Hò Khoan Lệ Thủy – Hò giã gạo là lối hò dài hơi nhất trong hò khoan và có kết cấu, lớp lang khá chặt chẻ. Nói là dài hơi vì nhiều khi cuộc hò diễn ra thâu đêm. Đôi khi chưa mãn nguyện, hết gạo, bạn hò còn đổ trấu vào giã. Một cuộc hò giã gạo thường diễn ra theo trình tự từ hò mời đến hò gần, hò giữa rồi đến hò xa cách , tạ từ. Hò mời là chặng đầu mà các hò cái làm quen với nhau qua những câu mời chào lịch lãm:
Phác thảo diện mạo hò khoan Lệ Thủy (Phần 5)
“Bước tới nơi đây xin chào chung chào chạ,
Có người khách lạ nên phải chào riêng”
Hay:
“Em không chào thì ra câu khinh lệ,
Em mở lời chào thì tục lệ phân minh.
Anh ở xa chưa rõ sự tình,
Anh có đôi rồi chẳng biết, em một mình nỏ hay”
Dẫu cho các tay hò đã quá quen nhau, đôi khi đã là một đôi “quen hơi, bén tiếng” với nhau rồi nhưng lề lối hò khoan vẫn phải có màn chào hỏi. Có khi chỉ dăm ba câu lấy lệ, nhưng cũng có khi đưa đẩy đến cả chục câu. Có khi câu chào suồng sả: “Ngọn đèn lu lít (lờ mờ) bất nhơn (nhân),/ Anh không khêu cho tỏ, để em thấy nghĩa nhơn mà chào” nhưng khi đã cảm nhau rồi thì cũng lựa chọn bóng bẩy lắm.
Qua chặng hò mời là “hò gần”. Hò gần là chặng hò mà bạn hò xích lại gần hơn, lân la hỏi thăm quê quán, các bậc sinh thành có mạnh khỏe hay không, tình duyên đã có nơi, có chốn nào chưa? “Em có chồng chưa thì cho anh biết, / Anh có vợ rồi cũng nói thiệt cho em hay. /Để mai đây lỡ có cầm tay, / Người thương em đứng đó buông rày khó buông”. Hò gần đôi khi bị xen lẫn vào với hò mời bởi, về nội dung, nó cũng mới dừng lại ở thể thức làm quen ban đầu. Ngay trong chào có cả thăm hỏi và ngược lại. Bởi vậy, ở trong dân gian có một số ý kiến cho rằng, hò mời với hò gần là một.
Hò giữa là chặng chính của hò giã gạo. Đây là thời điểm tung hứng, phô diễn tài nghệ của các tay hò. Tùy theo người đề xướng, chặng hò này thường có hai kịch bản. Một là, cuộc hò sẽ đi theo hướng hò ân tình, đưa đẩy những câu hò có nội dung nói về tình yêu đôi lứa, nhân tình thế thái, đạo nghĩa tào khang. Hai là, cuộc hò sẽ đi theo hướng khoe tài ứng biến, so đọ thấp cao qua những câu “hò đâm bắt”. Trong chặng này, nội dung những câu hò đối đáp sẽ đi theo một chủ đề ước lệ sẵn. Nếu theo chủ đề “ân tình” thì có hò nhân nghĩa, hò giao duyên, nhân nghĩa kết vấn, xa cách kết vấn… Nếu theo chủ đề “đâm bắt” thì có hò đố, hò xấc leo, hò ghểnh, hò bồn ba… Nếu theo chủ đề “điễn tích” thì có hò Kiều, hò Lục Vân Tiên, hò Tam Quốc, hò Lưu Bình – Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn…
Từ những cuộc hò ấy mà nên duyên nhiều đôi vợ chồng và con đường hạnh phúc còn lại của họ cứ sống mãi trong âm hưởng của hò khoan cho đến cuối đời. Người đã có nơi, có chốn rồi thì trở thành “bạn hò”, cặp hò gắn kết keo sơn như bạn Quan họ vậy. Người thì được dân chúng phong cho cái danh hiệu “thợ hò”.
Hò xa cách, tạ từ là chặng cuối cuả hò giã gạo. Khi đã thỏa mãn với cuộc vui, đã cạn vốn liếng ý tứ, hoặc đã hết đêm, trời sáng người ta mới đành cất câu tạ từ: “Ra đi một bước đau lòng một bước/ Ra đi hai bước đành nghỉ trước suy sau/ Mấy lâu ni ý hợp tâm đầu/ Răng chừ én nam nhạn bắc để rầu cho ai!”. Chia tay trong hò khoan chỉ là tạm biệt, đâu phải là từ biệt không hẹn ngày gặp lại. Ấy vậy mà câu hò cũng lưu luyến, dùng dằng lắm. Nhiều nghệ nhân hò khoan nay đã sức tàn, lực kiệt nhưng mỗi khi có dịp nhắc lại vẫn hào hứng như âm thanh mời gọi của hò giã gạo còn lưu luyến đâu đó.
Ở Lệ Thủy bây giờ, hò giã gạo được xếp vào loại hò nghệ thuật. Bởi nó đã dần thoát khỏi thể loại hò lao động để đi vào trình diễn trong môi trường nghệ thuật, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng. Xa xưa, hò giã gạo đã trở thành điểm hẹn ở các sân đình, ở những tụ điểm của làng. Và thường được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh trăng, ánh đuốc. Sau này nó được sân khấu hóa, trình diễn, thi thố với trang phục, âm nhạc, ánh sáng phụ họa hiện đại.
Bác Đặng Ngọc Tuân – Quảng Bình Today