Quảng Bình – Nằm sâu giữa rừng miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị là nhánh Tây đường Hồ Chí Minh được mở trên nền của con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa. Cây số không của tuyến đường bắt đầu ở xóm Khe Gát của xã Xuân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), uốn lượn đẹp như tranh vẽ qua vùng lõi Phong Nha-Kẻ Bàng và bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu.
Con đường như dải lụa vắt vẻo ở núi rừng Tây Trường Sơn
Người bạn Vân Kiều Hồ Toan nói, con đường Hồ Chí Minh đi qua xã Trường Sơn heo hút là con đường “đổi đời”. Nó giúp nhà của người Vân Kiều giàu lên, có tivi, xe máy, điện thoại, biết cái khôn làm ăn”. Hồ Toan kể rằng, từ ngày có đường “đổi đời” đi qua, dân bản cho con em đi học đại học, cả chục đứa rồi đấy. Mà không chỉ xã Trường Sơn mà một số bản làng khác, người Vân Kiều đang từng ngày đổi thay nhờ cung đường này.
Con đường soi giữa trùng điệp núi rừng, từ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) vào đến Kim Thủy (huyện Lệ Thủy), trước đây đi đúng 1 ngày, nay chưa đầy 1 giờ đã chạm vào bản Tân Ly ngút mắt màu xanh, đi chút nữa vào đến bản Làng Ho, vượt đỉnh 1001 sẽ đến đất đai của Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị. Pả Vừ ở Hướng Lập nói: “Ngày xưa cắt rừng tìm kiếm cái ăn, trốn đạn trên trời, bữa ni đi đường phẳng lì, cái ăn cũng đỡ phần nào nhưng quan trọng nhất là cái bệnh có đau ốm thì đi trạm xá, bệnh viện cũng gần hơn rồi”. Còn Hồ Long ở Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy) mân mê tà áo nói: “Vợ mình đẻ khó, qua trạm xá cũng đẻ khó, may có đường tốt mà cán bộ biên phòng chở về Bệnh viện Lệ Thủy, mẹ tròn con vuông. Bác sĩ nói, có đường tốt cũng góp phần cứu vợ với con mình. Chứ ngày xưa cắt rừng thì chắc khó sống rồi”.
Với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô dọc cung đường này, họ coi con đường ngoài sự đổi đời làm ăn còn là con đường cứu người, bởi nhờ con đường đó mà họ tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ y tế chứ không như trước đây phải nằm một chỗ cho thầy mo cúng bái trong u mê núi non sâu thẳm.
Cho đến nay, con đường vẫn bí ẩn với nhiều người. Cây số đầu tiên của nó xuất phát Khe Gát của Xuân Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình); điểm cuối cùng là Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh ở Hướng Hóa (Quảng Trị), dài khoảng 300km, được trải bê tông trên toàn tuyến. Nó như dải lụa vắt vẻo ở núi rừng phía Tây Trường Sơn, lộng lẫy giữa bạt ngàn rừng mưa, có nơi phủ rậm rạp những tàng cây cổ thụ cao lớn đến bất ngờ.
Đứng trên dốc cao nhất của cung đường, giữa trời nắng lộng gió, sự trùng điệp núi rừng của Trường Sơn hùng vĩ đến lạ kỳ. Qua khu vực 4 mùa trong ngày, chạm chân đến đèo Sương Mù, con đèo ngoạn mục ở phía Tây, nó càng ngoạn mục hơn khi các cánh rừng hai bên là cây lồ ô, luồng, tre rừng ken dày, thẳng tắp, vút cao.
Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Trường Sơn quả là một con đường ngoạn mục. Bởi nói như những người anh em sống dọc dài dải lụa thiên lý này thì con đường đổi đời không chỉ cho họ mà còn cho con cháu của họ sau này. Ơn nghĩa đó, theo Pả Vừ: “Bền mãi mãi trong trí nhớ đồng bào mình”.
Thanh Tùng – Minh Phong (Baodaidoanket)