Mặt trời thẳng đứng, Hiệp – cậu bé gầy nhẳng vừa chạy vừa thở dốc đuổi theo đàn cừu, bất chấp nắng rát cùng những cơn gió hanh nóng của mảnh đất Ninh Thuận.
C
ầu thủ số một hành tinh Cristiano Ronaldo vào thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của mình đã có lần chạy tới 14 km trong một trận đấu, và đạt trên 400 km trong cả một mùa giải. Còn với một người dân tộc Chăm làm công việc chăn cừu ở Ninh Thuận, một ngày phải chạy hơn 30 km và gần 1.000 cây số trong một tháng. Tất nhiên, đây chỉ là so sánh tương đối, nhằm dễ hình dung quãng đường tương đương từ TP.HCM tới Huế mà mỗi người chăn cừu đều đặn trải qua hàng tháng.
13 tuổi, 300 con cừu và 30 cây số
Công chúng thường chỉ biết về xứ sở chăn cừu Ninh Thuận qua những tấm ảnh nghệ thuật của các nhà nhiếp ảnh và hầu như chưa biết gì nhiều về cuộc sống con người nơi đây. Chúng tôi quyết định dành vài ngày tới địa phương này để xem phía sau mỗi khung hình đó có những gì tươi đẹp như trên ảnh.
“Gió như Phan, nắng như Rang” là câu nói cửa miệng của những người từng biết về Ninh Thuận. Mảnh đất này khắc nghiệt tới nỗi khi gió mùa Tây Nam mang mưa mát lành ghé tới situs slot gacor cũng bị những dãy núi bao vây giam hãm rồi hóa thành hanh khô tù túng. Người dân Công giáo nơi đây tin rằng Chúa mang cừu tới tặng họ như một món quà, nhưng trên thực tế chỉ có loài cừu Phan Rang là tồn tại được ở vùng đất này.
Với địa hình khí hậu đặc thù, không có nhiều lựa chọn về công việc cho người dân tộc Chăm sống ở đây, đa phần họ chọn nghề chăn cừu thuê cho các chủ trại. Những người chăn cừu ở đây có thể coi là dân du mục bởi họ vẫn thường phải rày đây mai đó dựa theo nơi cỏ mọc và nguồn nước. Trại cừu nhóm phóng viên Zing.vn ghé đến được đánh giá là lớn nhất An Hòa (thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) có hơn 1.000 con với sự chăm sóc của 3 người đàn ông.
Anh Đạo Văn Lơ (34 tuổi) là một trong ba người chăn cừu ở đây, đã có thâm niên tới 17 năm trong nghề. Thường ngày, anh cùng hai người hàng xóm phụ trách công việc nặng nhọc nhất, đó là đưa cừu đi ăn cỏ và tìm nước. Nhưng sau một cú ngã xe cách đây hai ngày thì mọi thứ thay đổi, toàn bộ công việc của người đàn ông trụ cột gia đình này đã phải chuyển giao lại cho vợ và cậu con trai cả trong thời gian anh ở nhà đợi lành vết thương.
Hiệp, con trai lớn của anh Lơ năm nay 13 tuổi, mới nghỉ trường làng sau khi học xong lớp 6. Hiệp bảo không học nữa phần vì nhà nghèo, phần vì không thích làm bài tập. Hôm nay là ngày đầu tiên cậu bắt đầu cuộc chăn cừu bất đắc dĩ của mình, công việc mà vốn chỉ dành cho những người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh.
Mẹ của Hiệp không giấu nổi sự lo lắng nên đã dậy từ 4h để nấu cơm và chuẩn bị bữa sáng cẩn thận hơn mọi ngày. Bữa sáng hôm nay có hai miếng cá kho, một miếng cho Hiệp ăn sáng, miếng còn lại mang theo để ăn trưa, cả nhà sẽ ăn cơm với rau luộc và nước canh.
7h sáng nắng ở đây đã gắt rát người, Hiệp bắt đầu lùa 300 con cừu rời chuồng. Chiếc balo trước đây để đựng sách vở nay chứa hai chai nước lớn cùng một cạp lồng cơm. Mùa khô kéo dài, hạn nặng, đất đai nứt nẻ, cỏ không thể mọc, vì thế càng về cuối mùa thì đoàn người và cừu càng phải đi lang thang thật xa để tìm nguồn sống.
