Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 4)

1
39258
ho khoan le thuy, tin tức quảng bình, quảng bình

2.1.2  Diễn xướng trong hò khoan
Như đã nói, có đến hơn 20 hình thức lao động, sinh hoạt có diễn xướng hò khoan. Vậy diễn xướng là gì? Diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mĩ. Diễn xướng khác với biểu diễn, trình diễn và nó chỉ có trong sinh hoạt dân gian phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống. Diễn xướng liên kết, gắn bó mọi người có mặt. Biểu diễn thì có người diễn, người xem, người xem không tham gia vào biểu diễn. Còn diễn xướng thì cả người diễn và người xem tham gia cùng diễn với nhau.

ho khoan le thuy, tin tức quảng bình, quảng bình
Hò khoan Lệ Thủy

Khi nghiên cứu về dân ca thì thấy rằng, các hình thức dân ca khác của các vùng miền đều có môi trường sinh hoạt mang tính cung đình, có sân khấu biểu diễn, trình diễn. Từ Chèo, Quan họ, Ví, Dặm, Xoan, Xẩm, Lý, Tuồng… ngoài bộ phận diễn xướng mang tính quần chúng đều có bộ phận  biểu diễn mang tính sân khấu, cung đình. Riêng hò khoan chỉ gắn với môi trường lao động, môi trường sinh hoạt quần chúng nên nó chỉ có diễn xướng. Cả trong những trường hợp người ta tưởng như đó là biểu diễn như các cuộc hội thi hò khoan. Tuy có sân khấu, có tổ chức hẳn hoi nhưng  diễn viên với quần chúng vẫn hòa nhập với nhau làm một trong vai trò của hò cái và hò con. Trong lịch sử thì cũng đã có một số nghệ nhân ở Huế tổ chức sân khấu hò khoan nhưng không tồn tại lâu. Do đặc điểm này nên hò khoan hình thành những “sân khấu” đặc biệt. Đó là những hình thức diễn xướng hò khoan. Có thể kể ra đây những hình thức diễn xướng của hò khoan để minh chứng. Theo kết quả khảo sát, có gần 20 hình thức lao động khác nhau có diễn xướng hò khoan: chèo thuyền, giã vôi, nện đất, cất nhà, giã gạo, cấy lúa, gặt lúa, cày ruộng, đám cưới, đám ma, đánh cá, kéo gỗ, đẩy thuyền, đi ở, thợ nề, thợ mộc… Trong thời kháng chiến còn có hò địch vận. Tùy theo nhịp độ, phương thức lao động mà chọn làn điệu cho phù hợp. Cũng có thể trong một hình thức lao động đó có đến vài ba, hoặc cả năm làn điệu được diễn xướng. Người ta chuyển từ mái ruổi sang mái xấp, mái ba, mái nện… rất uyển chuyển. Chẳng hạn, khi giã gạo chày đôi, tiết tấu chậm thì người ta dùng mái nện, nhưng khi chày tư thì tiết tấu nhanh gấp đôi người ta dùng mái xắp. Trong hò đưa linh, khi linh cữu còn để trong nhà người ta dùng mái ruổi kể lể buồn đau. Khi đưa xuống thuyền chèo đưa lên núi người ta dùng mái nện. Lúc đặt quan tài xuống huyệt, lấp đất người ta dùng mái nện, mái xắp, mái chè. Sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức không chỉ có bạn hò mà con trâu kéo gỗ cũng biết lắng tai nghe đến đoạn dứt câu hò là nó giật mạnh, kéo gỗ đi băng băng.
Trong hò khoan, không có phân biệt diễn viên với khán giả. Chỉ có hò cái và hò con. Cái hò thì con xố. Và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con “tất cả đều là nghệ sỹ”. Cái cách diễn xướng này làm cho ai cúng sảng khoái.

