Trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, Quảng Bình luôn là một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất Quảng Bình hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi cương vực (địa giới lãnh thổ) và tên gọi. Theo thư tịch cũ, thuở vua Hùng lập quốc, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.
Dưới các triều đại phong kiến Trung Quốc, đất nước ta bị lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, vùng đất Quảng Bình khi thì nằm trong quận Tượng Lâm, khi thì nằm trong quận Nhật Nam.
Năm 192 triều đại Đông Hán bị đánh bại phải rút quân về nước, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý.
Năm 1069, để phá tan âm mưu cấu kết giữa quân xâm lược nhà Tống và Chiêm Thành, một đạo quân Đại Việt do Lý Thánh Tông cầm đầu và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy, đã tiến đánh vào tận kinh thành Chăm-pa, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc tội, vua Chiêm cắt dâng 3 châu: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (gồm Quảng Bình – Quảng Trị) cho nhà Lý. Quảng Bình trở về với cội nguồn Đại Việt từ đó.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa Lý thành Châu Lâm Bình. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta. Chính Lý Thường Kiệt là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn cương vực lãnh thổ như ngày nay.
Sau thời Lý Thường Kiệt, cương vực và tên vùng đất này lại có nhiều thay đổi, năm 1361 vua Trần Duệ Tông đổi châu Lâm Bình thành phủ Tân Bình, năm 1375 Trần Duệ Tông đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình.
Dưới triều Lê, đời Lê Thánh Tông (1460-1497), quận Tân Bình thuộc Châu Thuận Hoá.
Đến thời Nguyễn Hoàng (1558 đến 1604) vùng đất Bắc sông Gianh gọi là xứ Đàng Ngoài, vùng Nam sông Gianh gọi là xứ Đàng Trong. Năm 1605 Nguyễn Hoàng đổi Châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình, cái tên Quảng Bình có từ đó.
Nguyễn Huệ là người có công chấm dứt nội chiến Nam Bắc phân tranh hơn 200 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới, thống nhất đất nước xóa bỏ 2 châu Bắc, Nam Bố Chính thành lập Châu Thuận Chính (Thuận có nghĩa là hòa thuận chấm dứt chiến tranh).
Năm 1802, sau khi đàn áp phong trào Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, Gia Long trở lại tên gọi vùng đất Quảng Bình hiện nay là Bố Chính nội, Bố Chính ngoại, nhằm phân biệt giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bờ sông Gianh.
Năm 1832, đời vua Minh Mạng, Bố Chính trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình (tên tỉnh Quảng Bình là một đơn vị hành chính bắt đầu từ đây). Từ đây cho đến thời vua Thiệu Trị toàn tỉnh có 2 phủ, 6 huyện (phủ là đơn vị hành chính bao gồm nhiều huyện). Phủ Quảng Ninh có 3 huyện: Phong Lộc, Phong Đăng và Lệ Thủy (Đồng Hới thuộc phủ Quảng Ninh). Phủ Quảng Trạch gồm 3 huyện: Bố Trạch, Bình Chánh và Minh Chánh.
Sau phong trào Cần Vương cho đến trước 1945, Quảng Bình có 2 phủ và 3 huyện (phủ lúc này không bao gồm huyện) đó là: Quảng Ninh và Quảng Trạch, ba huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa (suốt thời kỳ thuộc địa Pháp dưới triều Nguyễn, Đồng Hới là tỉnh lị Quảng Bình).
Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quảng Bình có 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Đồng Hới (đến năm 1965 tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa cho đến tháng 9 – 1975).
Từ ngày 20 tháng 9 năm 1975 Trung ương có quyết định nhập Quảng Bình với Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình – Trị – Thiên, lấy thành phố Huế làm tỉnh lị.
Bắt đầu từ đây có sự sát nhập một số huyện ở Quảng Bình cũ: huyện Lệ Ninh (Quảng Ninh và Lệ Thủy), huyện Tuyên Minh (Tuyên Hóa và Minh Hóa).
Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên, ngày 1-7-1989 Trung ương Đảng đã có quyết định tách 3 tỉnh về địa giới cũ. Quảng Bình phục hồi lại vị trí các huyện như trước khi nhập tỉnh. Ngày 12-12-2004 thị xã Đồng Hới được Chính phủ ra Quyết định nâng cấp thành Thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh.
Hiện nay (2006) toàn tỉnh có 141 xã, 10 phường, 8 thị trấn, 1 thành phố.