Đặc sản của cánh đồng cừu là gió, bụi, và nắng quyện lại với nhau, trở thành bạn đồng hành theo từng bước chân người du mục. Mặt đất do hạn hán lâu ngày đã hóa bụi mỏng, chỉ đợi từng cơn gió nóng thổi tới là bốc lên như sương mù. Hầu hết ai làm nghề chăn cừu lâu năm cũng đều mắc những bệnh về đường hô hấp, về mắt. Người chăn cừu ở đây ăn còn chưa đủ nên việc mua những trang bị bảo vệ sức khỏe hầu như không có. Đồ bảo hộ lao động của Hiệp là tấm áo khoác sờn để che mặt khi có bụi.
Còn với nắng, Hiệp hái những nhánh cây dại ven đường quấn thành một vòng rồi đội lên đầu. Phóng viên trêu cậu bé gọi đó là “vương miện”, còn cậu là “Hoàng tử chăn cừu”. Có vẻ Hiệp rất vui với biệt danh này.
Cừu là loài vật có tính hiền lành chăm chỉ, có thể ăn mọi thứ trên cánh đồng. Nhưng mùa khô thì ngoài xương rồng cũng không còn gì chúng có thể ăn, vì thế con đường chăn cừu của những người du mục càng phải kéo dài hơn. Họ cứ rảo bước mà không định trước nơi đến, đâu có cỏ thì dừng, hết cỏ lại đi, lầm lũi trong gió bụi.
Đường đi cũng không hề dễ dàng khi mặt đất toàn những rễ cây khô hay hàng rào gai chết cản trở. Với thân hình bé nhỏ chưa tới 25 kg, Hiệp phải dùng hết sức để có thể đưa lũ cừu vượt qua, đảm bảo không con nào bị kẹt.
Tự nhiên khắc nghiệt với mảnh đất này tới nỗi mùa mưa chỉ kéo dài ba tháng trong năm, nhiệt độ cao nhất thì lên tới 45 độ C. Đồng cỏ khô cằn chỉ loài cây xương rồng mới có thể tồn tại, mặt đất nứt nẻ nóng như một cái chảo rang. Vậy mà hai người đàn ông và cậu bé 13 tuổi chỉ đi bộ bằng dép nhựa suốt quãng đường mấy chục cây số.
Lần đầu tiên việc đi chăn cừu của Hiệp diễn ra không như mong đợi. Sau khi đi được mười cây số thì chân cậu bé đã bị dép cọ vào phồng rộp, đau rát. Chàng du mục trẻ tuổi quyết định đi chân đất, vừa đi vừa rón rén vì sợ gai xương rồng.
Mùa khô kéo dài ròng rã 9 tháng, với những người sống ở vùng đất cằn cỗi này, giọt nước quý như vàng. Đầu mùa hạn năm nay, đàn cừu do nhà của Hiệp cùng hai người hàng xóm chăn thuê đã chết hơn 200 con vì suy kiệt do thiếu nước. Những người du mục ở đây chỉ có thể bất lực nhìn những hồ nước cạn dần rồi trơ đáy, lũ cừu thì gục dần xuống mà không làm gì được.
Những người chăn cừu sẽ phải chịu những lời lẽ nặng nề từ các ông chủ, bị hăm dọa trừ bớt tiền công khi số lượng cừu sụt giảm, bất chấp chúng chết vì thiên nhiên hay vì ông trời muốn thế.
Vì khô hạn, quãng đường di chuyển trong ngày của Hiệp càng dài ra thêm để dẫn lũ cừu đến nơi có nước uống. Cứ đến một cái hồ nào cạn đáy, Hiệp lại phải chạy xuống thật xa để lùa những con cừu lạc chạy lững thững xuống đấy vì thói quen.
