Quảng Bình được biết đến là một vùng đất có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo; là nơi có sự giao thoa, tiếp biến của các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc. Chính vì lẽ đó, mảnh đất Quảng Bình đã hình thành nhiều lễ hội văn hóa truyền thống vừa mang nét đặc trưng của văn hóa cư dân Việt, vừa mang nét đặc trưng riêng của cư dân một vùng đất chịu nhiều biến động trong quá trình lập làng giữ nước.
Cũng như nhiều miền quê khác, từ trong lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư, làng quê, thôn, bản ở Quảng Bình chính là cái nôi hình thành các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đây không chỉ là nơi khởi nguồn của những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần nói chung mà còn là môi trường cho các loại hình diễn xướng dân gian, lễ hội dân gian truyền thống tồn tại và phát triển.
Lễ hội “Cầu ngư” là lễ hội dân gian truyền thống liên quan đến tín ngưỡng nghề nghiệp mà cư dân các xã vùng biển trong tỉnh, như: Bảo Ninh, Cảnh Dương, Lý Hòa tổ chức với quy mô và thời gian khác nhau. Đây là một kỳ đại tế có quy mô toàn làng, có ý nghĩa lớn nhất trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ở đây.
Nguồn gốc của lễ hội là tục thờ cá voi (còn gọi là cá Ông) của ngư dân miền biển. Hàng năm, làng tổ chức lễ cúng vào dịp rằm tháng 4 âm lịch. Lễ hội này diễn ra ngoài mục đích cầu “ngài” phù hộ cho trời thanh biển lặng, tai qua nạn khỏi, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh… Đây còn là dịp để nhân dân các làng trong vùng vui chơi, hò hát; vừa thi tài đọ sức, nhưng vừa thể hiện sự khéo léo tài tình của mình.
Lễ hội “Bài chòi” diễn ra trong 3 ngày tết và kéo dài đến rằm tháng Giêng ở nhiều địa phương trong tỉnh, như: Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch… Là trò chơi mang tính quy mô, thu hút được nhiều người tham gia nên thường được tổ chức ở những nơi trung tâm của làng, xã, ở sân đình hoặc một bãi đất rộng. Những người tham dự vây quanh các chòi để thưởng thức bài ca tiếng nhạc, xem múa và cùng vui đùa. Người cái ăn mặc hóa trang như tướng lĩnh, người chạy cờ mô phỏng như chú lính ngày xưa.
Hội cướp cù và vật ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, trở thành một nét tâm linh trong mỗi con người.
Lễ hội “Rằm tháng Giêng” tại thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch cũng là lễ hội mang nét văn hóa truyền thống. Trong ngày này, con cháu khắp nơi hội tụ về bên tổ tông họ hàng để cùng chuẩn bị lễ cúng các thần đầu năm. Thường là cúng thổ thần nơi cả làng cư ngụ, cúng Thành hoàng làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mùa màng bội thu, cầu cho con trẻ học hành hiển đạt…
Ở miền núi phía Tây Quảng Bình, nơi có đồng bào dân tộc Chứt và Bru – Vân Kiều sinh sống, khi mùa xuân đến, những người dân nơi đây cũng tổ chức lễ tết và hội mùa xuân kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Các lễ hội này đã góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Lễ hội “Đập trống” của người Ma – Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những nét văn hóa khá độc đáo và tiêu biểu của đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay. Đây là lễ hội cầu mùa, cầu sức khỏe, không ốm đau, bệnh tật; cầu Ma mót, Giàng phù hộ cho dân bản… Thể hiện tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương trong cuộc sống.
Ngoài ra, lễ hội “Trỉa lúa lấp lộ” của người Bru – Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cũng là loại hình lễ hội cầu mùa.
Lễ hội truyền thống của người Việt Nam nói chung và của người Quảng Bình nói riêng như một “bảo tàng bách khoa quý giá”. Nó là “tấm thảm muôn màu”, giúp chúng ta hiểu được những ước mơ, sinh hoạt, phong tục, tư tưởng, quan niệm, trình độ của người xưa. Lễ hội là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Khôi phục và phát triển lễ hội là một việc làm cần thiết; tuy nhiên, phải gạn đục khơi trong, bài trừ mê tín dị đoan, phát triển những nét đẹp văn hóa trong lễ hội.
Hoàng Linh – Truyền hình Quảng Bình