Nuôi dúi, mô hình kinh tế mới

0
5053

 Gặp anh thanh niên công giáo Nguyễn Mạnh Hùng, 28 tuổi  trong một ngày đầu xuân. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười thân thiện của anh khi đang cho đàn dúi gần 200 con của mình ăn, ít ai biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một thời gian dài miệt mài tìm tòi, học hỏi, vượt qua bao khó khăn để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của người thanh niên đầy nhiệt huyết này.

Sinh ra trong một gia đình công giáo thuần nông thuộc thôn 2 xã Thanh Thạch, một xã rẻo cao của huyện Tuyên Hóa, vì điều kiện khó khăn nên anh phải gác lại ước mơ được học tập để tham gia lao động sản xuất cùng gia đình.

Tuy nhiên, do diện tích đất canh tác ít, ngành nghề khác chưa phát triển nên anh cũng như nhiều thanh niên khác phải vào Nam làm công nhân trong các khu công nghiệp. Sau thời gian làm việc xa nhà, anh nhận thấy với đồng lương ít ỏi, rất khó bảo đảm cuộc sống chứ chưa nói đến việc làm giàu. Điều làm anh suy nghĩ và trăn trở là tại sao quê mình nhiều thanh niên phải bỏ quê, tìm nơi khác để lập nghiệp trong lúc điều kiện để phát triển kinh tế cũng có nhiều.

Vì vậy, anh đặt ra cho mình mục tiêu là phải làm sao để thay đổi hoàn cảnh, thay đổi số phận, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình. Chính từ suy nghĩ đó đã thôi thúc anh trở về với ý chí quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh luôn nghĩ phải trồng cây gì và nuôi con gì để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. Anh đã thử nuôi nhiều loài gia súc, gia cầm, tuy nhiên mấy lần nuôi gà, vịt và chăn nuôi heo theo lối chuồng trại đã không mang lại hiệu quả, lại thêm dịch bệnh và chi phí lớn nên rất khó để phát triển. Vì thế, anh tích cực tìm hiểu và có ý định nuôi các loài có giá trị kinh tế cao hơn.

 


Anh Nguyễn Mạnh Hùng đang kiểm tra sức khỏe các cá thể dúi.

Một lần tình cờ anh phát hiện ra giá trị kinh tế của con dúi, một động vật hoang dã nhưng rất dễ thuần hóa, nuôi dưỡng và được thị trường ưa chuộng. Thức ăn của chúng thường là tre, nứa non, các loại cỏ củ và các thân cây như ngô, mía, những loài này rất dễ kiếm và sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó, do vấn nạn săn bắt nhiều trong tự nhiên nên số lượng dúi đang ngày càng giảm, vì thế trong tương lai con dúi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhận thấy tiềm năng lớn như vậy nên anh đã tìm hiểu qua sách, báo và trên mạng internet để hiểu rõ hơn về cách thức và quyết định nuôi loài động vật này. Với số vốn ban đầu hơn 5 triệu đồng vay mượn được từ bạn bè và người thân, anh quyết định xây dựng chuồng trại và đầu tư vào nuôi dúi, vừa phát triển kinh tế vừa để bảo tồn loài gặm nhấm hoang dã này. Hơn nữa, việc nuôi dúi cũng ít tốn thời gian nên có thể kết hợp làm các công việc khác trong gia đình.

Thời gian đầu chưa thành công, nhưng sau gần một năm tìm tòi thử nghiệm, tìm hiểu về tập tính ăn uống, sinh sản, theo dõi tình trạng sức khỏe, 8 cặp dúi được anh đưa về từ tự nhiên sống khỏe mạnh, ăn uống bình thường, có khả năng sinh sản tốt và mang lại kết quả như mong đợi… Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn thức ăn, ngoài việc tận dụng thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên và các sản phẩm từ trồng trọt như ngô, sắn, các loại rau, củ anh còn trồng mía, sắn và các loại cỏ làm thức ăn cho dúi.

Đến nay, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi của gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng luôn duy trì ổn định khoảng 200 con. Những con dúi con phát triển tốt khoảng 7-8 tháng là có thể sinh sản. Mỗi năm đàn dúi của anh sinh sản khoảng 3-4 lứa, mỗi con dúi mẹ sinh mỗi lứa từ 3-5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 1-2 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 5-6 tháng có thể đạt trọng lượng trên 1kg.

Do nắm bắt được kỹ thuật nuôi cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình nên rất nhiều hộ gia đình trong xã cũng như địa phương khác tìm đến anh để học hỏi, nhân rộng mô hình. Đến hết năm 2012 anh đã bán được hơn 200 con dúi giống và thương phẩm. Dúi thương phẩm được bán với giá 200.000đồng/kg, mỗi cặp dúi giống được bán với giá từ 400 – 500.000 đồng. Từ mô hình nuôi dúi, mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với một gia đình ở xã rẻo cao còn nhiều khó khăn như Thanh Thạch. Sau thành công trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con dúi, hiện tại anh còn thử nghiệm thêm mô hình nuôi gà rừng, với hy vọng mô hình này cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi dúi.

Nuôi dúi, một mô hình kinh tế, một hướng thoát nghèo mới của thanh niên công giáo Nguyễn Mạnh Hùng có thể nhân rộng, nhất là ở những địa phương có nhiều tiềm năng như Tuyên Hóa.

Theo quangbinhtoday

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here


Notice: amp_has_paired_endpoint was called incorrectly. Function called while AMP is disabled via `amp_is_enabled` filter. The service ID "paired_routing" is not recognized and cannot be retrieved. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 2.1.1.) in /home/qbtoday/domains/quangbinhtoday.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5777