Mấy năm nay, người dân ở xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã tiến hành đốt những khoảng rừng nghèo kiệt để chuyển sang trồng keo, mong muốn có thu nhập cải thiện cuộc sống. Vì thiếu hiểu biết pháp luật, nên những cây keo của người dân trồng trái phép xong, thì cũng là lúc chính quyền địa phương thành lập tổ để đi nhổ để cưỡng chế. Điệp khúc dân trồng rừng chính quyền đi “xóa” đã tồn tại nhiều năm nay mà chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Khó nên dân làm liều
Xã Kim Hóa là một xã nghèo miền núi của huyện Tuyên Hóa, với diện tích trải rộng chủ yếu là đồi núi hiểm trở và khe suối. Người dân trong xã đa số sống dựa vào rừng và tận thu các lâm sản phụ từ rừng như hái măng, hái lá nón,lấy mật ong rừng…Rừng ngày nay đã nghèo kiệt chỉ còn lại cây bụi, tre, nứa và cây leo chằng chịt không nuôi sống được những người dân nghèo miền núi. Đất canh tác nông nghiệp trồng lúa và trồng hoa màu thì được khai hoang tận dụng hết cũng chỉ hơn 50ha trên toàn xã
Để cuộc sống người dân được đảm bảo ổn định và phát triển, chính quyền địa phương đã thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp và khoán rừng cho các hộ dân theo chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi đất lâm nghiệp và giao khoán rừng đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, nên người dân chờ lâu, và đã có nhiều hộ tự ý kéo vào phá rừng ngoài quy hoạch để trồng rừng sản xuất.
Năm 2011, khoảng hơn chục hộ dân trên địa bàn thôn Kim Lịch đã tự ý kéo nhau vào khu vực Động Lếch thuộc vùng Đèo Khe Nét sẻ phát rừng thuộc xã quản lý. Đợt sẻ phát này, hộ nhiều thì hơn 4hecta, hộ ít cũng vài hécta. Sau khi sẻ phát xong, năm 2012, các hộ dân đã tiến hành trồng cây keo trên diện tích đã sẻ phát đó. Chính quyền địa phương đã nắm được thông tin, và thành lập tổ gồm các lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, các đoàn thể, Mặt trận của xã vào cuộc đi cưỡng chế. Lúc chính quyền đi cưỡng chế, những hộ dân không dám đứng ra nhận trách nhiệm, nên xã đã tiến hành nhổ hết cây keo mới trồng trên toàn bộ diện tích đó.
Và từ năm 2012 đến nay, năm nào cũng xảy ra tình trạng dân nghèo vay tiền cả chục triệu để mua cây keo giống và thuê người trồng lên các diện tích đó, và xã cũng lại thành lập tổ để đi cưỡng chế, xóa bỏ các cây keo kia.
Chị Lê Thị Loan người ở thôn Kim Lịch cho biết: “chúng tôi sống gần rừng, nhưng không được giao đất lâm nghiệp để trồng rừng, cũng như không được giao rừng để khoanh nuôi bảo vệ. Trong khi đó các thôn khác, các hộ dân đã được giao đất, nên họ trồng keo đã thu hoạch được nhiều vụ rồi, cuộc sống họ ổn định. Còn chúng tôi chẳng biết làm gì mà sống, đất ruộng thì được sào, vườn thì không có, ngồi chờ nhà nước thì biết bao giờ mới được giao đất mà làm ăn. Biết là trồng khi chưa được giao đất là sai, nhưng đói thì phải làm liều thôi”.
Anh Thoại xót xa tiếc của khi xã đi cưỡng chế nhổ keo “dù chúng tôi có trồng cây trên đất chưa được giao là sai, thì xã cũng không nên nhổ, hay chặt phá như thế. Để trồng được một vạn cây keo thì nhà tôi đã mất 35 triệu đồng tiền cây giống, ngoài ra còn tiền thuê người đi trồng nữa cũng tốn hơn 50 triệu đồng. Nhưng xã đã cho người nhổ hết. Chứng tôi nghĩ dù chúng tôi làm sai, thì xã cũng nên giữ số cây đó lại, sau này chia rừng thì hộ nào nhận, thì họ được hưởng và trả lại tiền cây giống và tiền công trồng cho chúng tôi. Có những đám cây keo trồng từ năm 2012, đường kính thân cây đã gần 20cm thế mà năm 2014 xã đã cho người dùng dao chặt nhiều nhát ngang thân cây. Khi có trận gió là cây gãy hết cả loạt, rất xót của”.
Bất cập trong quản lý rừng
Trao đổi với cúng tôi về vấn đề trên, ông Hoàng Anh Tuấn – chủ tịch UBND xã thừa nhận “Công tác bảo vệ rừng hiện nay ở địa phương đang tồn tại nhiều bất cập. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến từng thôn xóm công tác bảo vệ rừng, cũng như tuần tra, xử lý ngăn chặn việc phá rừng. Thế nhưng việc người dân trồng keo vi phạm trên đất xã quản lý chưa chuyển đổi vẫn đang diễn ra. Sau khi phát hiện dân trồng keo trái phép, xã đã thành lập tổ để cưỡng chế dứt điểm, để tránh việc người dân này làm được rồi các hộ khác làm theo và kéo nhau vào phá rừng”.
Một nguyên nhân làm cho người dân phá rừng trồng keo vì nguyên nhân họ thiếu tư liệu sản xuất để ổn định cuộc sống. Cụ thể toàn xã Kim Hóa có 1500 hộ dân với trên 5700 nhân khẩu nhưng chỉ có 56 hecta đất sản xuất nông nghiệp. Nên người dân phải sống dựa vào đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất và khai thác các lâm sản phụ từ rừng.
“Toàn xã đã tiến hành giao đất lâm nghiệp được hơn hơn 11500hecta, 280 hecta trồng cây cao su theo quy hoạch của tỉnh, 4200hecta rừng do Ban phong hộ chuyển về cho địa phương thì sắp tới được chia cho dân để chuyển sang rừng sản xuất. Còn những khoảnh đất lâm nghiệp thuộc quản lý của xã mà người dân đã sẻ phát thì địa phương cũng tiến hành làm đề án, thủ tục chuyển đổi để rồi cấp cho người dân, nhưng việc chuyển đổi này còn phụ thuộc vào các ban ngành cấp trên đồng ý” ông Tuấn cho biết.
Điều mà người dân địa phương đang mong chờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương sớm vào cuôc chuyển đổi và cấp đất lâm nghiệp để các hộ dân có tư liệu sản xuất, ổn định đời sống. Điều này cũng giúp địa phương ổn định tình hình an ninh trật tự và quản lý đất lâm nghiệp và đất rừng được tốt hơn, để không còn điệp khúc “dân trồng-xã nhổ” như bấy lâu nay vẫn diễn ra.
Thanh Hà(tamnhin.net)