Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 5)

0
4043
ho khoan le thuy, quang binh, tin tuc quang binh

2.1.4  Lối hò trong hò khoan Lệ Thủy
Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản đã nói, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra các “lối hò”. Lối hò, nói cách đơn giản đó là kiểu hò theo những lề lối ước định sẵn. Như cách nói của người Lệ Thủy “hò khoan có lối, hát bội có trò”. Kiểu giao duyên, kiểu nhân nghĩa, kiểu điển tích, kiểu ghểnh ghẹo… Trong mỗi kiểu hò có thể có nhiều làn điệu. Có những lối hò,có lẽ do tính đặc thù của nó mà dân gian gọi tên gắn với hình thức diễn xướng. Như hò giã gạo, hò đưa linh, hò nện đất, cất nhà, hò lĩa trâu, hò khơi…

Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 1)

Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 2)

Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 3)

Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 4)

Các lối hò như những khuôn mẫu định sẵn để người ta thi thố tài năng. Hò khoan lúc này nó không còn chỉ dành cho lúc lao động nữa, mà nó đã trở thành những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau những ngày lao động mệt nhọc, khi đồng áng rỗi vụ, nông nhàn. Sẵn có câu hò khoan, các bạn hò, trai thanh, nữ tú tụ họp với nhau nơi đình làng, dưới gốc đa để hò đố, hò ghểnh, xấc leo, đấu trí, giao duyên, trao đi, đổi lại. Người ta nhận ra nhau, người ta cảm nhau vì câu hò thông minh, vì giọng hò trong trẻo, vì cách đối đáp lưu loát, vì lời nhắn gửi ý nhị. Lúc này, hò khoan đã trở thành một thứ nghệ thuật trình diễn rồi, có tính ganh đua, ăn thua rồi. Có thể kể ra đây nhiều lối hò quy ước sưu tầm được trong dân gian: hò nhân nghĩa, hò nhân nghĩa xa cách, nhân nghĩa kết vấn, hò giao duyên, hò xa cách, hò xa cách kết vấn,  hò đền ơn, hò đâm bắt, hò bồn ba, hò đố, hò xấc leo, hò đấu trí hò ghểnh, hò thợ mộc, hò lĩa trâu, hò Kiều, hò Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình – Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn,hò giã gạo, hò đưa linh, hò lính mộ, hò bài chòi… Nội dung cuộc hò xoay quanh những chủ đề đó, lối đó mà ra đề, mà đối đáp, so tài thấp cao. Người ta nhận biết lối hò qua nội dung câu hò. Đủ thấy hò khoan không đơn giản chỉ là chuyện ứng khẩu với nhau theo thể thơ lục bát, song thất lục bát anh em, chàng nàng nữa mà hiểu biết về những tác phẩm văn học lớn, những điển tích đông tây. Lấy đó mà vận vào tình huống mà ứng đối, quả là uyên thâm, tài tình.

