Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 3)

0
6651
ho khoan le thuy, quang binh, tin tuc quang binh

 2. HÒ KHOAN LỆ THỦY, MỘT LOẠI THỂ DÂN CA ĐẶC SẮC.
Trên mảnh đất này, trong gian khó của cuộc sống đã hình thành những hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc. Một phong cách riêng của đất miền Bình – Trị – Thiên. Khác với những nơi khác, dân ca là thú tiêu khiển, thậm chí chỉ phục vụ cho một giai tầng cao của xã hội ở chốn cung đình, ở cửa nhà quan. Vậy nên, mới có cách diễn xướng chỉ của một nhóm nghệ nhân với không gian biểu diễn có quy ước. Còn ở Lệ Thủy, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động, ai cũng có thể tham gia, càng đông càng rạo rực.

hò khoan lệ thủy, quảng bình, tin tức quảng bình
Hát hò khoan Lệ Thủy

Từng làn điệu, từng câu ca lung linh như ngọc, mềm mại như dãi lụa đào, duyên dáng như bông hoa e ấp trước gió, chuyên chở ở trong đó biết bao tâm tư, nếp nghỉ, đạo lý, nhân duyên. Chúng nằm trong từng câu của thể lục bát, song thất lục bát ý nhị, mượt mà, ai cũng có thể nhớ, có thể cảm. Nó quyện trong khói lam chiều của mái tranh quê, cây da, bến nước, trăng thanh, gió mát êm đềm của mỗi thôn cùng, xóm nhỏ.
Từ bao đời nay, hầu hết những câu hò đã được nâng niu giữ gìn sau lũy tre xanh, trau chuốt thêm, sáng tạo thêm. Làm cho nó ngày càng lung linh, ngày càng phong phú. Cứ đọc, cứ nghe về nó ta cảm nhận được tâm hồn, tư tưởng, khát vọng của cha ông và cũng là khát vọng của chính mình.
Đã từ lâu, chúng ta đã nghe nhiều, đọc nhiều về ca dao dân ca Việt Nam. Biết nhiều về dân ca Bình Trị Thiên da diết, mượt mà, nồng nàn tình yêu. Song chúng ta chưa biết nhiều về hò khoan Lệ Thủy. Cũng đã có một số chuyên khảo về dân ca miền Trung, một số sưu tầm, nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy. Song vẫn chỉ dừng lại ở sưu tầm các bài hò là chính, chưa nói hết được đặc trưng phong phú về nội dung, làn điệu, diễn xướng, lớp lối của hò khoan. Vì vậy, để thấy được hết cái hay, cái đẹp của hò khoan thì cũng nên làm rõ về nó.

2.1 Mô tả về hò khoan Lệ Thủy.
Hò khoan là một trong những bộ phận cấu thành của dân ca miền Trung nói chung và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Do đặc điểm truyền khẩu và tính tương đồng về văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp hò khoan ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Định… song nó cũng đã có những biến tấu nhất định về giai điệu hoặc cách diễn xướng. Ngay cả trong phạm vi của tình Quảng Bình, hò khoan vẫn là đặc trưng của Lệ Thủy, vùng chiêm trũng, sông nước. Ở Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên, Minh hầu như không có hò khoan.
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, xuất hiện trong quá trình lao động sản xuất. Vì vậy, hò khoan là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể rất cao. Thường thì một, hoặc một vài người lĩnh xướng còn đám đông đế, xố, phụ họa theo những cách thức riêng của từng làn điệu. Thông thường người đế, xố, phụ họa là đám đông có mặt, bao gồm già trẻ, gái trai hoặc những người cùng lao động, sản xuất, không có giới hạn số lượng, nên hiệu ứng đám đông hưng phấn rất mạnh.
2.1.1 Quy ước tổ chức
Trong hò khoan, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “xố”. Mỗi câu hò thường thì chỉ có một người lĩnh xướng, còn người xố thì có thể một hoặc tất cả đám đông có mặt, người ta gọi là “hội xố”. Điều này rất thú vị vì tính quần chúng của nó và nó thu hút đám đông rất mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng rất rộn ràng.
Trong tổ chức hò khoan có hai hình thức sinh hoạt tự phát và tự giác. Hình thức tự phát thường diễn ra trong quá trình lao động. Bên này, bên kia có thể cách nhau một con sông, một quãng đồng, một thửa ruộng. Bên này hò thì bên kia xố và ngược lại. Tuy nói là tự phát, có nghĩa là không có sự chuẩn bị trước nhưng hể cứ xướng lên là người khác có thể vào cuộc được ngay. Vì rằng những làn điệu hò và cung cách xố đã định hình trong tiềm thức của người dân Lệ Thủy. Thậm chí, tùy khung cảnh và quy mô giao tiếp người ta có thể lựa chọn làn điệu cho phù hợp. Nếu bạn hò chỉ một hoặc vài người thì người ta thường dùng mái ruổi, mái ba, mái nện… Còn nếu bạn hò đông như là cả phường cấy, phường gặt thì người ta dùng mái xắp, mái chè. Cuộc hò có khi chỉ kéo dài trong vài chục câu hò cho vui vẻ. Bên này hò cái thì bên kia hò con, không có tính ganh đua.

Hình thức tự giác là các cuộc hò có địa điểm tổ chức cụ thể. Có khi đó là sân kho chứa lúa, sân đình, tụ điểm sinh hoạt của làng. Hò tự giác thường gắn liền với giã gạo. Trong cuộc hò tự giác thì có quy ước trình tự cuộc hò, có lớp lang hẳn hoi. Đi từ hò mời, hò chào, hò gần, hò giữa, hò xa cách, từ tạ. Những cuộc hò như vậy thường được tổ chức nhân dịp hội mùa, hội làng, hội đua thuyền cầu mưa hay những đêm trăng sáng, các bạn hò có nhu cầu giao lưu. Thường thì các cuộc hò tự giác có tính ganh đua quyết liệt. Bên nam thách đố bên nữ, làng này thách đố làng kia. Cuộc hò nhiều khi nóng lên do “cay cú”. Nhiều cuộc người hò có sự chuẩn bị chu đáo, không khí thi đua, ăn thua rõ rệt. Những lúc này cuộc hò trở thành điểm hẹn để trai gái giao duyên. Người già thì hưởng cái thú vui tao nhã, bác học của lời hò, kĩ thuật luyến láy, nhả âm. Các nghệ nhân thì tha hồ mà trổ tài, khoe giọng. Nhiều cuộc hò say mê, thâu đêm không dứt.

Đặng Ngọc Tuân – Quảng Bình Today

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777