Cách tổ chức và hình thức diễn xướng chủ yếu của hò khoan là hát đối đáp hai bên. Ít nhất cũng phải có hai người hát. Một bên hò, một bên xố. Ở những môi trường hò có tổ chức theo cuộc hát thì hò phải theo đúng từng “chặng” từ chào mời, vào cuộc giữa cho đến giã từ… Trong khi hò, tính ngẫu hứng sáng tạo là rất cao nên cách diễn xướng cũng thường rất sáng tạo.
2.1.3  Các làn điệu (mái hò)
Hò Khoan Lệ Thủy có 5 làn điệu cơ bản, (có tài liệu nói 6 làn điệu, 9 làn điệu) nhiều người gọi là “mái”. Mái là cách gọi nôm na, mang tính dân gian, còn ở khía cạnh nghiên cứu thì gọi là làn điệu. Mỗi làn điệu (mái) có cấu thức âm nhạc riêng, đó là: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Một số nhà nghiên cứu cho thêm mái nhì vào nữa thành 6 mái. Nhưng có lẽ mái nhì là hò Huế, nó rất phổ biến ở Huế. Và thường được diễn xướng khi chèo thuyền trên sông, không có lớp xố của bạn hò (hò khoan Lệ Thủy dứt khoát là phải có lớp xố). Có người cho thêm hò nậu  xăm, hò khơi của đánh cá vùng biển, hò lĩa trâu trong lúc kéo gỗ trên rừng để tính thành 9 mái. Ở đây chắc có sự nhầm lẫn giữa làn điệu với môi trường diễn xướng. Kéo gỗ, đánh cá là hình thức lao động có diễn xướng hò khoan. Trong khi đánh cá người ta có thể hò mái ruổi, mái ba…
Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và những quy ước diễn xướng đó có căn nguyên từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động. Lúc dồn dập, khi khoan thai, lúc nhẹ nhàng, khi nặng nhọc. Nhiều khi những tiết tấu đó nhằm để tập trung động lực của đám đông mà ở mỗi người đơn lẻ không thể làm được, như khi đẩy thuyền qua chỗ cạn, khi chống chèo ghe lớn qua chỗ nước xiết, gió ngược, khi cất nhà.

Mái ruổi, (còn gọi là mái rải, mái dài) thuộc nhóm những mái hò sông nước chậm rãi, khoan thai.  Cấu trúc của nó phân thành ba câu, cứ sau một câu là có một vế xố. Nó rất gần với hò mái nhì ở Huế. Người ta thưởng thức mái ruổi ở chất nghệ thuật của giọng hò, giai điệu trầm bổng và ý tứ sâu xa của lời hò. Mái ruổi không cần phải đi theo lớp lang như chào, mời, hò gần, giã từ… mà đi vào hò gần luôn. Lời hò không bị khuôn phép trong phạm vi của lục bát hoặc song thất lục bát mà có thể dài ngắn tùy ý, vô chừng. Quy ước về cách đế, xố của hò con cũng có khác với các làn điệu khác. Đoạn lời xố của mái ruổi chỉ có ba từ “ơi dô hò”. Nó như lớp sóng tiếp theo để đẩy cho lời hò của hò cái lên cao hơn, vang vọng thêm ra. Cảm nhận của người nghe rất mênh mông.

Cái hò: Chờ cho trọn nghĩa, ơ hơ hờ, nghĩa ơ hơ tình
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Thiếp nguyện cùng chàng sông sâu đò nặng.
            Chàng nguyện cùng thiếp biển vắng chùa linh.
            Chứ thiếp đây cũng có nơi cung phụng ghé mình.
            Lòng vẫn ôm duyên mà đợi, hô hơ hờ, cho trọn nghĩa tình.
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Ơ mà nghĩa tình ngày xưa.
Con xố: Ơi dô hò.
Câu hò đầu của hò cái thường là song thất lục bát, hoặc song thất lục bát biến thể (do có những từ láy, từ đệm). Đôi khi chuyện hò kể lễ nên câu hò dài thêm. Câu hò thứ hai là vế thứ hai của câu tám sau cùng để cho hò con xố, sau đó là bắt vào câu mới.

