Mô hình bảo vệ và phát triển rừng ở Quảng Bình.

0
2063

Kinh tế Quảng Bình – Hướng mở của mô hình kinh tế rừng bền vững Khi rừng được bảo vệ tốt, vốn rừng và chất lượng rừng nâng lên thì cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo đó sẽ mở ra. Và thực tế, những năm gần đây, dù bị tác động của suy thoái kinh tế, nhưng hiệu quả kinh doanh của Công ty Long Đại vẫn ở mức cao. Điều quan trọng là đơn vị này đã định hình được một mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả và bền vững.

 

 

Chăm sóc cây cao-su trồng mới ở Công ty Long Đại.

 

Quy trình sản xuất, kinh doanh khép kín và chuyên sâu

 

Với đặc điểm của một đơn vị sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, toàn bộ lợi ích của Công ty Long Đại dựa vào rừng và đất rừng được giao. Có nghĩa, rừng càng giàu thì lợi ích doanh nghiệp và người lao động càng lớn và ngược lại. Bởi vậy, chiến lược của Long Đại là bảo tồn và phát triển vốn rừng tự nhiên đang có và mở rộng vùng rừng trồng nguyên liệu có chất lượng và giá trị kinh tế. Đồng thời hoàn thiện mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín mang tính chuyên sâu: sản phẩm của giai đoạn này là đầu vào của giai đoạn kia, từ trồng, khai thác, chế biến đến xuất khẩu. Bởi vậy, một mặt doanh nghiệp kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động cho thật phù hợp với điều kiện cụ thể, từ 16 đơn vị trực thuộc xuống còn 10 đơn vị, mặt khác tập trung đầu tư sâu vào các lĩnh vực chế biến sản phẩm từ rừng. Hiện tại, công ty có hai chi nhánh lâm trường (CNLT) làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; năm CNLT chuyên trồng, khai thác sản phẩm rừng nguyên liệu và ba xí nghiệp khai thác, chế biến sản phẩm từ các loại rừng và dịch vụ lâm nghiệp. Ngoài ra, Công ty Long Đại còn liên kết góp vốn thành lập Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu Quảng Đông và liên doanh chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 240 nghìn m3/năm. Như vậy, tất cả sản phẩm từ rừng của Long Đại đều được đơn vị chế biến từ các loại gỗ, nhựa thông và sắp tới là mủ cao-su… Hướng đầu tư chuyên sâu về lâm nghiệp đã tạo cho Công ty Long Đại thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh bởi nguồn nguyên liệu dồi dào và với quy mô, sản lượng hiện có, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn có vị trí chủ lực trên thị trường địa phương và khu vực.

 

Hướng đi đúng, hiệu quả cao

 

Theo báo cáo của Công ty Long Đại, những năm gần đây, dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vẫn ổn định và phát triển. Doanh thu hằng năm luôn vượt kế hoạch, hoàn thành nghĩa vụ Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử: năm 2010, doanh thu đạt hơn 246 tỷ đồng/kế hoạch 225 tỷ đồng; thu nhập bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, doanh thu 297,7 tỷ đồng/kế hoạch 283 tỷ đồng; thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, doanh thu đạt 346 tỷ đồng/kế hoạch 310 tỷ đồng; thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong hơn 100 nghìn ha rừng và đất rừng của Công ty Long Đại có hơn 70 nghìn ha rừng tự nhiên, gần 17 nghìn ha rừng trồng và hơn 13 nghìn ha rừng nghèo kiệt. Sau nhiều năm quyết liệt bảo vệ, phát triển rừng, đến nay Công ty Long Đại đã đưa độ che phủ rừng lên cao nhất cả nước, từ 64% (năm 1990) lên 78% (năm 2012). Vốn rừng tự nhiên của đơn vị đã ổn định được sản lượng khai thác hằng năm từ 8 đến 8,5 nghìn m3, trong đó có khoảng một nghìn m3 gỗ lim và lượng khai thác này được đánh giá là chỉ bằng 20% trữ lượng gỗ tăng trưởng hằng năm. Với loại hình rừng trồng, mỗi năm Công ty Long Đại tổ chức trồng mới gần 1.000 ha các loại, chủ yếu là cao-su, keo tràm và cây bản địa. Đến nay, vốn rừng trồng của Công ty Long Đại đã có 8.607 ha rừng nguyên liệu gỗ keo, tràm, 1.558 ha cao-su, 3.800 ha thông và 1.349 ha cây bản địa, chủ yếu là lim, huỷnh. Theo kế hoạch, số diện tích hơn 13 nghìn ha rừng nghèo của Long Đại sẽ được chuyển dần sang trồng cao-su, thông nhựa và cây bản địa. Với hướng đi đúng này, Công ty Long Đại đang phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích rừng nguyên liệu gỗ lên 13 nghìn ha và diện tích cao-su lên 3.500 ha. Theo tính toán của công ty từ năm 2013, doanh thu hằng năm của đơn vị tăng khoảng 20-25%.