Ninh Thuận nóng đến mức khiến con người lúc nào cũng rơi vào trạng thái bị khô kiệt, mồ hôi đổ ra làm mát bao nhiêu là bốc hơi bay biến hết bấy nhiêu. Hai chai nước mà Hiệp mang theo từ ban sáng giờ còn lại rất ít, cổ họng luôn trong tình trạng khô rát nên em phải uống liên tục. Hiệp rất sợ hết nước vì hết thì không biết lấy ở đâu, mà cậu cũng rất ngại xin nước của hai người bạn đồng hành vì chính họ cũng mang không nhiều.
Ở nơi cằn cỗi, gió bào mòn hết cả sỏi đá này, gần như chỉ có những loài cây có gai là có thể sống được. Bên cạnh xương rồng, có nhiều ở đây là cây táo gai, gốc táo gai thường xuyên là điểm nghỉ ngơi của những người chăn cừu. Khi mặt trời đứng bóng, lúc lũ cừu đồng ý yên vị trong chốc lát, Hiệp và hai người đồng hành tranh thủ nghỉ trưa và ăn cơm.
Từng cái cạp lồng được mở ra, chỉ mỗi Hiệp là có chút cá kho, còn lại đều là rau củ luộc. Bữa trưa diễn ra ngay trên nền đất đầy gai nhọn. Hiệp không thể ăn cơm từ tốn như ở nhà, cậu bé phải ăn càng nhanh càng tốt, cố gắng ngả lưng đôi ba phút trước khi đứng lên trông chừng đàn cừu.
Một con cừu đã bắt đầu nhảy lên và chạy mất, cả đàn gọi nhau rồi đồng loạt vùng đi tán loạn, Hiệp vội vàng chạy theo hai người đồng hành để bắt kịp bọn cừu. Dù thương Hiệp còn nhỏ, muốn cậu bé nghỉ ngơi thêm chốc lát nhưng hai người đồng hành vẫn phải gọi Hiệp cùng chạy đi kiếm cừu dưới cái nắng khô hạn như sa mạc.
Thời gian nghỉ trưa của ba người du mục kết thúc rất nhanh, phụ thuộc hoàn toàn vào tâm trạng của lũ cừu.
Nắng rát, gió nóng cứ trì kéo đôi chân của Hiệp đuổi theo những con cừu, sải bước của cậu bé không còn mạnh mẽ như ban sáng. Vậy mà khi nghe có con cừu nào bị rớt lại phía sau hay đi lạc, Hiệp vẫn phải chạy. “Chạy, Hiệp ơi, chạy chạy đuổi theo!” tiếng người bạn đồng hành của cậu bé vang vang lại từ phía bên kia đồng cỏ, Hiệp lại cắm cúi chạy.
Nỗi sợ mất cừu, nỗi lo về một tối lang thang đi tìm cừu, nỗi ám ảnh về những tiếng la của ông chủ là động lực để Hiệp cứ lao về phía trước, đuổi theo những con cừu lỳ lợm.
Cách Hiệp chạy giống hệt như cách một nhân vật trong một bộ phim kinh điển của Mỹ: “Forrest Gump”. Gump chạy để thoát khỏi sự truy đuổi của lũ bạn đầu gấu, Hiệp chạy để thoát khỏi những lo lắng của mình. Gump chạy để tìm kiếm tương lai của chính mình, Hiệp chạy để đuổi theo thứ quyết định cuộc sống của em và gia đình. Cả câu gọi “Chạy, Hiệp ơi, chạy chạy đuổi theo!” cũng hệt như câu cổ vũ vang lên trong suốt đời Gump “Chạy đi, Forrest, chạy đi”.
Bốn giờ chiều, khi nắng đã nhạt dần phía bên kia sườn đồi cũng là lúc những người du mục dành cho mình chút niềm vui ngắn ngủi. Đó là chén rượu chuyền tay nhau với đồ nhắm là thức ăn trưa còn sót lại. Rượu gạo được mua với giá 8.000 đồng một túi nhỏ đủ để hai người lớn uống, câu chuyện của họ quẩn quanh việc đếm cừu. Đó là suy nghĩ ngày mai chăn ở đâu, hay là nghĩ về một tương lai đi làm ở miền xa với đồng lương tốt hơn để có tiền cho con ăn học.