ho khoan le thuy, quang binh, tin tuc quang binh
Hò khoan Lệ Thủy

Tuy nhiên, qua khảo cứu thì thấy rằng cách phân chia lối hò như cách gọi tên nói trên là chưa đúng, chưa rạch ròi. Hay nói cách khác, chưa có tiêu chí cụ thể cho việc xác định lối hò. Vậy đâu là tiêu chí để xác định lối hò. Theo tôi, nên dựa vào nội dung tư tưởng của câu hò mà xác định. Chẳng hạn, lối hò nhân nghĩa là những câu hò có nội dung nói về đạo đức, lối sống, đối nhân xử thế. Hò giao duyên là những câu hò có nội dung thổ lộ, bày tỏ tình cảm của đôi lứa yêu nhau. Còn hò Kiều, Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình – Dương Lễ… là việc mượn nội dung của các tích chuyện đó mà nói ý. Nó có thể vận dụng trong hò nhân nghĩa hoặc hò giao duyên. Hò lính mộ có nội dung tố cáo xã hội bắt phu, bắt lính. Hò đưa linh, có nội dung phục vụ cho đưa tang. Hò bài chòi là hò trong trò chơi bài tới giải trí. Sau này, trong quá trình phát triển ở Lệ thủy còn có lối hò địch vận, hò chống Mĩ. Thậm chí cụ thể hơn có hò tuyên truyền chống gián điệp.
Vì vậy, để rạch ròi hơn trong phân biệt lối hò chúng ta dựa trên tiêu chí cơ bản là chủ đề nội dung “cái tôi trữ tình” trong câu hò. Nói cách khác, câu hò ấy ý nói về cái gì? Từ đó có thể nhận diện các lối hò trong hò khoan có: Hò nhân nghĩa, hò giao duyên, hò đưa linh, hò bài chòi… Trong mỗi lối hò người ta có thể sử dụng nhiều làn điệu khác nhau. Xin dẫn ra đây một số lối hò tiêu biểu, có tính đại diện cho các lối hò chức năng lao động, hò tín ngưỡng và hò sinh hoạt.
a, Hò nhân nghĩa, giao duyên (còn gọi là hò giã gạo)
Đi theo cách phân loại lối hò như đã nói ở trên thì cách gọi “hò nhân nghĩa, giao duyên” là chính xác. Gọi là “hò giã gạo” vì  nó đã được mặc định trong cách hiểu dân gian mà thôi. Thực ra giã gạo là một hình thức diễn xướng của hò khoan, diễn ra rất phổ biến ở Lệ Thuỷ. Lệ Thuỷ là vựa lúa cung cấp gạo cho trong tỉnh và vào tận kinh đô Huế. Ở Lệ Thuỷ có những địa chủ chuyên thu mua thóc, chứa vào kho rồi thuê người xay, giã, dùng ghe chở vào Huế bán. Một trong những địa chủ có tiêng đó là Bát Viếng ở Chợ Đợi, Đại Phong. Nhà Bát Viếng có hàng chục cối giã gạo hoạt động suốt ngày đêm. Dân nghèo đến xay giã thuê, lấy công bằng tấm cám. “Đùng đình xay lúa đồng nai/ Cơm gạo về ngài, tấm cám về tôi”. Khi lao động tập thể, người ta dùng hò khoan để giải khuây, làm quên đi sự mệt nhọc. Sau này, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí. Nhất là những lúc nông nhàn, nhu cầu giao tiếp mở rộng.
Sở dĩ, tôi gộp chung hai lối hò này với nhau, bởi vì, trong thực tế các cuộc hò đó thường có chung một hình thức diễn xướng mang đậm tính chất sinh hoạt cộng đồng, đó là “giã gạo”. Trong các cuộc hò giã gạo, chủ đề nội dung về tình yêu đôi lứa, về đạo đức lối sống thường đan xen, chuyển hoá liên tục. Ngay trong quy ước các chặng hò của hò giã gạo, ở chặng hò giữa, lối ân tình và lối đâm bắt châm chọc, giễu cợt thường đan xen với nhau.
Hò giã gạo có mặt ở nhiều nơi, từ vùng người Thái Sơn La đến người Mường Thanh Hoá, đến người kinh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vào tận Khánh Hoà. Sở dĩ hò giã gạo hiện diện trên phạm vi rộng như vậy bởi vì, hò giã gạo, có bộ phận đã thoát ra khởi hò lao động, trở thành một lối hò sinh hoạt, hò nghệ thuật rồi.
Người Lệ Thủy xưa giã gạo bằng chày tay, cối gỗ, loại cối lớn có thể chứa cả thúng gạo. Mỗi cối thường có 2 hoặc 4 tay chày. Khi giã gạo hò khoan, người ta sắp xếp một nửa tay chày là nam, một nửa là nữ. Cuộc hò bắt đầu từ khi cho gạo vào cối, cầm chày và kết thúc khi gạo đã trắng. Và đó là một “cối hò”, kết thúc một cối hò thì thay hò cái. Vào những thời gian rỗi vụ, nhất là những đêm trăng sáng, khắp nơi trong các làng xóm hội giã gạo rộn ràng. Nghe tiếng chày gõ vào tang cối tong tong là không cầm lòng được, trai thanh gái lịch, bạn hò vắt áo lên vai tìm đến. Nhiều khi đi bộ đến chục cây số, bơi qua sông nhưng được gặp bạn hò tri kĩ thì chẳng có gì ngăn cản được họ. Thực ra, giã gạo chỉ là cái cớ, còn mục đích là để người ta giao duyên, thi thố tài cao thấp trong đối đáp, ứng biến.
 

Bác Đặng Ngọc Tuân ( Quảng Bình Today)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777