Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình: “Lặng lẽ” trong sự “lãng quên”

0
5295

Quảng Bình – Còn nhớ thời điểm trước những năm 1980 của thế kỷ trước, điện ảnh nước nhà được xem như bước vào thời kỳ vàng son với nhiều bộ phim hay, những tên tuổi đạo diễn, diễn viên, biên kịch lẫy lừng. Cũng chính nhờ đó, các rạp chiếu bóng cũng “thơm lây” khi người người, nhà nhà chen chúc nhau mua vé xem, tận hưởng những phút giây giải trí mà chưa chắc ai đã có được. Chắc chắn lúc đó, sẽ khó có ai nghĩ có ngày các rạp chiếu phim Nhà nước lại trong tình cảnh ảm đạm, u ám như hiện nay. Ở tỉnh ta, văn hóa xem phim lại càng bị lãng quên hơn trong bối cảnh rạp Nhà nước “đắp chiếu”.

“Quẩn quanh” với khó và… khó

Từ năm 2003, theo quyết định của UBND tỉnh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình được thành lập với hai chức năng chính là phát hành phim và chiếu bóng. Mảng phát hành phim từ lâu đã không còn hoạt động bởi thiếu kinh phí đầu tư, không có phim để phát hành, trong khi nhu cầu xem phim qua băng, đĩa của người dân hầu như không còn. Mảng chiếu bóng bao gồm chiếu bóng tại Rạp chiếu bóng 15/7 và 5 đội chiếu bóng lưu động ở các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch. Ông Phạm Minh Dình, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình cho biết, công tác chiếu bóng tại Rạp chiếu bóng 15/7 gặp vô vàn khó khăn.


Toàn cảnh Rạp chiếu bóng 15/7

Trước hết, sau hơn 20 năm đưa vào hoạt động, cơ sở vật chất của Rạp chiếu bóng 15/7 đã xuống cấp trầm trọng: trang thiết bị lạc hậu, không đồng bộ; hệ thống âm thanh, ánh sáng, ghế, nhà vệ sinh, điều hòa nhiệt độ… không đáp ứng tiêu chuẩn của một rạp chiếu phim hiện đại. Nghiêm trọng hơn, theo báo cáo mới đây về giám định chất lượng hiện trạng phần mái của Rạp chiếu bóng 15/7, phần mái fibro xi măng bị lão hóa gây thấm dột ở một số vị trí; phần trần bị ẩm mốc, bỏng rộp, gây thấm dột nhiều nơi; hệ thống kèo thép, xà gỗ bị rỉ rét, một số đường hàn bị bỏng rộp, về lâu dài có thể gây mất an toàn cho hệ mái chịu lực; hệ thống tường, cột bị nứt bong nhiều vị trí; hệ thống điện khó quản lý và không an toàn khi sử dụng… Ông Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, cho biết sắp tới lãnh đạo Sở đang xem xét hiện trạng mức độ an toàn của Rạp chiếu bóng 15/7. Nếu thiếu an toàn, Sở sẽ yêu cầu dừng hẳn các hoạt động chiếu bóng phục vụ cộng đồng ở đây.

Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí quá hạn hẹp trong khi giá thành phim bây giờ rất đắt, Trung tâm rất khó tìm mua những bộ phim hay phục vụ bà con. Trong điều kiện cho phép, Trung tâm chỉ mua được các bộ phim cũ, đã mất độ “nóng” hoặc mượn phim từ Cục điện ảnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng liên kết với một số Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng ở các tỉnh bạn để mượn và trao đổi phim nhằm phong phú hơn nguồn phim của mình, nhưng chủ yếu vẫn là các phim cũ về đề tài chiến tranh, phòng chống tội phạm…, thiếu các phim thị trường, hợp thị hiếu khán giả. Như vậy, trong bối cảnh cơ sở vật chất xập xệ, phim thiếu đa dạng và không theo đúng nhu cầu của người xem, việc công chúng “bỏ quên” thói quen đến rạp chiếu bóng là một điều dễ hiểu. Theo thống kê, trừ những buổi chiếu phim liên kết với các trường THPT hoặc Đại học Quảng Bình là có một số lượng nhất định học sinh, sinh viên đến xem, các buổi chiếu phim tại Rạp chiếu bóng 15/7 thường rất ít người đến xem. Tổng doanh thu từ chiếu bóng tại Rạp chiếu bóng 15/7 mỗi năm cố gắng cũng chỉ dao động từ 15 – 20 triệu đồng.

