Hơn trăm tuổi còn say nghiệp đàn ca…

0
6370

Văn hóa Quảng Bình – Năm nay, cụ Châu Đình Khoá – xã Sơn Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình – vào tuổi 104. Mấy chục năm qua, tiếng đàn tỳ bà và đàn nguyệt của cụ vang lên với một niềm đam mê đến kỳ lạ. Cụ bảo: “Tiếng đàn điệu hát nuôi tui lớn lên, cho tui sống đến tuổi này…”.


Nghệ nhân hát dân ca Nam Kỷ và thầy Châu Đình Khoá.

Thăng trầm đời người, đời đàn

Chẵn 100 tuổi vào tháng 7.2009, vậy mà tại lễ mừng đại thọ, cụ Châu Đình Khoá đã không ngừng tay đàn phục vụ mọi người. Ngoài người thân, còn có hàng chục học trò yêu của cụ đến mừng. Mới nhìn vào quang cảnh buổi mừng thọ, ai cũng nghĩ đó là một buổi biểu diễn văn nghệ. Vì hơn 3 tiếng đồng hồ liền, bằng tay đàn còn rất chỉnh, chính cụ Khoá lại là người dẫn cho bao lớp học trò của mình hát lên những bài dân ca hay thể hiện những khúc nhạc da diết lòng người của điệu Nam ai, Lưu cống, Họ xự xàng xê… Hình như niềm say mê với nhạc dân tộc chưa bao giờ dứt trong cụ.

Cụ Châu Đình Khoá là cháu nội của quan Thượng thư Bộ Lễ Châu Đình Kế dưới triều Nguyễn. Thuở nhỏ, cụ đã say mê đàn ca tài tử đến quên ăn quên ngủ. Chính sự đam mê ấy đã làm cụ lọt vào đôi mắt tinh tường của thầy Trợ Tồn – tức Nguyễn Quang Tồn, nguyên giám thị Trường Quốc học Huế, là một người am hiểu đàn hát dân gian – nhận làm học trò.
 
Cụ Khóa bồi hồi: “Đêm đêm, một thầy một trò tui để hết hồn vía vô cây đàn tỳ bà cũ kỹ và các điệu hát Hồ thuỷ, Nam ai, Dạo khách, Tẩu mã… Nhiều đêm, mãi đến gần sáng mới rứt ra được”. Ngày tháng trôi qua, không bao lâu sau cụ trở thành một người chơi đàn, hát dân ca có tiếng ở xứ Quảng Bình và cả vùng Quảng Trị, Thừa Thiên.

Cụ Châu Đình Khoá trong lễ mừng đại thọ 100 tuổi.

Người ta cứ nghĩ cụ Khoá sẽ theo nghiệp đàn ca, sống cuộc sống tự do tự tại ở vùng quê Lệ Thuỷ, nhưng từ năm 1930 cụ tham gia vào phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở miền Trung và cùng thầy Tồn dùng tiếng đàn ca của mình với các nghệ sĩ có tiếng ở Trung Kỳ như Mộng Tuyết, Trợ Tham… kêu gọi bỏ phiếu cho các nhà cách mạng dân tộc dân chủ như Hoàng Chính Đông, Trần Bá Liễu… vào dân biểu.

Năm 1939, thực dân Pháp đàn áp phong trào dân chủ, thầy Tồn bị điều ra Thanh Hoá. Nhiều thanh niên địa phương yêu nước- trong đó có cậu học trò Khoá- phải phiêu dạt sang Lào, Thái Lan. 5 năm sau, thầy Tồn mất tại Huế. Ông nói lời trăng trối với vợ, muốn tặng cây đàn tỳ bà cho người học trò yêu là Châu Đình Khoá.

Trước năm 1945, cụ Khoá về quê. Việc đầu tiên là cụ dò hỏi về người thầy của mình. Khi biết thầy đã mất, cụ vào Huế viếng, rồi quỳ lạy vong linh thầy để nhận cây đàn tỳ bà mà thầy có ý gửi gắm cho cụ. Với một trí nhớ còn khá minh mẫn, cụ Khoá kể về lai lịch cây đàn tỳ bà: “Không phải ngẫu nhiên mà thầy Tồn trăng trối tặng lại cho tui cây đàn đã dư 200 năm tuổi, là vật báu trên đời của nghiệp đàn ca tài tử.

Tui nghe chuyện là năm 1882, trong một buổi đối ẩm nghe đàn ca tại một dinh thự ở Huế, quan Ngự sử Lưu Đức Xứng giới thiệu với cụ tôi là Châu Đình Kế về một cây đàn tỳ bà có vào năm Gia Long thứ nhất (1802) và là báu vật của gia đình. Khi quan ngự sử mất, cây đàn được rước lên bàn thờ trong gian tả của phủ đệ. Không hiểu sao thầy Tồn biết về cây đàn này và thầy đã thửa một mâm trầu, cau đến thỉnh xin cây đàn. Nghĩ rằng cây đàn còn có cơ duyên với đời nên gia đình quan ngự sử đã xin “âm dương” và cho thầy tui đưa cây đàn về. Nay cây đàn đó tui đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Quảng Bình cất giữ”.

