Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tham mưu của cấp ủy trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng

0
1326

(QBĐT) – Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Nội chính Đảng đã không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Trong quá trình phát triển, dù ở các mô hình tổ chức khác nhau, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng đã luôn nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, trung thành, tận tụy, sáng tạo, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng các cấp triển khai nhiều chủ trương lớn về quốc phòng – an ninh; phòng chống tội phạm; cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng…, góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Đối với tỉnh ta, sau ngày tái thành lập tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 09-QĐ/TU ngày 20/4/1993 về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình. Trải qua gần 23 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Nội chính Đảng đã có bước phát triển về mọi mặt, Ban Nội chính Tỉnh ủy, các tổ chức đảng ở các cơ quan nội chính và hệ thống văn phòng cấp ủy cấp huyện đã không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả; đã tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương lớn của Đảng về quốc phòng, an ninh; phòng chống tội phạm; cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tạo môi trường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm ổn định. Nhờ những đóng góp tích cực của ngành Nội chính Đảng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân, các cấp, các ngành, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các mặt.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, các cơ quan nội chính đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược an ninh quốc gia, xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Đã tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương của Đảng về phòng chống tội phạm, nhất là Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, từng bước kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, không để hình thành băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường lành mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp ở tỉnh đã được củng cố, kiện toàn, điều chỉnh, sắp xếp lại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngày càng được phân định rõ hơn.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tư pháp; chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán và hội đồng xét xử giảm. Các cơ quan bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả. Vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện của các cơ quan tư pháp đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền dân chủ của công dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết ổn định tình hình các vụ việc nổi lên về an ninh, trật tự từ cơ sở. Đã thường xuyên nắm chắc tình hình ở địa bàn có đông đồng bào theo đạo, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch, các linh mục cực đoan lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động giáo dân tập trung đông người gây rối làm mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết lương giáo, cố tình vi phạm pháp luật về đất đai, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện, trong đó có một số biện pháp đã phát huy tác dụng. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, nhất là thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quan tâm.
Đã gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức, đảng viên, cán bộ lực lượng vũ trang, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có nhiều cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong khối nội chính để tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tạo được những chuyển biến tích cực. An ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ghi nhận và đánh giá cao công lao của các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác nội chính nói chung và Ban Nội chính Tỉnh ủy nói riêng; Đảng, Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương và UBND tỉnh đã tặng thưởng cho tập thể và cá nhân các cơ quan nội chính nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, Huân chương Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang… Đây là sự động viên, nguồn cổ vũ to lớn, niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ cán bộ, công chức của ngành Nội chính Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, cần nghiêm túc nhận thấy, công tác nội chính và phòng chống tham nhũng vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế. Công tác dự báo, tham mưu có lúc, có việc còn thiếu chủ động. Công tác nắm tình hình cơ sở có mặt chậm đổi mới. Tình hình an ninh, trật tự ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo. Tệ nạn ma túy chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tuy có chuyển biến, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa có mặt chưa thật sự rõ nét. Một số giáo xứ còn có các hoạt động vi phạm pháp luật nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Một số khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết kịp thời. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng thực hiện chưa thường xuyên. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan chưa đầy đủ, còn hình thức.
Công tác phát hiện các vụ việc tham nhũng còn yếu. Những khuyết điểm trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tổ chức đảng ở một số cơ quan nội chính có lúc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm được giao, phương thức lãnh đạo chưa kịp thời đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; công tác nội chính cấp ủy có giai đoạn chuyển giao cho hệ thống văn phòng cấp ủy nên mức độ tham mưu còn hạn chế.
Năm năm tới là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tỉnh ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh trong thời kỳ mới là “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững”. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ; trong đó, cần có sự đóng góp tích cực của ngành Nội chính Đảng.
Thời gian tới, ngành Nội chính Đảng cần phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu cho cấp ủy các cấp với những định hướng chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược an ninh quốc gia, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm…
Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn. Ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội; triệt phá các băng, nhóm tội phạm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; chủ động đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 16-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh”. Tập trung giải quyết các vụ, việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; các đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, đơn thư tố cáo cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng. Tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận của người khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để tạo thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án và chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Giải quyết kịp thời các vụ án trọng điểm, các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử; bảo đảm các bản án, quyết định của cơ quan tố tụng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, hạn chế những sai sót do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử.
Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp. Tích cực rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án đã có hiệu lực pháp luật và có điều kiện thi hành nhưng chưa được thi hành, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nhất là các văn bản luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Hiến pháp 2013.
Thứ ba, về công tác phòng, chống tham nhũng, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cần phải tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên.
Thường xuyên giáo dục nhằm nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ kiểm tra viên, thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và những người trực tiếp làm công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Làm tốt công tác phòng ngừa; đồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ, đảng viên tham nhũng.
Thứ tư, xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan nội chính thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao, bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo.
Là cơ quan tham mưu cho cấp ủy tỉnh trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình; chủ động tham mưu, đề xuất cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ 2015-2020, hằng năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện tốt.
Trong phiên họp lần thứ 2, nhiệm kỳ 2015-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định chủ đề năm 2016 là: “Tăng cường xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, biến lời nói thành hành động” và đây cũng được xem là phương châm hành động của Tỉnh ủy xuyên suốt trong nhiệm kỳ, từng bước đem lại sự hài lòng và niềm tin cho nhân dân, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết tốt nhất, nhanh nhất, có hiệu quả cao nhất các công việc của người dân và doanh nghiệp, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội.
Với tầm quan trọng trong công tác tham mưu cho cấp ủy về lĩnh vực nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức để xây dựng cho bằng được một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, có tính chuyên nghiệp và phong cách làm việc hiệu quả cao nhất; kiên quyết thay thế những cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu năng động, sáng tạo, hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, đồng thời thường xuyên quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ, giúp văn phòng cấp ủy cấp huyện và tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng để công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của tỉnh trong thời gian tới ngày càng có chuyển biến rõ nét, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính Đảng, tin tưởng rằng, ngành Nội chính Đảng tỉnh nhà sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân giao phó, góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.
Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
,

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777