xã An Thủy ở hạ nguồn, sau đó quay ngược lên thị trấn về đích. Vì thế, nhân dân các địa phương 2 bên bờ sông đều được xem lễ hội, người đứng chen kín cả dòng sông nơi mỗi đoàn đua đi qua. Người đến trễ xem như hết chỗ.
Ảnh: Báo Xây Dựng.
Một điều thú vị nữa, dù cùng dùng thuyền để tranh tài nhưng nam thì gọi là “bơi” còn nữ gọi là “đua” (đò bơi, đò đua); nam ngồi chầm bằng mái chèo ngắn, còn nữ đứng chèo bằng mái chèo dài bình thường. Hội được tổ chức vòng loại trước đó, vòng chung kết diễn ra đúng ngày 2/9. Cứ đến ngày này, hàng ngàn người sống xa quê và du khách lại nườm nượp đổ về Lệ Thủy xem hội. Để thi tài, các thôn xã có đò tham gia thường tổ chức hạ đò tập luyện trước gần cả tháng.
Ảnh: Báo Dân Trí.
Lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt người ở địa phương và con em quê hương đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền đất nước về đón xem, cổ vũ động viên tại quê nhà.
Người yêu của anh, em sẽ chẳng phải mất công tìm kiếm địa điểm du lịch nghỉ lễ 2/9 nữa đâu. Bởi vì anh sẽ đưa em về Lệ Thủy – nơi anh sinh ra và lớn lên để em tận hưởng không khí đầy sôi động của lễ hội đua thuyền truyền thống quê anh. Chắc chắn em sẽ thích lắm đấy!