Mái ba, cũng là một làn điệu gắn với sông nước, là mái hò tiêu biểu về tính linh hoạt trong ứng tác. Cách bố cục, phân câu, ngắt nhịp rõ ràng. Hò mái ba chủ yếu là thể lục bát hoặc biến thể của lục bát. Câu hò đầu là hai vế của hai câu năm, hai câu sáu hoặc hai câu bảy. Hai câu hò sau là hai vế của câu tám. Hò mái ba thường dùng khi thuyền nặng, đi qua những quãng sông chảy xiết, ngược nước, ở nơi đầm phá gió to. Lúc này, ngoài chèo ra còn phải có chân sào mạnh tay chống đẩy, nên tiết tấu loại hò này nhanh khỏe hơn, quãng ngân hơi ngắn hơn. Lời hò, tình ý cũng thắm thiết song rõ ràng hơn. Đế xố của hò con cũng gọn gàng dứt khoát hơn. Mặt khác, mái ba cũng thường được vận dụng trong hò đối đáp, giao duyên trong những gặp gỡ đông người, nên có những giai điệu gần với hò mái xắp, vui tươi, rộn ràng. Cách đế xố của hò con lặp đi lặp lại trong vế “hò là hô là khoan”. Nó như là chỉ để cầm chịch, giữ nhịp cho hành động lao động của đám đông. Ít có giá trị về âm nhạc.
Cái hò: Hô khoan, dù ai xuyên tạc lá lay, ta vẫn chung thủy, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan
Cái hò: Chung ơ thủy, ơi hò,
Con xố: Hò là hô là khoan.
Cái hò: chớ đổi thay mà tội trời, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan.
Đặc trưng của bài hò mái ba là thường chỉ có ba câu và không lệ thuộc vào niêm luật của lời thơ. Vì vậy hò cái rộng đường hơn, dễ phá cách hơn trong ứng tác. Để giữ nhịp cho hò con xố, hò cái thường dùng cụm từ đệm “ơi hò” ở cuối mỗi câu hò.

Mái xắp, là làn điệu hay dùng trong khi giã gạo. Vì vậy, ngoài tên gọi của nó nhiều người vẫn quen gọi là hò giã gạo. Thực ra hò mái xắp không chỉ diễn xướng trong  môi trường giã gạo. Mà nó có thể có cả lúc cấy lúa, nện đất, đưa linh, nhất là trong các buổi gặp mặt đông người. Hò mái xắp có quy ước khá chặt chẽ. Kết cấu của một bài hò mái xắp có bốn vế theo thể song thất, lục bát. Câu hò đầu của mái xắp là hai vế song thất. Kế đó là một vế xố dài “hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan”. Tiếp đó là hai câu hò với hai vế xố ngắn “ơi là hố”. Câu hò cho vế xố ngắn thứ nhất được ngắt ở vế đầu của câu tám. Câu hò sau cùng là vế thứ hai của câu tám. Đôi khi để luyến láy phô diễn giọng hò người ta lặp lại vế đầu của câu tám. Xố dài như là sự hưởng ứng, khích lệ hò cái. Xố ngắn ngắn như là một nhịp đệm để hò cái phô diễn tài năng ứng tác, thúc đẩy sự sáng tạo. Nhịp điệu vui tươi của mái xắp rất phù hợp với  bối cảnh giao duyên nên thường được tổ chức thành các cuộc hò tập thể. Một cuộc hò thường có lớp lang hẳn hoi, đi từ hò mời đến hò gần, hò giữa rồi hò xa cách, từ tạ. Cái đoạn sinh động nhất là hò giữa, ở đó bạn hò thi thố tài năng qua các lối hò đố, đâm bắt, xấc leo, hò ghễnh…tha hồ mà ứng tác. Quy ước về hò cái và hò con ở loại này cũng khá chặt chẽ. Tiết tấu nhanh, khỏe, vui tươi, rộn ràng.
Cái hò mở: Hôi khoan, xin mời các bạn xố con.
Con xố: Ơi là hố
Cái hò:  Thiếp chờ chàng tấm phên hư nuộc lạt đứt,
             Chàng chờ thiếp khi đắng nước, nghẹn cơm.
Con xố: Hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan
Cái hò:  Ba trăng ơi là mấy mươi hôm
             Mai nam vắng trước,
Con xố: Ơi là hố
Cái hò:  Mai nam vắng trước chứ chiều nồm quạnh sau.
Con xố: Ơi là hố
 