Nếu may mắn thì niềm vui ấy sẽ được nhân đôi khi có cặp đôi nào chụp ảnh cưới hay nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đó đến đồng cừu sáng tác nghệ thuật, lúc ấy họ sẽ có thêm vài trăm nghìn chia nhau, bữa cơm tối có thịt. Nhiêu đó đã đủ làm những nụ cười xuất hiện trên gương mặt cả ngày cau lại vì bụi bặm và mệt mỏi.
Phần còn lại của đồng cừu
Công việc chăn cừu vất vả, nhiều thiếu thốn nhưng những người đàn ông ở đây không phải trải qua nó một cách cô độc. Những người vợ luôn bên cạnh chồng mỗi khi chuyển đến một điểm chăn mới. Với họ vợ chồng là phải bên nhau dù có đi xa đến đâu và vất vả đến chừng nào. Gắn bó cùng chồng nhưng các cô, các chị không rong ruổi cùng trên những triền đồi mà ở lại trại, luôn tay bận rộn với hàng trăm công việc không tên.
Mẹ của Hiệp, chị Đạo Thị Minh Chuyện (30 tuổi) làm nghề chăn cừu đã hơn 13 năm, từ lúc còn là một thiếu nữ cho đến giờ đã bốn đứa con. Sau ngày cưới đến nay, chị không đếm xuể và cũng không còn nhớ những đồng cừu đã in dấu chân mình cùng chồng con. Mỗi ngày, từ mờ sáng đến chập tối, không lúc nào chị Chuyện và những người phụ nữ ở đây có được phút giây dành cho riêng mình.
Đủ thứ công việc ở trại đợi bàn tay của chị Chuyện thu vén, sắp xếp lại. Những con cừu non mới đẻ cần cỏ nhuyễn, cừu bệnh không đi được thì nằm chờ thức ăn, phân cừu phải có người gom lại cho vào bao đem bán. Phân cừu không có nhiều, cũng rất khó để thu gom vì chuồng cừu xây dựng thấp, nhưng đó là thứ giúp nhà chị Chuyện có thêm đồng ra đồng vào, để bữa cơm của gia đình có thêm quả trứng hay miếng thịt.
Chị kể: “Để một tuần thì gom được hơn 10 bao, có thêm tiền mua sữa cho đứa nhỏ nhất. Có lúc, nhà túng quá, phải đi ra mấy chỗ thả nhặt thêm phân bò về bán nữa”.
Người phụ nữ bốn con này luôn là người dậy sớm nhất nhà, chị phải tranh thủ nấu cơm khi gian bếp tối mờ để chồng mình không phải ăn sáng trong vội vã, cái cà mèn trong chiếc ba lô nhỏ của Hiệp đủ cơm canh. Đôi khi, chị tất bật trong căn bếp mờ mịt để không nhìn thấy nồi cá kho chỉ có hai miếng hay nồi canh lõng bõng nước và cũng thôi phải nghĩ về chuyện mấy đứa nhỏ chỉ chịu ăn cơm khi có thịt cá.
Trẻ con dân tộc Chăm ở trại lớn lên đã gắn liền với lũ cừu. Đồ chơi của chúng không phải là bộ xếp hình lego, chiếc xe điều khiển từ xa hay con búp bê váy áo lụa là mà là những đụn rơm vàng rực, là cái cào để bố mẹ gom phân cừu, là những hòn đá giả làm xe cảnh sát, xe tải.
Ron, em trai của Hiệp, là đứa trẻ đầu tiên phóng viên tiếp xúc khi đến đây. Cậu bé rất mạnh dạn khi gặp người lạ. Năm nay đã 3 tuổi nhưng em thì thấp bé hơn nhiều so với các bạn đồng lứa và chỉ mới bập bẹ được vài tiếng Chăm. Ron còn nhỏ, không phụ giúp được gia đình, nhà cũng không có tiền cho em đi học mẫu giáo. Cậu bé cả ngày quấn quanh chân mẹ, chơi với đất cát, rơm rạ và lăn lê trên những bao phân cừu.
