Kinh tế Quảng Bình – Một nhà máy với kiểu đầu tư “đem con bỏ chợ” khiến hàng trăm hộ dân khốn đốn, gây môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ… Đó là tình trạng đang xảy ra tại Nhà máy Tinh bột (NMTB) Long Giang, trụ sở tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Nông dân khốn đốn
Năm 2008, Công ty cổ phần Tư vấn & Đầu tư (CP TV&ĐT) Long Giang Thịnh lập kế hoạch đầu tư dự án xây dựng vùng trồng cây dong riềng làm nguyên liệu và NMTB Long Giang để sản xuất tinh bột dong riềng rất hoành tráng trình lên các cấp ngành tỉnh Quảng Bình.
UBND tỉnh này nhận diện được tiềm năng cây dong riềng mang lại nên đã đặt bút phê duyệt dự án này và quy hoạch một vùng trồng dong riềng làm nguyên liệu rộng hơn 500ha tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2009, NMTB Long Giang được khởi công xây dựng. Cùng lúc đó, Công ty CP TV&ĐT Long Giang Thịnh cho cán bộ đi vận động bà con nông dân các xã ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy trồng cây dong riềng, hứa hẹn nhà máy sẽ thu mua củ với giá cao. Người dân nhiều xã trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh phấn khởi ra mặt và chắt chiu từng khoảnh đất trồng cây dong riềng.
Nhưng đến vụ thu hoạch những năm 2011 – 2012, chẳng ai thấy nhà máy đến thu mua củ dong riềng nữa. Và đầu năm 2012, NMTB Long Giang đã ra thị trường, ồ ạt mua sắn nguyên liệu để sản xuất tinh bột sắn. Họ không hề mảy may báo cáo, thông qua với một cấp ngành nào về việc thay đổi mục đích đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Quảng Bình cấp.
Kiểu làm của NMTB Long Giang khiến hàng trăm hộ dân đã phá bỏ các loại cây trồng các để trồng dong riềng lâm vào cảnh lao đao. Công cày cuốc, canh tác đất, chăm sóc và tiền của bỏ ra mua phân bón của hàng trăm hộ gia đình nay đem đổ xuống biển. “Khi nhà máy đến vận động, hứa hẹn đủ điều rồi cho giống sản xuất. Năm đầu tiên họ thu mua một ít, bà con có chút động lực, lại mở rộng thêm diện tích. Nhưng đến nay, chẳng thấy nhà máy đoái hoài chi nữa, nhiều bà con lại phải ngậm ngùi đào bỏ hết để trồng cây khác” – Chị Nguyễn Thị Luyến, ở làng Bến, xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ở thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh), tỏ ra kinh nghiệm: “Nhà máy chơi kiểu như rứa thì nông dân tui thiệt nặng. Lần sau có nhà máy nào đó về làm, xã, thôn phổ biến thì nên có hợp đồng hẳn hoi, có bảo hiểm để còn có người chịu trách nhiệm. Chứ ai lại…”. Những người “trót dại” trồng dong riềng, giờ để lại thì không biết làm gì, mà phá đi thì tiếc công sức bỏ ra bấy lâu…
Sản xuất sắn làm môi trường ô nhiễm nặng
Đến NMTB Long Giang vào những ngày này, một mùi thối nồng nặc bốc ra từ chất thải của quá trình sản xuất tinh bột sắn và tỏa ra cả một vùng rộng lớn. Ở cách nhà máy này cả cây số vẫn ngửi rõ mùi.
Ông Nguyễn Minh Ánh cùng vợ là bà Đào Thị Liêu, nhà ở thôn 1 Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, cách NMTB Long Giang hơn 500m, cứ lắc đầu nguầy nguậy: “Kiến nghị lên xã rồi vẫn không thấy động tĩnh gì. Thiệt không biết kêu ai. Buổi tối đóng cửa ngủ còn không chịu nổi huống chi ban ngày. Nhà có đứa cháu nội 4 tuổi, mà cứ phải nhốt ở trong nhà, không dám cho cháu ra ngoài chơi. Bởi mỗi lần ngửi mùi chất thải của NMTB Long Giang quá đặc là cháu cứ nôn thốc nôn tháo”.