Hơn trăm năm còn nặng nghiệp đàn ca

Tiếp nhận cây đàn, cụ Khoá ra quê và hoạt động cách mạng. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, cây đàn tỳ bà đã theo cụ – thành viên của đội tuyên truyền xung kích – phục vụ quân, dân chiến trường Bình-Trị-Thiên. Trong một lần như thế, cụ bị thương hỏng một mắt. Vậy mà cụ không hề có ý định từ bỏ nghiệp đàn ca của mình, vẫn theo đồng đội, cùng anh em văn nghệ phục vụ các chiến sĩ, dân công, đồng bào… Hết chống Pháp đến chống Mỹ, cây đàn tỳ bà lại theo anh thương binh hỏng mắt Châu Đình Khoá xông pha trên khắp chiến trường trong đội hình văn công tỉnh Quảng Bình, rồi văn công của Khu uỷ Trị-Thiên.

Cụ Khoá nhớ lại: “Tui đi phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong ở vùng mô cũng chỉ chăm chăm lo giữ cho được cây đàn tỳ bà quý giá này. Vì nó là hồn vía cho bao điệu hát, giọng hát dân ca của quê hương đất Bình-Trị-Thiên”. Trong những năm chiến tranh, cụ nghĩ những gì mình có được về vốn đàn ca cổ của cha ông có thể bị mất bất cứ lúc nào vì bom đạn, nên đã để ý tìm được bốn người có niềm đam mê với nhạc cổ, truyền nghề cho họ. Đáng tiếc ngón nghề đàn cổ tuyệt kỹ của cụ chưa truyền được cho mấy người trong số cụ đã lựa chọn thì họ lần lượt ngã xuống trên những nẻo đường của chiến tranh ác liệt.

Không thể để mai một tiếng đàn, điệu ca mà cụ có được, trên cương vị là Trưởng đoàn Văn công Quảng Bình, cụ Khoá tiếp tục tìm và rèn dạy cho bao lớp học trò khác. Bà Nam Kỷ – nghệ nhân hát dân ca có tiếng ở đất Quảng Bình những năm 1960 đến 1976 và dải đất Bình-Trị-Thiên những năm sau đó – chính là học trò ruột của cụ Khoá. Bà kể: “Bác Khoá là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ đàn hát dân ca ở Bình-Trị-Thiên. Khi tôi bước vô nghiệp hát chỉ hát được vài bài do cha tôi dạy. Sau đó thì bác Khoá dạy cho tôi bài bản từ bài một đến bài mười…”.

Dưới sự dìu dắt của cụ Khoá, nhiều người ở các thế hệ văn công Quảng Bình, văn công Khu uỷ Trị-Thiên như ca sĩ Thu Hiền, Đăng Điền, Nam Kỷ, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân… đã thành danh trong nghiệp đàn, ca, sáng tác nhạc. Nhạc sĩ Quách Mộng Lân tự hào: “Tôi học được nhiều điều từ phong cách đàn ca tài tử của cụ. Nhiều ca khúc của tôi đã mang hơi hướng nét dân ca quê hương xứ Quảng. Với sự tuyệt kỹ của mình, nhất là trong sử dụng đàn tỳ bà và đàn nguyệt, thì tiếng nhấn nhá, luyến láy, dốc cảm xúc của mình vào từng tiếng đàn, ít ai có thể làm hơn cụ”.

Năm hơn 60 tuổi cụ Khoá về hưu, nhưng vẫn được Đoàn văn công Khu uỷ Trị-Thiên, rồi Đoàn nghệ thuật Quân khu 4 mời cụ làm cố vấn. Lúc đó, ngoài các chương trình dân ca truyền thống, các đoàn trên còn có thêm nhiều tiết mục đàn, hát theo thể loại mới. Thế là cụ đi học nhạc lý với những đồ, rê, mi, pha, sol… lạ hoắc để may ra còn… đứng được với chức cố vấn trước anh em trong đoàn. Thấy cụ ôm đàn ngồi học, gảy lên từng nốt nhạc mới, ai cũng vừa thương vừa nể phục.

Hết làm cố vấn, cụ Khoá về quê Lệ Thuỷ với cây đàn tỳ bà của mình. Tuổi già, cứ tưởng nghiệp đàn ca của cụ từ đây thôi, nhưng rồi các đội văn nghệ ở thôn, xã, huyện Lệ Thuỷ cứ hết chỗ này đến chỗ khác nhờ cụ chỉ dạy, truyền nghề. Biết bao đội văn nghệ xã, thôn đã được cụ truyền dạy đàn ca mà cụ không hề nhận thù lao. Cụ bảo: “Khoản thù lao lớn nhất của tui là mọi người còn thích học đàn ca dân tộc.Nhờ đó mà tui còn truyền được các ngón nghề của thầy Trợ Tồn cho họ. Mong là sau ni mọi người vẫn giữ được tiếng đàn có dư âm của Nam Sách quận công và ngài Tuy An thuở trước để hậu sinh còn biết”.
 
Cụ say sưa dạy cho lớp cháu con những Nam bình, Phẩm tiết, Tứ đại, Nguyên tiêu… 93 tuổi, cụ còn ra Hà Nội tham gia Câu lạc bộ Ca nhạc truyền thống UNESCO. Cảm kích trước tấm lòng và tình yêu đàn hát dân ca của cụ, ông Trịnh Quang Hưởng ở câu lạc bộ này đã làm thơ tặng cụ: “Tuổi cụ chín ba (93) ai bảo già/ Chân còn đập phách miệng đờn ca…”. Ở tuổi 94-95, cụ còn tham gia các đêm trình diễn và dành nhiều thời gian cho học sinh, sinh viên ở Nhạc viện Hà Nội…

Nay cụ Châu Đình Khoá đã 104 tuổi, nhưng tiếng đàn tỳ bà, đàn nguyệt của cụ vẫn ngọt như ngày còn trai trẻ…

 

Theo Bao Laodong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777