Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Những gam màu sáng

0
7545
kinh te quang binh, nong dan quang binh, quang binh

Kinh tế Quảng Bình – Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta vẫn một lòng theo Đảng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới…

Bức tranh đa sắc

Tỉnh ta hiện có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt. Dân tộc Bru-Vân Kiều gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì có 2.923 hộ với hơn 14.000 nhân khẩu, chiếm 71,8% dân số dân tộc thiểu số trong tỉnh. Dân tộc Chứt gồm các tộc người Sách, Rục, A rem, Mã Liềng, Mày có 1.204 hộ, trên 5.400 nhân khẩu, chiếm 27,5%. Còn lại là các dân tộc khác như Mường, Thổ, Tày, Pa Cô, Ca Rai và chỉ chiếm 0,7% dân số các dân tộc thiểu số.

Các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta chủ yếu sinh sống theo cộng đồng ở 102 bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua nhiều chương trình, dự án như Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ và nhiều chính sách ưu tiên khác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… đã tạo cho bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta có thêm nhiều gam màu sáng. Đây chính là tiền đề quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta thi đua lao động sản xuất, vượt qua đói nghèo.

Theo thống kê hiện toàn tỉnh có gần 600 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó có hơn 470 hộ có thu nhập bình quân từ 30 đến 50 triệu đồng/năm và gần 190 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Trong nỗ lực chung đó phải kể đến vai trò của Mặt trận trong việc huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân mà trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta được sống trong những ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang.

kinh te quang binh, nong dan quang binh, quang binh
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta được sống trong những ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang.

Trên cơ sở sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đã có hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng với diện tích trên 17.000 ha, trong đó có 272 hộ có diện tích rừng trồng trên 5 ha trở lên. Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, toàn tỉnh có 187 mô hình trang trại kết hợp, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhìn một cách tổng thể, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã có bước chuyển biến rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, tập quán sống. Từ chỗ họ chỉ biết “phát, đốt, cốt, trỉa”, nay đã chuyển sang tư duy làm ăn mới với cách thức thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn tạp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Những “thủ lĩnh” tiên phong làm kinh tế

Là phụ nữ dân tộc thiểu số, chồng mất sớm, chị Phạm Thị Lâm, trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) một mình nuôi 3 đứa con ăn học nên cuộc sống càng chật vật, khó khăn hơn. Với ý thức và trách nhiệm của một trưởng bản, chị quyết không cam chịu đói nghèo.

Sau nhiều đêm trăn trở, chị đã mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay đàn trâu, bò của chị đã có gần chục con. Tận dụng diện tích đất chăn thả rộng và kinh nghiệm học được từ các lớp tập huấn, chị tích cực mở rộng chăn nuôi gia cầm. Nhờ vậy đời sống kinh tế gia đình chị ổn định, có điều kiện cho con cái học hành.

Để phát huy tốt vai trò của một trưởng bản, chị tích cực vận động bà con từ bỏ tập tục canh tác lạc hậu như du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy, ma chay, thờ cúng…; đồng thời hướng dẫn bà con mở rộng khai hoang diện tích trồng lúa nước và các loại cây hoa màu khác.

Đến nay, bản Cáo đã có 0,5 ha lúa nước, 4 ha đất trồng ngô, 2,5 ha lạc và 2 ha đất trồng sắn. Chị luôn động viên bà con chú trọng sản xuất, chăm sóc cây trồng để bảo đảm lương thực, thực phẩm hàng ngày, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Năm 2007, khi có chủ trương thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị được bà con bầu làm tổ trưởng. Công việc của chị trong vai trò này không chỉ đơn thuần là nhận, phát tiền và thu lãi mà còn phải trực tiếp giúp bà con mua trâu, bò ở các bản khác giao cho từng hộ và nhắc nhở, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.

Cũng từ đó, chị kiêm luôn vai trò “bác sỹ thú y” chữa bệnh cho trâu bò. Nhờ những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của một “thủ lĩnh” năng động, đầy nhiệt huyết với công việc, tổng đàn gia súc, gia cầm của bản Cáo không ngừng tăng lên qua hàng năm và không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, tổng đàn gia súc của bản đã lên đến trên 50 con.

Hồ Viên, dân tộc Chứt ở xã Thanh Hóa cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế của đồng bảo dân tộc thiểu số tỉnh ta. Trước đây, Hồ Viên cũng như bao người con tộc người Mã Liềng ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) sống du canh du cư. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Từ khi định cư ở bản Cà Xen, anh đã tích cực cùng vợ con khai hoang trồng lúa nước. Và cuộc sống của anh đã đổi thay từ đây.

Năm 2011 vừa qua, anh và gia đình trồng được 7 sào ruộng lúa nước, 2,1 sào ngô, 3 sào đậu lạc, đậu xanh và cơ bản diện tích canh tác, cây trồng của anh đều được mùa, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá. Không dừng lại ở đó, tận dụng diện tích vùng đồi, anh đã ngày đêm khai hoang, trồng mới được 5 ha rừng keo lai, bạch đàn; đồng thời mở rộng chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá…

Hiện nay gia đình anh đã có được mức thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Không chỉ biết chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình mình, Hồ Viên còn chủ động đầu tư kinh phí mua sắm máy cày, máy xay xát, máy tuốt lúa, gặt lúa phục vụ bà con trong bản; thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong bản khi gặp khó khăn thời điểm giáp hạt. Các hộ gia đình Hồ Thông, Hồ Xuân, Hồ Bạt từ chỗ khó khăn, nghèo túng, nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hồ Viên đã vươn lên thoát nghèo và làm ăn khá.

Bản Cồn Cùng thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy) là một trong những địa danh mà bất kỳ ai khi nghe nói đến cũng có thể hình dung ra sự nghèo khó bởi dân bản ở đây hầu hết chỉ biết sống dựa vào rừng, diện tích lúa nước hầu như không có. Thế nhưng, ở vùng đất khó ấy vẫn có một “ông chủ”. Đó là Hồ A Lai, người sở hữu một mô hình kinh tế vườn rừng rộng gần 30 ha.

Bắt đầu tham gia trồng rừng từ đầu những năm 2000, đến nay, A Lai đã có hơn 25 ha rừng bạch đàn, keo lai cho thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, bằng hoạt động chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm với số lượng lên đến hàng trăm con, anh cũng có thêm được nguồn thu nhập 15-20 triệu đồng/năm. Ngồi nói chuyện với anh trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, chúng tôi cảm nhận được sự sung túc trong cuộc sống mà anh đã, đang nhọc công tạo dựng. Hầu như những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của một gia đình khá giả, anh đều có như ti vi, dàn máy âm thanh, xe máy…

A Lai tâm sự: “Tất cả là nhờ có Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho miềng thôi. Miềng sinh ra, lớn lên ở rừng, phải biết tận dụng lợi thế từ rừng chứ. Nói rứa chứ miềng không phá rừng đâu, chỉ trồng thêm thôi. Một vài năm đầu có thể khó khăn vì chưa thu hoạch được nhưng nếu kiên trì, cuộc sống của dân bản sẽ đỡ khổ, sẽ đẩy lùi được cái nghèo đói. Miềng cũng tích cực vận động bà con không phá rừng mà tham gia trồng rừng như miềng. Họ nghe theo cả đấy”.

Và còn rất nhiều nữa những “thủ lĩnh” tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo của đồng bào dân tộc thiếu số trong tỉnh mà chúng tôi không thể kể hết ra đây. Họ chính là những hạt nhân tích cực nhất trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xứng đáng được khích lệ để tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong hành trình vượt qua đói nghèo.

Nguyễn Hoàng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777