Dòng khe Cự (khe – người địa phương dùng để chỉ con sông nhỏ – PV) từ trên thượng nguồn, nước trong vắt. Nhưng đến đoạn chảy qua phía sau khu vực xả chất thải của NMTB Long Giang, nước bị chất thải nhập vào, phải ngả một màu đục quánh, mùi thối nồng nặc. Nhiều bà con thôn 8, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới (ở ngay sau hướng xả thải của NM) cho biết, nhiều người trong thôn đã thấy ống xả thải ra khe Cự của NMTB Long Giang. Ống được chôn sâu xuống đất, rất kín đáo.
Đứng trên cầu Hai bắc qua khe Cự (cách nơi xả thải gần 1km) nhìn xuống, cả dòng nước vẫn một màu vàng ruộm, không khá hơn. “Đừng nói đến mùa này. Ngay trước đây cả tháng là mùa nước sông trong nhất nhưng ngay cả trâu bò, chúng tôi cũng không dám đưa xuống tắm hay uống nước. Con cá dưới khe, từ khi nhà máy sản xuất sắn xả ra, cứ ngoi lên mặt nước rồi chết dần hết” – ông Võ Nguyên Vụ, một cư dân thôn 8, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới cho biết. Và theo ông Vụ, mùa khô vừa rồi, bà con nơi này bơm nước khe Cự lên cho ruộng lúa, lúa cũng chết hàng loạt.
Gặp nhiều bà con khác ở dọc hai bên dòng khe Cự tại các xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh), rồi xã Nghĩa Ninh, phường Đức Ninh (TP. Đồng Hới), ai cũng ngán ngẩm than phiền khổ đủ đường vì dòng nước ô nhiễm mà NMTB Long Giang chính là thủ phạm. Rất nhiều lần, người dân đã chất vấn đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình về việc NMTB Long Giang gây ô nhiễm, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời hay giải pháp thỏa đáng.
Theo quy định của Nhà nước, thì NMTB Long Giang khi có thay đổi về sản xuất phải làm báo cáo đánh giá lại tác động môi trường trình các cơ quan chức năng. Nhưng khi trao đổi với PV, ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP TV&ĐT Long Giang Thịnh lại lấy lý do: “Công nghệ xử lý chất thải của NM đã đạt tiêu chuẩn của NM tinh bột sắn, nên không cần làm báo cáo”. Chúng tôi hỏi, đạt chuẩn sao bà con kêu trời, phản ánh về việc gây ô nhiễm? Ông Thơ lại bảo: “Đây là vấn đề nóng của NM” (!?).
Nhiều nông dân ở huyện Quảng Ninh cho rằng,NM Long Giang lập lờ với bà con nông dân để nhận được sự ưu đãi của tỉnh, rồi quay lưng lại với việc chế biến tinh bột dong riềng. Bởi gần cả trăm héc-ta dong riềng được nhà máy khuyến khích nông dân trồng trước đó, nay “sống chết mặc bay”, không một lời giải thích.
Còn ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN – MT tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Nhận được phản ánh của dân, chi cục đã yêu cầu NMTB Long Giang báo cáo đánh giá lại tác động môi trường trước tháng 10/2012. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa báo cáo”. Và “chi cục cũng từng trực tiếp kiểm tra, nhưng lúc đó NMTB Long Giang sản xuất chất thải còn nằm trong bể chứa, chưa thải ra môi trường”.
Theo ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP TV&XD Long Giang Thịnh, căn cứ kế hoạch thì dự án về NMTB Long Giang có tổng mức đầu tư là 43,3 tỷ đồng. Trong vòng 3 – 5 năm, NM sẽ xây dựng một vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu dong riềng rộng lớn từ 1.000 – 1.500ha.
Kế hoạch là thế, nhưng đã hơn 3 năm từ khi NMTB Long Giang đi vào hoạt động, vùng nguyên liệu dong riềng của họ gần như là con số “O” tròn trĩnh, và hậu quả chỉ người dân lãnh đủ.
Trần Nguyên Phong – Suckhoedoisong