Mái chè, được cấu trúc một đoạn ba câu với ba vế xố. Thường là thể thơ lục bát, trong đó câu tám được bẻ làm đôi cho hai vế xố. Cách hò mái chè đơn giản và ít khi phải thêm từ đệm lót. Tiết tấu của mái chè hơi nhanh, đều đặn. Thường thì mái chè được sử dụng khi làm những công việc nhẹ nhàng, không gian lao động nhỏ hẹp. Người ta chỉ lên bổng, xuống trầm theo một tiết tấu đều, nhẹ nhàng, hơi lưu luyến như lời chia tay, giã từ. Người hò có thể vừa làm việc vừa hò mà không ảnh hưởng gì đến công việc. Vì vậy, hò mái chè thường được diễn xướng khi đạp xe nước, đập đất trồng hoa màu trên đồng, nện nền nhà, nện sân. Tính cân đối khi hò và xố của hò cái và hò con làm cho người ta cảm thấy có đi có lại, giao duyên với nhau mà quên cả mệt nhọc. Cách xố của hò con là sự lặp lại của hai cụm từ “là hô là khoan” và “là bơ hò khoan”. Trong đó vế xố “là bơ hò khoan” ở giữa.
Cái hò: Mình về ta cũng theo về.
Con xố: Là hô là khoan
Cái hò: Sum vầy phu phụ,
Con xố: Là bơ hò khoan
Cái hò: Giàu nghèo ta có nhau.
Con xố: là hô là khoan
Thông thường trong một cuộc hò, để kết thúc, chia tay người ta thường dùng mái chè. Cái giai điệu có phần thỏa mãn, có phần luyến tiếc như buông một dấu chấm hết, hẹn gặp lại.

Mái nện, thường được hò khi chèo thuyền, khi cày ruộng hổi, khi đưa linh. Bởi vậy giai điệu hò chậm rãi, thong thả. Khác vơi mái chè, đều đều, cân đối, qua lại, mái nện có sự biến tấu trong diễn xướng. Lời hò thể song thất lục bát, chia làm hai câu không đều với hai lần xố. Câu một lời hò dài, lối diễn xướng như nói, như kể lể với vế xố dài “I bơ hò khoan”. Câu hai ngân lên như hát, lời ngắn với lời xố đơn “hố” nên gây được hiệu quả biến đổi thú vị, không nhàm chán như mái chè. Vào đầu mái nện bao giờ cũng có câu hò mở có tính tự tình. Câu  hò cái và lời xố của hò con cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ, có tính đồng tình để mọi người đòng lòng, hiệp sức cho công việc.
Cái hò: Là hỡi chàng ơi
         Thiếp chờ chàng ba năm ni chặn.
         Bữa thì nguyệt lặn, bữa sao mờ.
         Bây chừ mới hiểu rỏ tri cơ
         Chứ chàng yêu thương ơi mà có chốn, ơi hò
Con xố: I bơ hò khoan
Cái hò: Có chốn thiếp lại chờ, ơ hò
         Thiếp lại chờ cho uổng công, ơi hò
Con xố: Hố
Rõ ràng, cách ngắt câu của hò cái cho bạn xố chỉ diễn ra ở câu tám sau cùng. Cách thức thêm vào những từ đệm, từ láy, nhấn nhá ở đây chủ yếu là để phô chất giọng, tạo hiệu ứng âm thanh. Vì vậy, mái nện luôn được thể hiện trong những câu hò tình tứ, thiết tha.
Tóm lại, hò khoan Lệ Thủy có năm làn điệu (mái) cơ bản như đã nói. Còn những mái hò được nhắc đến trong một số tài liệu như “nậu xăm”, “hò khơi”, “hò lĩa trâu” cấu thức âm nhạc, đế xố của nó chưa rõ ràng nên chúng ta cần nghiên cứu thêm.

Đặng Ngọc Tuân – Quảng Bình Today

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777