Công tác chiếu bóng lưu động cũng không hề dễ dàng hơn. 5 đội chiếu bóng lưu động với mỗi đội chỉ gồm 3 thành viên, nhưng phục vụ tới 64 xã miền núi và 3 xã miền biển. 8 tháng đầu năm, các đội đã có 650 buổi chiếu, phục vụ 90.000 – 10.000 người xem. Anh Đinh Minh Huệ, Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động tại huyện Minh Hóa cho biết địa bàn hoạt động của anh em rất rộng, điều kiện đi lại vô vùng khó khăn, nhất là ở những bản làng xa xôi ở xã Thượng Hóa, Dân Hóa…, lại phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Phương tiện chủ yếu của anh em là xe gắn máy trong khi máy móc, thiết bị lại rất cồng kềnh. Đến những bản không có điện, anh em phải gùi theo máy nổ phát điện và thuê thêm nhân công để mang vác.

Chính vì vậy, máy móc khó được bảo quản tốt, một số thiết bị đã xuống cấp trầm trọng, cần nguồn kinh phí lớn để nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, không chỉ riêng với Đội chiếu bóng lưu động tại Minh Hóa mà còn ở các huyện khác, anh em không có trụ sở làm việc, hội họp và bảo quản máy móc, trang thiết bị phải đưa về nhà dân để nhờ. Các anh em trong Đội cũng không ở cùng một khu vực mà rải rác ở nhiều nơi. Do đó, việc liên lạc và hợp tác trong công việc gặp nhiều khó khăn. Theo anh Đinh Minh Huệ, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chiếu bóng lưu động còn thấp, chưa đủ chi trả cho nhiều hoạt động phát sinh trong quá trình làm việc như thuê nhân công mang vác đồ, tiền xăng xe đi lại, ăn ở tại các bản xa xôi…

“Lay lắt” tìm hướng đi mới

Ông Phạm Minh Dình, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình cho hay, khó khăn của Trung tâm là tình trạng chung của nhiều đơn vị phát hành phim và chiếu bóng khác trên toàn quốc trong sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đa phương tiện và sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường điện ảnh tư nhân. Giải pháp tạm thời cầm chừng của Trung tâm là liên kết với các trường THPT, đại học, Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành… để chiếu phim chuyên đề tuyên truyền về giáo dục, khuyến nông, phòng chống ma túy, xây dựng nếp sống văn hóa, phổ biến pháp luật… Trung tâm duy trì chủ trương tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng” để dồn sức đầu tư cho các đội chiếu bóng lưu động. Ngoài ra, vì quá khó khăn nên Trung tâm tranh thủ “mặt tiền” hiện có cho thuê 6 ki-ốt phục vụ kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, gần đây do một số ki-ốt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự đô thị nên Trung tâm đang kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.

Trong tương lai, theo ông Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, hướng giải quyết của UBND tỉnh là mong muốn các tổ chức có năng lực đầu tư xây dựng và khai thác theo hình thức liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm được một đơn vị đầu tư đã khó, lại đầu tư vào chiếu bóng thì càng khó hơn. Ông Trương Tấn Minh cho biết quy mô dân số thành phố Đồng Hới còn nhỏ, trong khi nhu cầu xem chiếu bóng của người dân vẫn thấp, do đó, vẫn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư hào hứng tham gia. Không chỉ Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình mà ngay cả Bảo tàng tỉnh hay Thư viện tỉnh cũng lâm vào tình trạng khó khăn tương tự.   

                                                                            Theo Baoquangbinhonline

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777