Cổ tích “sữa Bộ đội Biên phòng” thay dòng sữa mẹ

0
9953
Mùa xuân này, “Cu Đường”-đứa bé thoát chết khỏi hủ tục và lớn lên nhờ phần đường sữa của các chú Bộ đội Biên phòng thay sữa mẹ, nay đã trưởng thành và chuẩn bị trở thành thầy giáo cắm bản, đứng lớp…

Già làng Đinh Xon đã sống qua 70 mùa rẫy và chứng kiến bao sự đổi thay của bản làng, vẫn nhớ nguyên vẹn ký ức về một câu chuyện.

Theo phong tục của người dân giữa đại ngàn Trường Sơn tỉnh Quảng Bình, đứa trẻ khi sinh ra cho đến 3 tháng tuổi hoàn toàn sống nhờ vào bầu sữa mẹ. Khi mẹ chết, đứa trẻ coi như cũng đã chết. Sau 3 tháng tuổi cho đến lúc biết “ăn cơm của người lớn”, gia đình mới đặt tên cho trẻ. Còn trước đó, trẻ chưa có tên, nó vẫn là con của “Giàng” nên khi mẹ mất đi, người ta thường mang đứa bé chôn theo mẹ. Buổi tối trước khi chôn, già làng sẽ tổ chức lễ cúng Giàng. Sáng hôm sau, đứa trẻ sẽ được dân bản buộc vào ngực người mẹ. Hủ tục này trở thành lời nguyền nghiệt ngã gây nên biết bao câu chuyện đau lòng.

Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tâm sự: “Bộ đội Biên phòng về cắm bản, tuyên truyền, vận động nhưng để người dân bước qua hủ tục trên là việc còn khó hơn bạt núi ngăn sông”.

Hôm chúng tôi về bản được chứng kiến buổi kiến giảng đầu tiên của thầy giáo tương lai Nguyễn Văn Vinh, tên thường gọi là Cu Đường ở điểm trường bản Nịu thuộc Trường Tiểu học Thượng Trạch quê em. Gần 20 năm trước, Cu Đường suýt là nạn nhân của hủ tục này. Trong tiết giảng đầu tiên, người thầy giáo tương lai này đã kể lại cho các em học sinh câu chuyện đau lòng nhưng cảm động và đầy tình nhân ái. Ở bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, ai cũng biết đến ông Nguyễn Diệu-người đã cứu Cu Đường năm xưa.

Ông Diệu là người Kinh, quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thời trẻ, ông lang bạt khắp nơi tìm kế sinh nhai. Số phận đưa đẩy ông lên vùng đất của người Ma Coong. Bị cơn sốt rét ác tính quật ngã, ông được già làng và con gái của già cứu sống. Cảm động trước tấm chân tình của dân bản, ông ở lại nơi này và cưới luôn con gái già làng là Y Nhoan, lúc đó đã là người mẹ đơn thân làm vợ.

Sống cùng dân bản, ông chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp khi những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị chôn sống theo mẹ. Ông nung nấu quyết tâm phải làm một điều gì đó để ngăn chặn hủ tục này. Ông tâm sự: “Lúc nghe bà con bàn bạc sắp chôn đứa trẻ theo mẹ, tôi đã đến báo với các anh Bộ đội Biên phòng. Khi chúng tôi đến, đứa trẻ đã nằm dưới mộ, Bộ đội Biên phòng phải ngăn cản, bảo vệ để tôi… “cướp” đứa bé”.

Sau khi cứu đứa trẻ từ huyệt mộ, ông Diệu chạy trốn vào trong rừng một đêm và nghe ngóng tin tức. Sáng hôm sau, vợ ông vào rừng đưa ông về.

Bà Y Nhoan tâm sự: “Họ phạt nhà tôi nhiều lắm. Cu Đường đã lớn lên từng ngày bằng bàn tay chăm sóc của cha mẹ nuôi, bằng lương thực và khẩu phần đường sữa của Bộ đội Biên phòng trợ giúp. Cái tên Cu Đường ra đời từ đó”.

Nhưng để Cu Đường khôn lớn là cả một chặng đường dài đầy gian truân vất vả. Ngày đó, những chiến sĩ biên phòng Đồn Cà Roòng luôn cắt cử người túc trực ở nhà Y Nhoan để vừa động viên chăm sóc, vừa bảo vệ. “Nuôi cháu vất vả lắm, 3 tháng mình không được ngủ, ban ngày lao động, ban đêm ngủ dựa vào bao lúa. Thiếu sữa cứ ôm như ri, cái lưng đau lắm. Tôi đi bộ 3 ngày về Hoàn Lão, Bố Trạch làm chế độ 18 đồng/tháng, chắt chiu để mua sữa nuôi cháu cùng với nguồn sữa của Bộ đội Biên phòng”-bà Y Nhoan nói trong xúc động.

Thiếu tá Võ Doãn Lân là người có mặt khi Cu Đường bị dân bản chuẩn bị chôn sống. Lúc đó, anh là cán bộ trong đội vận động quần chúng. Sau gần 20 năm, anh trở về Thượng Trạch làm Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã. Anh cho biết thêm: Cu Đường lớn lên trong sự bao bọc, nuôi nấng của bố mẹ nuôi và sự chăm sóc của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng. Đến khi Cu Đường lớn lên, Bộ đội Biên phòng đưa em về học ở trường dân tộc nội trú, sau đó trở thành sinh viên Trường Đại học Quảng Bình.

Cu Đường nay đã là sinh viên năm thứ hai Khoa Tiểu học, Trường Đại học Quảng Bình. Ngoài nỗ lực học tập, em còn tranh thủ làm thêm để dành tiền học ngoại ngữ, tin học, đem kiến thức về phục vụ các em nhỏ ở quê hương. Em tâm sự: “Uớc mơ của em sau này sẽ thành thầy giáo về dạy ở bản, tuyên truyền để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Em sẽ học chăm chỉ, học những điều tốt đẹp ở miền xuôi để đem lại những điều tốt đẹp cho quê hương mình và đền đáp công lao chăm sóc, nuôi nấng của gia đình và các chú Bộ đội Biên phòng”.

Ngày mới trên các bản làng nơi miền Tây Quảng Bình đã không còn hủ tục. Sau Tết cổ truyền hằng năm, người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống. Những lúc như thế này, già làng Đinh Xon là người vui nhất. Già vui vì bản làng nhanh chóng đổi thay, những hủ tục đã lùi vào quá vãng nhưng câu chuyện Cu Đường đã trở thành một huyền thoại của tình người.

PHẠM XUÂN LỤC(baomoi.com.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777