Kinh tế Quảng Bình – Giai đoạn 2014 – 2015, Quảng Bình đặt mục tiêu kêu gọi đầu tư 40 dự án với các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, sản xuất công nghiệp…
UBND tỉnh Quảng Bình ngày 19/3 đã gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng đang có nhu cầu tham gia đầu tư vào tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Hữu Hoài, trong giai đoạn 2014-2015, tỉnh lên kế hoạch kêu gọi đầu tư 40 dự án tại 6 lĩnh vực, gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, y tế và giáo dục. Tổng quy mô các dự án tối thiểu 26.300 tỷ đồng và 2,85 tỷ USD, tương đương khoảng 4,1 tỷ USD.
quang-binh-7395-1395217151.jpg
Quảng Bình sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần thứ nhất vào tháng 4.
Trong tháng 4, Quảng Bình lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư nhằm tập trung cho 21 dự án trọng điểm, trong đó có các dự án lớn như nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II (1.200 MW) tại Khu kinh tế Hòn La, vốn 1,3 tỷ USD; Dự án Khu công nghệ cao điện tử (Quán Hàu) vốn tối thiểu 1.500 tỷ đồng; Khu công viên giải trí phục vụ du lịch quốc tế Bảo Ninh, Đồng Hới vốn từ 1.500 – 2.000 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết Quảng Bình có lợi thế phát triển nhiệt điện, phong điện khi Thủ tướng đã đưa vào quy hoạch trung tâm nhiệt điện công suất 2.400 – 3.000 MW tại khu kinh tế Hòn La và nhà máy phong điện công suất 600 – 1.000 MW đang được nghiên cứu. Tỉnh cũng khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo kết nối với Lào, Thái Lan và khu kinh tế biển Hòn La nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư.
Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú nhận định Quảng Bình vẫn như “nàng công chúa bị bỏ quên”, do vị trí địa lý nằm xa trung tâm kinh tế của đất nước, chịu ảnh hưởng của thiên tai, chi phí xúc tiến đầu tư hạn chế và thiếu hạ tầng kinh tế xã hội. Còn ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng những hạn chế trên vừa là khó khăn, nhưng cũng là dư địa cho Quảng Bình kêu gọi nhà đầu tư.
Trong 2 năm tới, Quảng Bình cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất, kinh doanh, với các khung ưu đãi đầu tư cao nhất và linh động trong từng dự án, Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài phát biểu.
Cũng trong buổi gặp gỡ hôm nay, đại diện của Sun Group, VietJet Air, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)… cho biết sẽ xúc tiến để triển khai các dự án du lịch nghỉ dưỡng, nhà máy bia, vùng nguyên liệu cũng như mở đường bay tới Quảng Bình trong thời gian sớm nhất.
Quảng Bình nằm ở Bắc Trung Bộ, cách Hà Nội 500 km về phía Bắc và TP HCM 1.200 km về phía Nam. Tổng diện tích tự nhiên hơn 8.000 km2, dân số 860.000 người. Giai đoạn 2006 – 2010, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt trên 12%; giai đoạn 2011 – 2013, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nhưng tốc độ tăng trưởng của Quảng Bình vẫn đạt trên 7,5%.Hiện tại, tỉnh đã thu hút được 267 dự án, tổng vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng, trong đó có 158 dự án được chấp nhận chủ trương thực hiện với số vốn đăng ký 78.900 tỷ đồng.
Theo Vnpress.net