Ngày chúng tôi đến, tình cờ chị ruột anh Lơ cùng chồng con đến nhà thăm anh bị tai nạn. Anh họ của Ron là những đứa trẻ sinh ra ở đất thị thành, được chăm chút, hiếm khi tiếp xúc với bụi bẩn, phân đất, chúng rất ngại ngùng khi đến trại cừu và giữ sự xa cách với Ron. Niềm vui lớn nhất trong ngày của cậu bé 3 tuổi là khi anh hai đi chăn cừu về, bế cậu lên lưng cừu rồi giả vờ làm kỵ sĩ.
Khi không phải đi chăn cừu thay bố, việc của Hiệp ở nhà là giúp mẹ dọn chuồng, gom phân cừu, dỗ dành em nhỏ. Những ngày hiếm hoi mưa, Hiệp cũng không bỏ qua cơ hội bắt cá ở hố bùn cạnh nhà, để bữa ăn tẻ nhạt vốn chỉ có rau thêm ngon hơn một chút.
Nếu một buổi sáng nào may mắn, em có thể bắt được gần 1 kg cá. Buổi chiều, không có gì để giải trí, Hiệp thường ra trước sân chơi đuổi bắt với bạn hàng xóm, mệt thì ra cái hồ phía sau chuồng cừu để bơi lội, tắm táp.
Trẻ con khi đến tuổi đi học như em gái Hiệp là Thảo sẽ được gửi đi học ở trường làng, cách đấy gần 15 cây số. Bé Thảo là niềm tự hào và kỳ vọng của anh Lơ, chị Chuyện vì cô bé học giỏi, đứng thứ hai của cả khối.
Anh Lơ kể về cô con gái độc nhất của mình: “Nó ngoan lắm, học giỏi nữa, thấy mình khổ có lần người ta tới mua phân cừu xin nó về nuôi, nhưng anh chị đâu có chịu vì nó là con mình mà. Giờ cứ cho nó học được đến đâu thì mừng đến đó, khổ nhưng mình cố vì con mình thì qua được hết”.
Điều kiện sống ở những trại cừu như thế này là vô cùng thiếu thốn. Hiếm hoi mưa, không có nguồn từ tự nhiên, không có dụng cụ để dự trữ cho mùa khô, ở đây hoàn toàn không có nước để sử dụng tại chỗ. Nước uống, nước sinh hoạt để nấu cơm rửa chén đều phải đi chở từng thùng ở thị trấn cách đó 10 cây số.
Mọi người ở đây tắm rất ít vì phải tiết kiệm nước, hay như Hiệp, em hầu như không bao giờ tắm bằng nước mà bố phải đi xa mua về. Khi thấy nóng em chỉ chạy ra cái hồ phía sau những chuồng cừu và nhảy ùm xuống.
Ở những trại cừu thế này thường không có điện, các gia đình du mục chỉ có thể dùng bình ắc quy. Với lượng điện ít ỏi đó, thắp sáng đã khó chứ đừng nói đến nhu cầu khác như quạt gió hay tivi. Những bữa cơm mờ tối dưới ánh đèn leo lét là chuyện thường xuyên. Những đứa trẻ phải ngủ trong tình trạng mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Thương con nóng nực quấy khóc, sợ con bệnh vì mồ hôi thấm vào người, nhiều đêm chị Chuyện thức trắng để quạt tay cho con ngủ.
Điều kiện sống nhiều khó khăn, điều kiện làm việc vô cùng vất vả, suốt 365 ngày không ngơi nghỉ một phút giây nào và tiền công mà những người chăn cừu ở đây nhận được là 25 triệu đồng/năm, tính ra là hơn 2 triệu/tháng. Với nhà của Hiệp, đây là tiền ăn của 6 người, tiền sữa cho em trai nhỏ nhất, tiền học cho em Thảo, tiền thuốc men những lúc ốm đau và hàng trăm thứ vụn vặt khác.
Hiệp mơ ước nếu kiếm được nhiều tiền em sẽ mở một quán nhậu cho mẹ trông coi và bố sẽ không phải đi chăn cừu nữa. Để hiện thực mong muốn của mình, Hiệp còn một quãng đường rất dài phải đi, thậm chí là phải chạy. Hành trình của cậu bé chăn cừu bất đắc dĩ này sẽ như cách Forrest Gump lựa chọn chạy về phía mặt trời và có cho mình một cuộc đời trọn vẹn.