Tin tức Quảng Bình – Do ở vùng thấp trũng nên hàng năm vào mùa mưa lũ, một số hộ dân ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thường bị ngập sâu trong lũ, thiệt hại nhiều về người và của. Trước thực trạng đó, năm 2009, chính quyền xã Hồng Thủy đã vận động 52 hộ dân lên sinh sống ở khu tái định cư Mốc Định. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân đã bỏ về vì … chê khu tái định cư.

Khu tái định cư bỏ hoang
Những tháng đầu năm 2009, khu tái định cư (TĐC) Mốc Định, ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy được triển khai xây dựng, 52 hộ dân trong diện ưu tiên được lên vùng tái định cư ai cũng mừng vì từ nay không còn cảnh cuống cuồng bồng bế nhau, ôm đồ đạc, vật nuôi giữa đêm khuya chạy lũ. Những ngày đầu, khi mới lên khu TĐC Mốc Định, mỗi hộ gia đình được Dự án hỗ trợ 10 triệu đồng để làm nhà kiên cố và hơn 3 sào đất (khoảng 1.500m2) để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Giữa vùng cát trắng mênh mông, lần lượt những ngôi nhà đã được xây dựng, chính quyền xã và người dân đều hy vọng một cuộc sống mới hồi sinh ngay trên những đồi cát trắng này. Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc xây dựng nhà cửa, hệ thống điện, đường cũng đã được hoàn thành…
Sống trên vùng đất mới, với ý chí “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Thế nhưng, giữa vùng cát trắng, khí hậu khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi của những hộ dân còn hạn chế nên số vốn vay mượn đều đầu tư không hiệu quả. Chán nản, nhiều hộ gia đình đã trở về nơi ở cũ. Những ngôi nhà giờ bỏ hoang, nương vườn mọc đầy cây cỏ dại, trông khu TĐC Mốc Định thật xơ xác, tiêu điều.
“Không lo chạy lụt thì lo nhiều thứ khác”
Dạo một vòng quanh khu TĐC, chúng tôi gặp chị Lê Thị Hằng đang xách từng xô nước tưới cho vườn rau cải. Chị Hằng cho biết: Khổ lắm chú ơi, dưới chỗ ở cũ mùa lũ thì lo chạy lụt, lên đây không còn lo chạy lụt thì lo nhiều thứ khác. Chỉ tay về khu vườn, chị nói: Ba sào đất vườn mà xã cấp cho gia đình toàn cát trắng nên rất khó trồng trọt. Đã thế, dự án lại xây dựng những cống thoát nước trong khu TĐC cao hơn mặt bằng của vườn nhà dân, vào mùa mưa nước không thoát được ra ngoài nên rau màu đều hư hỏng hết. “Khi chúng tôi chuyển tới đây, nhiều hộ gia đình không có nghề nghiệp ổn định, chỉ biết trông chờ vào cây rau nhưng do điều kiện tự nhiên không sản xuất được, do đó gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi. Đến nay đã có 40 hộ gia đình “từ giã” khu tái định cư về lại ngôi nhà cũ hoặc bỏ đi làm ăn xa” – chị Hằng buồn rầu chia sẻ.
Chúng tôi đi một vòng tìm hiểu và được biết, hiện còn 12 hộ dân đang bám trụ ở khu TĐC này. Nguyên nhân được hộ chị Phạm Thị Đơn chia sẻ: Vẫn biết trước mắt mọi việc ở đây đều khó khăn nhưng vợ chồng tôi quyết bám trụ đến cùng, thế nhưng khổ nỗi gia đình tôi và các hộ dân khác đều chưa yên tâm sản xuất khi đất ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Mặt khác, vì chưa có sổ đỏ để thế chấp nên nhiều hộ gia đình muốn vay vốn phát triển chăn nuôi cũng gặp nhiều trở ngại.
Bao giờ dân mới an cư?
Trước thực trạng đó, ông Châu Văn Song, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: Chính quyền địa phương đã cố gắng tạo điều kiện cho bà con nhưng vì vùng đất khó nên chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trước đây, để giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển chăn nuôi, từ dự án của huyện, xã đã hỗ trợ cho khu TĐC 6 con bò luân phiên nhau mỗi hộ nuôi 1 năm để gây dựng con giống. Còn các cống nước ở khu TĐC làm cao hơn mặt bằng vườn nhà dân khiến nhiều diện tích hoa màu bị hư hại, UBND xã đã có tờ trình làm lại cống nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Riêng về vấn đề cấp sổ đỏ, ông Song khẳng định, chưa triển khai cấp vì dân chưa ổn định!
Đem vấn đề này trao đổi với ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thì được biết, nguyên nhân khiến khu tái định cư Mốc Định chưa phát huy được hiệu quả là do quá trình khảo sát ban đầu của ban quản lý dự án huyện chưa kỹ, kéo theo một số công trình xây dựng chưa phù hợp, trong đó có hệ thống cống thoát nước. “Hiện tại, UBND huyện đang yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra lại những bất cập đang tồn tại tại khu tái định cư để có hướng khắc phục. Trước hết, UBND huyện sẽ ưu tiên đầu tư vốn để làm lại các cống nước. Sau đó sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con, đồng thời kêu gọi, hỗ trợ các dự án khuyến nông về với khu TĐC để các hộ dân trở lại khu TĐC”.
Thiết nghĩ, việc bố trí tái định cư cho bà con vùng lũ là việc cấp thiết, thể hiện sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân những vùng khó khăn ổn định cuộc sống. Nhưng không phải cứ làm xong rồi bỏ đó. Câu chuyện người dân ở khu tái định cư này lại một lần nữa cho thấy bài học hỗ trợ người dân “con cá” hay “cần câu” cần phải được chính quyền huyện Lệ Thủy giải quyết thỏa đáng.
Xuân Thi – Đại Đoàn Kết