Ở thôn Văn Minh, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có một ngôi miếu cổ, có niên đại hàng trăm năm được cho là rất linh thiêng. Điều đặc biệt, ngôi miếu được một cây sanh cổ thụ bao bọc toàn bộ…
Theo các bậc cao niên ở đây, ngôi miếu có từ thời nào không ai nắm rõ, nhưng nhiều người sống gần 100 tuổi ở làng Văn Minh lớn lên đã thấy một cây sanh cổ thụ với bộ rễ chằng chịt, khổng lồ ôm chặt, bao bọc lấy toàn bộ ngôi miếu cổ.
Tán cây tỏa rộng ra toàn bộ khuôn viên hơn 100 m2, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng. Phía trong miếu có nhiều câu đối bằng chữ Hán được viết nên từ khi lập miếu nhưng đến nay trong làng vẫn chưa ai có thể dịch nghĩa được câu đối này…
Tán cây rộng hơn 100 m2, tỏa bóng mát tạo nét cổ kính, linh thiêng.
Toàn bộ ngôi miếu cổ được cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi bao bọc.
Bộ rễ cây sanh chằng chịt, đan xen, ôm chặt lấy ngôi miếu.
Cũng theo lời các cụ cao niên, tương truyền cách đây hơn 300 năm trước, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, vùng đất An Sinh (thôn Văn Minh ngày nay) với vị trí đắc địa, kín đáo, khí hậu trong lành nên được chúa Nguyễn lựa chọn là nơi nghỉ dưỡng cho các đội.
Ngôi miếu này cũng được lập nên từ đó và tồn tại đến bây giờ. Ngôi miếu lập nên là để thờ một vị tướng triều Nguyễn không chỉ am tường về địa lý mà còn giỏi bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Người dân nơi đây thường gọi ngôi miếu này là Miếu Ông, bởi cách đó vài trăm mét cũng có một ngôi miếu cổ khác mang tên Miếu Bà, hiện đã không còn nguyên trạng bởi thời gian và bom đạn chiến tranh tàn phá.
Ngôi miếu cổ là nơi thành lập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, đã được công nhận là di tích lịch sử.
Hàng trăm năm qua, ngôi miếu cổ này và cây sanh được người dân địa phương chăm sóc rất cẩn thận. Bởi theo người dân địa phương, ngôi miếu cổ này rất linh thiêng, hàng năm có rất nhiều du khách từ khắp nơi đến thăm hương cầu an, cầu tự…
Không chỉ có vậy, ngày 4.7.1945, tại địa điểm này đã diễn ra Hội nghị Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập các tổ, đội tự vệ tập trung, các khu căn cứ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị.
Từ đây, lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đã ra đời trong sự che chở đùm bọc của người dân địa phương trong những năm chiến tranh. Năm 2005, khu vực ngôi miếu và cây sanh đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích lịch sử, nơi ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình.