Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác – Kỳ 1: Ưu thế của tổ hợp tác trong nông nghiệp

0
4004

Kinh tế Quảng Bình – Tỉnh ta đang cùng cả nước thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó, hai trong những nội dung tổng thể của Chương trình là: chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Vì vậy, có thể nói mô hình tổ hợp tác sản xuất trong nông nghiệp cũng không nằm ngoài những mục tiêu trên.

Hướng đi mới của nông dân

Những năm qua, mô hình tổ hợp tác (THT) với nhiều tên gọi khác nhau như: tổ hợp tác, tập đoàn, hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ… đã phát triển mạnh và rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng và vay vốn.

Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có gần 1.000 THT, thu hút trên 20.000 thành viên tham gia, trong đó có 26 THT nông, lâm, thủy sản đăng ký hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT (có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn) với số lượng thành viên là trên 1.000 người (bình quân 39 người/tổ). Theo đó, các THT cũng chia theo từng ngành, nghề gồm: 20 THT nuôi trồng, khai thác thủy sản và 6 THT nông, lâm nghiệp.

Cụ thể, huyện Quảng Trạch là địa phương có số lượng THT nhiều nhất với 10 tổ, Bố Trạch có 8 tổ, Đồng Hới có 3 tổ, Quảng Ninh có 3 tổ (trong đó có 2 tổ tự thành lập và chưa được sự hỗ trợ của chính quyền) và Lệ Thủy có 2 tổ.

Qua thực tế sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương cho thấy, quá trình hình thành mô hình THT sản xuất trong nông nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khách quan. Đầu tiên là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta có qui mô nhỏ, phân tán nên sản xuất hàng hóa từng nông hộ không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc sản xuất hàng hoá càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng cao thì những người lao động riêng lẻ, các hộ cá thể càng có yêu cầu phải liên kết hợp tác với nhau, nếu không sẽ khó có thể tồn tại và phát triển. Ngoài ra, hợp tác liên kết sản xuất còn giúp các thành viên tự quản lẫn nhau vì vậy chất lượng nông sản được bảo đảm.

Mặt khác, mô hình THT phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn và phù hợp với từng cây trồng vật nuôi, với từng ngành nghề, sản phẩm của người nông dân. Đặc biệt, nhiều THT sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã thực sự là điểm tựa tin cậy cho người nông dân bởi đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Đáng kể như các THT:  khai thác trên biển ở xã Cảnh Dương, Quảng Phúc (Quảng Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), Đức Trạch (Bố Trạch); nuôi thủy sản ở xã Quảng Thuận (Quảng Trạch), Đồng Trạch (Bố Trạch) và Võ Ninh (Quảng Ninh); nuôi bò sinh sản ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy); giảm tổn thất sau thu hoạch ở xã Võ Ninh; Trồng mướp đắng ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy)…


Tổ hợp tác nuôi thủy sản ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh).

Như vậy, hoạt động liên kết để sản xuất và gia tăng việc thành lập các THT liên quan đến sản xuất, dịch vụ nông nghiệp chính là xu hướng và lựa chọn tất yếu trong giai đoạn hiện nay của nông dân.

Đánh giá vai trò của THT trong sản xuất nông nghiệp, ông Trương Văn Lanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng: “Các THT đóng vai trò rất quan trọng vào việc giải quyết giữa sản xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hoá lớn, đáp ứng được yêu cầu của CNH, HĐH, đồng thời là cơ sở nền tảng để hình thành các HTX, liên hiệp HTX, các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nông nghiệp, nông thôn…”.

Những mặt mạnh của mô hình

Để thực sự có được sức hút cho hàng nghìn thành viên tham gia thì mô hình THT đã có những mặt mạnh và ưu điểm mà ít mô hình nào có được.

Điều đáng nói ở đây, là việc hình thành các THT hiện nay là tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như thời bao cấp trước đây. Đó là các THT hoạt động trên cơ sở được bảo đảm bằng tính tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển của mình thông qua hợp tác và cạnh tranh lành mạnh và đề cao tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng.  Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật mới, vốn, cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, các thủ tục thành lập THT tương đối gọn nhẹ, dễ dàng, chỉ cần các hộ thống nhất sau đó thông qua chính quyền cấp xã chứng thực là có thể hoạt động. Các thành viên trong tổ hầu hết là những người chung ngành nghề, chung sở thích nên khi sát nhập với nhau sẽ tăng thêm kinh nghiệm, tăng nguồn vốn, tăng mạnh sản phẩm có chất lượng. Điển hình như THT nuôi trồng thủy sản Hòa Bình ở xã Đồng Trạch. Sau nhiều vụ nuôi tôm bấp bênh, nhiều hộ nông dân nhận thấy, việc liên kết các hộ lại với nhau sẽ tăng cường hoạt động giám sát lẫn nhau trong quy trình nuôi, đồng thời kiểm soát và hạn chế được việc phát sinh, lây lan dịch bệnh trên diện rộng, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi tôm.

Anh Hoàng Quang Hiếu, tổ trưởng THT khai thác trên biển ở xã Bảo Ninh chia sẻ: Khi các thành viên tham gia vào THT khai thác trên biển sẽ khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như: thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…Ngược lại, các THT cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về: lao động, vật tư và tiền vốn… Vì vậy, có thể thấy mô hình THT là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.

Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã có 7 HTX được thành lập mới từ những mô hình THT. Điều này đã chứng minh các THT đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các hộ thành viên, đồng thời tạo tiền đề cho cung cách làm ăn mới, hướng sản xuất tới thị trường.

Như vậy, mô hình THT đã thực sự liên kết chặt chẽ các hộ nông dân trong sản xuất, cải thiện đầu ra của sản phẩm nhằm mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Chính vì thế mà mô hình luôn được duy trì và nhân rộng để ngày càng phát huy tác dụng của nó, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Baoquangbinh
                                                          Kỳ sau: Những tổ hợp tác điển hình

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777