 

Với kế hoạch phát triển này, một lượng lớn lao động “vệ tinh” sẽ được huy động từ các địa phương nơi có rừng và dự kiến từ nay đến năm 2020, Công ty Long Đại sẽ tuyển dụng thêm khoảng 1.500 công nhân lâm nghiệp và hợp đồng với hơn ba nghìn hộ nông dân để làm nghề rừng. Điều đó có nghĩa, cơ hội có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho một bộ phận không nhỏ nông dân vùng sâu, vùng xa vốn đang rất thiếu việc làm sẽ được mở ra. Và cũng nhờ đó, áp lực mưu sinh vào rừng tự nhiên của hàng nghìn hộ dân ven rừng sẽ giảm, cơ hội rừng được bảo vệ sẽ tăng lên.

 

Những kiến nghị

 

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá: Công ty Long Đại đã tạo được mô hình phát triển rất phù hợp với điều kiện kinh tế rừng của Quảng Bình. Không chỉ bảo vệ rừng tốt mà ngày càng làm cho nó giàu thêm, đồng thời tổ chức kinh doanh từ rừng rất hiệu quả. Điều quan trọng là với mô hình quản lý khoa học và hiệu quả, Công ty Long Đại đã thu hút một lượng lớn lao động là nông dân địa phương tham gia phát triển kinh tế rừng, vừa giúp bà con ổn định đời sống, vừa giảm nguy cơ phá rừng do thiếu việc làm.

 

Từ thực tế ở Quảng Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Giao rừng cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ như trường hợp của Công ty Long Đại sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc thành lập các ban quản lý rừng theo mô hình đơn vị sự nghiệp. Bởi theo quy định của Nhà nước, mỗi cán bộ quản lý rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ 1.000 ha, trong điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm, nhưng quyền lợi thực tế không gắn với trách nhiệm. Còn với doanh nghiệp quản lý rừng như ở Công ty Long Đại, một phần lợi nhuận từ rừng được đơn vị sử dụng để tăng thu nhập cho nhân viên bảo vệ, đồng thời gắn chặt trách nhiệm của họ vào từng khu rừng, thậm chí từng cây rừng cụ thể.

 

Trong chuyến khảo sát mô hình lâm trường quốc doanh tại Quảng Bình vào giữa tháng 3-2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao hiệu quả của Công ty Long Đại; đồng thời cho rằng, đây là một hình mẫu lâm trường quốc doanh sau chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ đã tìm được hướng đi đúng và phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, để mô hình Long Đại nói riêng và loại hình công ty lâm nghiệp nói chung có thể vận hành tốt hơn, cần thiết phải có những điều chỉnh trong chính sách quản lý ở cả tầm Trung ương và địa phương. Theo đồng chí Phan Đình Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Long Đại, một công ty lâm nghiệp có thể đứng vững được, trước hết phải có quy mô về diện tích đủ lớn (hơn 50 nghìn ha) để có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh và thực hiện quá trình tập trung hóa sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khi Nhà nước đã cho doanh nghiệp thuê đất thì phải bảo đảm tính ổn định, bởi có ổn định thì doanh nghiệp mới xây dựng được quy hoạch sản xuất và bảo đảm tư liệu sản xuất để phục vụ chuyên môn hóa sâu trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, sản xuất, kinh doanh ngành lâm nghiệp mang tính đặc thù cao: điều kiện khó khăn, địa bàn rộng, xa xôi, địa hình phức tạp, đất rừng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong chính sách tài chính, Nhà nước cần có sự ưu tiên, như việc hoàn thiện thủ tục cho thuê, có miễn giảm thuế đất, nhất là với diện tích đất rừng tự nhiên. Ngoài ra, đề nghị Nhà nước cho chủ trương công ty lâm nghiệp thực hiện cổ phần hóa đối với diện tích rừng trồng theo hình thức Nhà nước nắm cổ phần chi phối từ 65% trở lên nhằm thu hút nguồn vốn…

 

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam, mô hình quản lý, bảo vệ, sử dụng vốn rừng và nghề rừng của Công ty Long Đại là một mẫu mực. Công ty đã “bắt mạch” được thị trường, điều chỉnh quy mô sản xuất, kinh doanh hợp lý, phân chia lợi ích hài hòa giữa công ty và đơn vị thành viên, giữa công ty và người dân làm nghề rừng. Mô hình quản lý của công ty là sự kết hợp giữa chuyên môn hóa và hợp tác hóa, có sự phân công, phân cấp phù hợp với nghề rừng cho nên hiệu quả cao.

 

 

Sản xuất các thiết bị nội thất từ gỗ rừng tự nhiên ở Công ty Long Đại.

 

 

Vườn ươm cây giống của Công ty Long Đại phục vụ trồng rừng nguyên liệu.

Theo Bao Nhandan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777