Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, thời gian qua, người tiêu dùng ở thành phố Đồng Hới dè dặt với hải sản. Tuy nhiên, sau khi các ngành chức năng công bố sự an toàn của các loại cá tầng nổi và độ an toàn của biển miền Trung, thị trường hải sản trên địa bàn thành phố đã nhộn nhịp trở lại, giá cả bắt đầu có xu hướng tăng.
Chợ Đồng Hới là trung tâm đầu mối mua bán các loại hải sản phục vụ du lịch và nhu cầu hàng ngày của người dân thành phố Đồng Hới. Khu chợ có gần 100 gian hàng bày bán hải sản phong phú. Cách đây khoảng 6 – 7 tháng, chợ hải sản luôn trong tình trạng vắng vẻ. Vắng từ người bán đến khách mua.
Niềm vui đã trở lại với ngư dân vùng biển. |
Những tiểu thương trước kia mỗi ngày bán cả tạ cá, thì thời điểm đó, chỉ lấy bán vài kg, nhưng vẫn ế ẩm. Tuy vậy, đó là câu chuyện của những tháng trước, giờ đây, thị trường tiêu thụ hải sản ở Đồng Hới bắt đầu sôi động sau nhiều ngày vắng bóng. Cảng cá vì thế cũng nhộn nhịp người mua, kẻ bán.
Chị Phan Thị Hiếu, tiểu thương buôn bán hải sản ở chợ Đồng Hới cho biết: “Tôi chủ yếu bán các mặt hàng cá thu, cua, ghẹ. Trước đây, khi sự cố môi trường biển mới xảy ra, bán không có ai mua, hàng họ ế ẩm, tôi phải nghỉ ở nhà. Khi nghe thông tin cá biển đánh bắt ngoài khơi an toàn, tôi đã buôn bán trở lại. Thời điểm này, các mặt hàng này đều giữ giá, cụ thể, cua loại I là 500 nghìn/ kg, cá thu 170 – 200 nghìn/ kg; cá bớp 180 – 200 nghìn/kg, ghẹ 80 – 150 nghìn/kg”.
Chung niềm vui này, ngư dân Lê Văn Tích (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) cho biết: “Tàu tôi thường đánh bóng ghẹ ở vùng biển ngoài khơi. Tuy đánh cách bờ mấy chục hải lý, nhưng từ khi biển gặp sự cố, giá ghẹ giảm mạnh, thu nhập rất thấp.
Tại Bảo Ninh, anh em làm nghề biển hầu như cũng đã chuyển thuyền lên bờ, đi tứ xứ làm thuê kiếm sống. Mấy tháng nay, xóm làng buồn tênh, biển bờ hiu quạnh. Nay, nghe thông tin biển đã nằm trong ngưỡng an toàn, chúng tôi mừng lắm. Ai ai cũng hy vọng, để ngư dân quay lại với biển, sống với nghề truyền thống”.
Bên cạnh việc mua bán giữa các chủ thuyền và thương lái diễn ra nhộn nhịp, người dân cũng phần nào yên tâm ăn cá. Bà Nguyễn Thị Lan ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới chia sẻ: “Khi sự cố môi trường biển xảy ra, đi chợ thấy nhiều cá tươi, ngon, muốn mua, nhưng lại sợ. Nhiều khi thèm ăn đồ biển phải nhờ người em ở trong Vũng Tàu gửi ra. Nhưng, giờ đây chúng tôi đã có thể tự tin chiều chiều về chợ Đồng Hới lựa chọn hải sản vừa tươi, vừa rẻ”.
Thị trường hải sản tấp nập trở lại |
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ khác trên địa bàn thành phố, như: chợ Cộn, chợ Nam Lý, chợ Công đoàn… mỗi sáng, mỗi chiều vẫn tấp nập người mua bán hải sản.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 28-4-2016, Trung tâm thường xuyên thực hiện quan trắc, phân tích nhằm đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại bốn điểm: bãi tắm Vũng Chùa, bãi tắm Đá Nhảy, bãi tắm Nhật Lệ và bãi tắm Hải Ninh, với tần suất 2 lần/ngày. Kết quả quan trắc, phân tích so sánh với QCVN 10 – MT: 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và các mục đích khác, cho thấy, 18 chỉ tiêu phân tích trong các mẫu nước được quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.
Thời điểm này, Quảng Bình đang vào mùa du lịch, lượng khách về với biển đang rất nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là các ngày nghỉ lễ. Nguồn hải sản tươi sạch, an toàn sẽ làm sôi động mùa khi du lịch biển.