Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc thu hút đầu tư từ Dự án khu quần thể Resort giải trí thể thao được xây dựng tại xã Hải Ninh, thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã tiến hành ráo riết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), nhằm tạo điều kiện để dự án khởi công xây dựng như kế hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn đang còn 232 ha chưa thể GPMB và bàn giao được vì gặp phải một số vướng mắc cần phải tháo gỡ…
Dự án khu quần thể Resort giải trí thể thao của Công ty CP Tập đoàn FLC xây dựng tại xã Hải Ninh có tổng đầu tư giai đoạn 1 từ nay đến năm 2017 là 3.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào ngày 26-3-2016 và đi vào hoạt động từ khoảng tháng 9-2016 với một số hạng mục như: sân thể thao (bao gồm 2 sân), tiếp theo đó là nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp…
Tổng diện tích cần GPMB tại xã Hải Ninh là 1.307,152 ha. Đến nay, tổng diện tích mặt bằng đã giải phóng và bàn giao cho Công ty CP Tập đoàn FLC là 1.074,53 ha (bao gồm toàn bộ diện tích đất và tài sản gắn liền với đất đã GPMB).
Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, phần diện tích chưa GPMB là 232,62 ha, bao gồm diện tích đất rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Quảng Bình, đất nuôi trồng thủy sản của 6 hộ dân và đất nghĩa trang, nghĩa địa của 17 hộ dân có lăng mộ… Hiện nay một số hộ đã nhận tiền, đang xem ngày để di dời (đối với đất ở của hộ tái định cư, dự kiến sẽ di dời và bàn giao mặt bằng trong tháng 3-2016).
Tuy nhiên, có 5 hộ có đất nông nghiệp khác đã nhận tiền thỏa thuận theo giá đất rừng sản xuất nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn kiến nghị giải quyết về bồi thường, hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp khác. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản giữa chủ đầu tư với các hộ dân, hiện nay các hộ dân đã ký hợp đồng chuyển nhượng, nhưng còn vướng về điều khoản nộp thuế thu nhập cá nhân do nhà đầu tư chưa thống nhất về bên nộp tiền thuế…
Đáng chú ý vẫn là công tác kiểm kê, áp giá phần tài sản đối với các hộ nuôi trồng thủy sản. Hội đồng GPMB cho rằng: do có quá nhiều hạng mục tài sản phức tạp, giá nhiều loại vật tư không có trong bảng giá liên sở và không có trong dự toán của Trung tâm giống thủy sản Quảng Bình nên tổ giúp việc đang khảo sát, xác định giá thị trường.
Các hạng mục như: hệ thống cấp nước mặn, ngọt, giếng khoan, hệ thống điện, guồng quạt của hồ tôm…, trước đây thuê tư vấn lập dự toán nhưng đơn vị tư vấn không làm được, hiện nay Hội đồng GPMB và tổ giúp việc phải tiến hành tự lập dự toán. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm không có hồ sơ đăng ký sản xuất kinh doanh, số lao động làm thuê không có hợp đồng nên không có cơ sở để áp dụng chính sách hỗ trợ về ngừng sản xuất kinh doanh…
Trao đổi với một số hộ nuôi tôm, được biết, nếu việc áp giá thấp, không bảo đảm mức vốn tối thiểu của người nuôi đã đầu tư, thì dù muốn GPMB nhanh, họ cũng khó để chấp thuận.
Ông Hoàng Minh Thắng-một hộ nuôi tôm cho biết, hiện gia đình ông có 8 hồ tôm, 1 hồ cá với diện tích nuôi trồng hơn 3 ha, giải quyết việc làm cho 26 lao động, tổng đầu tư ban đầu 6,6 tỷ đồng, đến nay gần 25 tỷ đồng. Ông Thắng cũng rất mong công tác GPMB nhanh, gọn để gia đình có hướng đầu tư vào sản xuất khác, nếu cứ kéo dài tình trạng “nuôi không được, bỏ không xong” thì thiệt hại kinh tế cho bản thân và cho cả nhiều lao động đang làm thuê tại cơ sở của gia đình ông.
Bởi nếu như năm 2015, đến trước thời điểm này, ông đã thả tôm giống cho vụ mới và chỉ thêm một thời gian ngắn nữa, gia đình ông có nguồn thu tiền tỷ từ xuất bán tôm và đến cuối năm, dù thất thu gia đình ông cũng thu về gần 2 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến các năm “thuận buồm, xuôi gió” như năm 2013, 2014, mỗi năm, gia đình ông thu lãi 7-8 tỷ đồng. Với nguồn thu này, ông Thắng có để chi trả lãi suất vay vốn ngân hàng và tiếp tục tái đầu tư sản xuất.
Ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh cũng mong muốn rằng, người dân trên địa bàn xã được giải quyết đền bù một cách thỏa đáng, kịp thời, và sau khi được đền bù cũng đề nghị Nhà nước quan tâm đến việc cấp, cho thuê đất và tạo mọi điều kiện bà con nông dân tái đầu tư sản xuất. Thực tế, đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, Hội đồng GPMB nên nghiên cứu nâng mức hỗ trợ về trang thiết bị máy móc và giá đền bù mặt bằng tính theo mét vuông…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh thì khó khăn, vướng mắc vẫn là chỗ các hộ nuôi trồng thủy sản, huyện cũng đã có văn bản xin ý kiến tỉnh để nâng mức đền bù, hỗ trợ đối với những hộ này.
Hương Trà(baoquangbinh.vn)